Hạt dẻ đã gắn liền với người Nhật Bản từ hàng nghìn năm trước, là một trong những loại quả “cổ xưa” nhất ở nước Nhật, người ta đã tìm thấy những hạt dẻ có niên đại đến 9.000 năm tại khu khảo cổ thời kỳ Jomon (10.000-200 TCN). Hạt dẻ là nguồn lương thực chủ yếu trên đất Nhật trước khi lúa gạo được trồng phổ biến suốt một khoảng thời gian dài. Ngày nay tất cả mọi người đều có thể thưởng thức hạt dẻ một cách dễ dàng, Nhật Bản hiện đã trở thành một trong những nước có sản lượng hạt dẻ xuất khẩu và nhập khẩu cao nhất trên thế giới.
(Ảnh: Shizuoka Gourmet)
Tại sao người Nhật cuồng hạt dẻ?
Ngoài hương vị ngọt bùi thơm ngon, hạt dẻ còn mang đến rất nhiều những lợi ích tuyệt vời như sau:
- Ổn định lượng đường trong máu: Trong hạt dẻ có hai dạng chất xơ hòa tan và không hòa tan giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, hạn chế cholesterol và bảo vệ thành ruột khỏe hơn.
- Cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giúp giảm cân: Với hàm lượng carbonhydrate khá cao (45g/100g hạt dẻ) nên sẽ giúp cơ thể có được nguồn năng lượng dồi dào và giúp ích trong chế độ ăn kiêng vì tạo cảm giác no lâu.
(Ảnh: Wagashi Maniac Blog)
- Tốt cho não, ngăn ngừa ung thư: Trong hạt dẻ có chứa 2 loại vitamin vô cùng dồi dào là vitamin B và vitamin C. Vitamin B kích thích sản sinh hồng cầu, giúp cơ thể tái sinh lượng tế bào mới và cung cấp nguồn oxy cho não bộ khỏe mạnh hơn, trong khi đó vitamin C là chất chống oxy hóa hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh ung thư.
- Nhiều khoáng chất có lợi khác: Hạt dẻ có chứa mangan là một chất chống oxy hóa như vitamin C, chất này kích thích sản xuất mô liên kết và hỗ trợ đông máu. Bên cạnh đó còn có chứa hàm lượng folate góp phần tổng hợp DNA trong cơ thể, cuối cùng là khoáng chất đồng giúp củng cố hệ xương, tăng cường hệ miễn dịch và làm cho giấc ngủ được sâu hơn.
-Lưu ý: Chỉ nên ăn khoảng 10 hạt dẻ mỗi ngày là tốt nhất để tránh tình trạng khó tiêu vì lượng axit trong dạ dày tăng lên
Thú vui nhặt hạt dẻ mùa thu
Một trong những hoạt động được yêu thích ở Nhật Bản vào mùa thu là nhặt hạt dẻ và chế biến thành những món ăn ngon. Hoạt động ngoài trời này giúp cho trẻ con và cả người lớn cảm thấy thư giãn sau giờ học tập và làm việc, điều này đặc biệt có ích cho sự phát triển của trẻ em vì giúp các em có cơ hội biết thêm nhiều điều về thế giới tự nhiên, . Đây cũng là hoạt động được đưa vào chương trình học của một số trường mẫu giáo, các thầy cô giáo sẽ chia nhau hướng dẫn từng nhóm học sinh nhặt hạt dẻ và thi đua số lượng hạt, sau đó các em sẽ cùng nhau thưởng thức các món ăn thơm ngon từ hạt dẻ vừa nhặt được ngay tại vườn hoặc trang trại.
(Ảnh: Kawai - gakuen.ac.jp)
Những địa điểm nhặt hạt dẻ lí tưởng
Vườn hạt dẻ Ideno, làng Sanze thuộc thành phố Saga
Mặc dù chỉ được phép nhặt hạt dẻ vào những lúc giới hạn (vào ngày cuối tuần và các ngày lễ của tháng 9), đây là nơi được rất nhiều người yêu thích. Hạt dẻ của vườn được giới thiệu trên các chương trình TV là vừa có vị ngọt thơm ngon vừa có kích cỡ khá lớn. Khu vườn sẽ cung cấp sẵn cho khách tham quan dụng cụ để nhặt hạt dẻ như xô và kẹp gắp, việc còn lại là dạo quanh khu vườn và tìm những hạt dẻ đã nứt vỏ rơi xung quanh các gốc cây. Khách sẽ trả một mức phí để mang hạt dẻ nhặt được về nhà (700 yen/kg), ngoài ra nếu khách muốn ăn lót dạ trước, vườn cũng phục vụ các món ăn nhẹ như bánh hạt dẻ, cơm hạt dẻ và một số món khác.
(Ảnh: Osakainfo)
Vùng Saimyoji, thị trấn Nishiki thuộc thành phố Semboku
Đây là nơi nổi tiếng có loại hạt dẻ to nhất, với kích thước hơn 3cm và nặng 25-30g. Món hạt dẻ nấu si-rô là một món ăn phổ biến được các nhà hàng quanh thành phố Semboku đưa vào thực đơn trong suốt mùa hạt dẻ. Có 2 khu vườn mở cửa cho khách tham quan và nhặt hạt dẻ tự do là Kyunosuke và Sasaki, mức phí khi mang hạt dẻ về là 800 yen/kg. Đặc biệt khi đã hết mùa hạt dẻ, vào giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, du khách còn có thể thưởng thức vẻ đẹp của hoa Katakuri lúc này khoe sắc tím rực rỡ dưới những tán cây hạt dẻ, mục đích trồng cây này là để đất đai màu mỡ hơn, giúp cho hạt dẻ đạt chất lượng vào vụ mùa kế tiếp.
(Ảnh: Katakuri t-mizo/flickr)
Một số địa điểm khác như vườn Gohohira Shizenen, thị trấn Yaotsu cho phép du khách nhặt hạt dẻ (vào đầu tháng 9 đến giữa tháng 10) và thưởng thức một bữa tiệc nướng , ngoài ra khách có thể mua về 1kg hạt dẻ tại vườn để làm kỉ niệm.
Nông trại Kobayashi, tỉnh Nagano có thời gian nhặt hạt dẻ từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, khách tham quan có thể tự do mang thức ăn nước uống tự chuẩn bị vào và tổ chức những buổi tiệc vui vẻ cùng với bạn bè và gia đình.
Kuri gohan (Just one cook book) là món ăn phổ biến nhất vào mùa thu ở Nhật, món cơm hạt dẻ và bạch quả khá dễ để chế biến, hạt dẻ sau khi bóc vỏ thì trộn chung với gạo và nấu như bình thường. (Ảnh: PIXTA)
Món bánh nướng từ khoai lang nghiền và hạt dẻ là một món khoái khẩu của trẻ em và người lớn vào mùa thu. (Ảnh: PIXTA)
Một trong những thương hiệu hạt dẻ đắt nhất là Tanba-Guri, được trồng tại vùng Tanba với khí hậu lí tưởng nên hạt dẻ rất chất lượng. Chỉ chiếm 1% tổng lượng hạt dẻ cả nước, đây được xem là loại hạt dẻ “xa xỉ”, một chiếc bánh được làm từ Tanba-Guri có giá đến 10.000 yên nhưng nó được bán rất chạy và phải đợi một thời gian dài để mua được bánh. (Ảnh: goinjapanesque.com)
Gia Hân/ kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận