Nghi lễ cắt nhân duyên bằng bồn cầu siêu độc lạ tại chùa Mantokuji
Tại Nhật Bản, bên cạnh những ngôi chùa để cầu tình duyên và các mối quan hệ suôn sẻ, cũng có một số chùa trở thành địa điểm linh thiêng trong việc chấm dứt nhân duyên với ai đó, chẳng hạn như ngôi chùa Mantokuji dưới đây.
Nghi lễ cầu nguyện chấm dứt mối quan hệ tại chùa Mantokuji ở tỉnh Gunma vô cùng đơn giản, việc đầu tiên bạn cần làm là viết điều ước lên giấy, sau đó bỏ vào bồn cầu rồi xả nước đi.
Vì sao Mantokuji trở thành ngôi chùa cắt duyên?
Trong suốt thời Edo (1603 – 1868), Mantokuji và Tokeji ở Kamakura - hai ngôi chùa Ni thuộc nhánh Thời tông của Tịnh độ tông Nhật Bản, đã trở thành nơi nương tựa của phụ nữ Nhật khỏi những người chồng vũ phu. Dưới đây là bức tranh một người phụ nữ chạy trốn khỏi chồng và ném vội chiếc dép vào cổng Mantokuji để mong được nương nhờ cửa Phật.
Được điều hành bởi chính quyền Mạc phủ, cả hai chùa này được công nhận chính thức trở thành nơi phụ nữ có thể ly dị chồng, đóng vai trò như tòa án gia đình ngày nay.
Lúc bấy giờ, khi phụ nữ bị phân biệt đối xử một cách thậm tệ, hai ngôi chùa đã vượt lên tất cả để giúp đỡ phái yếu thoát khỏi định kiến xã hội. Nhưng sau cùng, các ngôi chùa Ni này dần lụi tàn, Tokeiji trở thành ngôi chùa do sư tăng đứng đầu, còn Mantokuji rơi vào tình trạng hư hại.
Về sau, người dân đã chung tay khôi phục lại Mantokuji (満徳寺), và để bảo tồn những di sản của chùa, họ đã xây dựng thêm Bảo tàng Enkiridera Mantokuji bên trong khuôn viên. Chữ “Enkiridera - 縁切寺” mang nghĩa là “ngôi chùa cắt duyên” bởi trong lịch sử phát triển, chùa đã giúp đỡ phụ nữ chấm dứt mối quan hệ với người chồng bạo hành.
Đến tận ngày nay, sức mạnh này vẫn còn tồn tại ở chùa và đã xuất hiện thêm nghi lễ cắt duyên, cầu duyên độc đáo thông qua việc xả nước bồn cầu.
Nghi lễ cầu và cắt duyên tại Mantokuji
Trước khi thực hiện nghi lễ cắt duyên xấu cũng như cầu duyên lành tại Bảo tàng Enkiridera Mantokuji, du khách cần trả phí vào cổng là 200 yên (dành cho người lớn) và mua thêm bộ hai tờ giấy cầu nguyện có màu khác nhau với giá 200 yên.
Tờ giấy chữ đỏ dành cho du khách cầu về hôn nhân hay một mối quan hệ mới, trong khi đó, lá thư chữ đen dành cho người cầu ly hôn hoặc cắt đứt một mối nhân duyên. Bút màu đỏ dùng để viết điều ước lên tờ giấy có chữ màu đỏ và tương tự, bút màu đen cho tờ còn lại.
Sau khi viết xong điều ước, du khách sẽ đi qua một chiếc cổng gỗ để bước vào khu vực cầu nguyện. Nơi đây tái hiện lại cánh cổng mà những người phụ nữ xưa đã vội vã chạy vào tìm nơi nương náu khi bị chồng bạo hành.
Tiếp đó, bạn sẽ thấy hai cánh cửa dẫn đến phòng vệ sinh cho nam và nữ, đây cũng chính là nơi cầu nguyện có một không hai của chùa. Từng chiếc bồn cầu trong nhà vệ sinh có chức năng nhận những mảnh giấy điều ước, khi du khách xả nước, bồn cầu sẽ mang chúng sang thế giới bên kia và hoàn thành nguyện vọng của bạn.
Theo tấm biển hướng dẫn, nếu muốn cắt đứt mối quan hệ, mảnh giấy điều ước cần được xả ở bồn cầu màu trắng, còn nếu muốn xây dựng mối quan hệ mới thì xả ở bồn cầu màu đen. Có thể hiểu cắt duyên theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn cắt duyên với "sự cô đơn" như ở điều ước bên dưới!
Sau khi đặt đúng giấy cầu nguyện vào bồn cầu, du khách sẽ cần đợi từ 4-5 giây để đảm bảo giấy đã mềm ra trong nước, và việc còn lại chỉ là nhấn nút xả. Ngay khi lời cầu nguyện được nước cuốn đi, có lẽ sự giận dữ của chính chúng ta cũng theo đó trôi mất, chỉ còn cảm giác hài lòng kỳ lạ cùng một niềm hy vọng mới cho tương lai.
kilala.vn
Bảo tàng Enkiridera Mantokuji
- Địa chỉ: 385-1 Tokugawacho, thành phố Ota, tỉnh Gunma
- Thời gian mở cửa: 9h30 đến 17h (vào cổng trễ nhất: 16h30). Đóng cửa vào thứ hai hàng tuần và dịp Tết (từ ngày 29/12 – 03/01)
- Vé vào cổng: Người lớn 200 yên, nhóm từ 20 người trở lên 160 yên, miễn phí cho học sinh trung học phổ thông trở xuống.
- Website: city.ota.gunma.jp
14/09/2022
Bài: Rin
Nguồn: soranews24.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận