Những công viên quốc gia hùng vĩ và kỳ bí của Hokkaido
Là hòn đảo ở cực Bắc, Hokkaido nổi tiếng với nhiều công viên quốc gia rộng lớn còn nguyên vẹn nét hoang sơ, nằm trong số những khu bảo tồn thiên nhiên đẹp nhất Nhật Bản. Bên cạnh rừng chiếm 70% diện tích, núi lửa và các hồ miệng núi lửa cũng góp phần tạo nên cảnh quan tự nhiên hùng vĩ của Hokkaido. Dưới đây là 6 công viên quốc gia ẩn chứa nhiều điều kỳ thú, có nơi còn được mệnh danh là "sân chơi của các vị thần" nhờ cảnh sắc tựa chốn thần tiên.
1. Công viên quốc gia Daisetsuzan
Cái
tên Daisetsuzan (大雪山) có nghĩa là “ngọn núi phủ trong tuyết dày”. Nằm ở
trung tâm Hokkaido Nhật Bản, đây là công viên quốc gia lớn nhất Nhật Bản với
tổng diện tích 226.764 ha, được công nhận vào ngày 04/12/1934.
Công viên nằm tập trung tại cụm núi lửa Daisetsu, trong đó có ngọn núi cao nhất của Hokkaido là Asahidake (2.291m). Cả khu vực này được gọi là “Mái nhà Hokkaido”, bao gồm những ngọn núi hùng vĩ kéo dài từ núi Tomuraushi đến dãy núi Tokachi và Ishikari, cùng với thượng nguồn của hai con sông lớn là Ishikarigawa và Tokachigawa.
Đỉnh của các ngọn núi trong công viên thường chỉ cao khoảng 2.000m, nhưng lại sở hữu môi trường tự nhiên tương tự như những ngọn núi cao 3.000m ở Honshu, do nằm ở vĩ độ cao. Thảm thực vật vùng núi cao phát triển mạnh mẽ, trong đó có các loài bản địa như Oxytropis japonica (một cây thuộc họ đậu) hay hoa Lagotis yesoensis màu tím, tạo nên cảnh quan tươi sáng, sống động. Chính bởi sự rực rỡ ấy mà người Ainu gọi công viên là Kamuy Mintara, nghĩa là “sân chơi của các vị thần”.
Công viên cũng là một nơi sinh sống của các loài sinh vật quý hiếm, bao gồm thỏ pika bản địa, được cho là loài đã sống sót qua Kỷ Băng Hà, hay loài bướm Parnassius eversmanni daisetsuzanus.
2. Công viên quốc gia Shikoktsu-Toya
Công viên quốc gia Shikotsu-Toya được công nhận vào ngày 16/10/1949, có diện tích rộng khoảng 99.473ha với trung tâm là khu vực hồ Shikotsu và hồ Toya. Cảnh sắc đặc trưng ở đây được tạo nên bởi sự kết hợp giữa núi lửa và các địa hình được tạo ra từ núi lửa, bao gồm ngọn núi Usu, Yotei và Tarumae.
Hơn thế nữa, công viên được mệnh danh là “bảo tàng núi lửa đang hoạt động” bởi có khá nhiều núi như vậy ở khu vực này. Đến đây, du khách được thư thái ngâm mình trong các suối nước nóng và suối khoáng lưu huỳnh. Những khu vực sở hữu nhiều khu nghỉ mát suối nước nóng nổi tiếng là Noboribetsu, hồ Toya và Jozankei.
Đặc biệt, công viên còn là ngôi nhà của hồ nước sâu thứ hai Nhật Bản – hồ Shikotsu, không đóng băng dù nhiệt độ Hokkaido mùa đông khá thấp. Du khách dễ dàng di chuyển đến công viên từ trung tâm Sapporo hay sân bay Shin-Chitose.
3. Công viên quốc gia Akan-Mashu
Công viên Akan-Mashu nằm tập trung ở ba miệng núi lửa Akan, Kussharo và Mashu, được tạo thành bởi vành đai núi lửa Chishima. Cảnh quan núi lửa và hồ nằm sát cạnh nhau như ở Akan-Mashu rất hiếm thấy tại Nhật Bản. Rừng tự nhiên, chủ yếu là cây lá kim, bao phủ hầu hết công viên, biến nơi đây trở thành một trong những vườn quốc gia có cảnh quan nguyên sơ nhất Nhật Bản.
Vùng
Akan được biết đến với núi Oakan và Meakan hùng vĩ, cùng với đó là cảnh
sắc hữu tình của hồ Akan và hồ Onneto. Đặc biệt, bên dưới hồ Akan còn
là nơi sinh sống của những quả cầu tảo Marimo
đáng yêu. Nằm trên vùng đất cổ xưa của tộc Ainu, do vậy những bí ẩn về
văn hóa bản địa sẽ được tiết lộ thông qua các lễ hội truyền thống ở địa
phương. Bạn cũng có thể lựa chọn nghỉ dưỡng tại Akanko Onsen, một ngôi
làng của người Ainu để tìm hiểu thêm về cuộc sống của họ.
Vùng Mashu lại sở hữu phong cảnh núi rừng thay đổi theo mùa, nổi bật với hồ Mashu, một trong những hồ nước trong sạch và tinh khiết nhất thế giới. Còn từ hồ Kussharo, bạn có thể ngắm nhìn những đỉnh núi và đèo xung quanh. Xấp xỉ bằng diện tích của Shikotsu-Toya, công viên Akan-Mashu rộng 91.413ha và được công nhận là công viên quốc gia vào ngày 04/12/1934.
4. Công viên quốc gia Shiretoko
Nằm
ở rìa cực đông của Nhật Bản, cái tên Shiretoko của công viên có nguồn
gốc từ cụm từ “sir etok” trong tiếng Ainu, nghĩa là “nơi tận cùng của
Trái Đất”. Vườn quốc gia Shiretoko đặc trưng bởi cảnh quan hùng vĩ, dốc
đứng được hình thành bởi hoạt động của núi lửa và băng trôi.
Nơi đây là ngôi nhà của một hệ động vật hoang dã phong phú, bao gồm cả những loài thú lớn như gấu nâu hay cá voi sát thủ, nhiều loài chim săn mồi có nguy cơ tuyệt chủng. Hệ sinh thái đa dạng này vẫn đang được công viên nỗ lực bảo tồn. Vào tháng 07/2005, vườn quốc gia Shiretoko đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Trong các thác nước nơi đây, nổi bật hơn cả là thác Furepe với dòng nước ngầm rỉ ra từ các vách đá dựng đứng rồi chảy trực tiếp ra biển Okhotsk, khiến ngọn thác nổi tiếng với biệt danh “nước mắt của thiếu nữ”. Tổng diện tích của công viên Shiretoko vào khoảng 38.638ha và được công nhận là công viên quốc gia vào ngày 01/06/1964.
5. Công viên quốc gia Kushiroshitsugen
Với diện tích rộng 28.788ha, Kushiroshitsugen sở hữu vùng đầm lầy lớn nhất Nhật Bản, bao gồm sông Kushirogawa chảy qua phía Đông Hokkaido và các nhánh của nó, cũng như các ngọn đồi xung quanh. Đây là môi trường sống quý giá cho nhiều loài động thực vật như sếu đầu đỏ, được công nhận là “biểu tượng thiên nhiên”.
Đây cũng là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước) đầu tiên tại Nhật Bản, được công nhận vào năm 1980. Bảy năm sau đó, vào ngày 31/07/1987, Kushiroshitsugen trở thành công viên quốc gia của Nhật Bản.
6. Công viên quốc gia Rishiri-Rebun-Sarobetsu
Được công nhận là công viên quốc gia vào ngày 20/09/1974, với diện tích rộng 24.166ha, Rishiri-Rebun-Sarobetsu là niềm tự hào của người dân Hokkaido khi sở hữu cảnh quan phong phú từ núi, vách đá, đầm lầy đến cồn cát ven biển. Núi Rishiki (hay còn gọi là Rishiki Fuji) mang dáng hình một chiếc nón tuyệt đẹp, và với vị trí giáp biển, nơi đây mang đến khung cảnh đại dương quyến rũ cho người leo núi.
Du khách đến với đảo Rebun của công viên có cơ hội được ngắm nhìn nhiều loại thực vật vùng núi cao quý hiếm như hoa lan hài (Cypripedium macranthos), trong khi đó, ở phía Tây đảo là những vách đá, khối đá ấn tượng. Còn vùng đồng bằng Sarobetsu sở hữu một trong những khu đầm lầy trên cao lớn nhất Nhật Bản, trở thành điểm dừng chân của nhiều loài chim di cư hoang dã như ngỗng hay vịt.
kilala.vn
29/06/2022
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận