Khám phá nơi tu tập của kiếm sĩ Miyamoto Musashi tại Kumamoto
Được mệnh danh là kiếm sĩ “độc cô cầu bại” trong giới Samurai Nhật Bản, Miyamoto Musashi từng có thời gian tu tập tại lâu đài Kumamoto, chùa Unganzenji, đặc biệt là trong hang động Reigando của tỉnh Kumamoto.
Với tài năng kiếm thuật hơn người, Miyamoto Musashi (1584-1645) chưa từng thua cuộc lần nào, kể cả trong trận chiến với bậc thầy kiếm thuật hàng đầu nước Nhật Sasaki Kojiro. Ông để lại cho hậu thế nhiều câu danh ngôn bất hủ, nhất là cuốn sách “Ngũ Luân Thư” bàn luận về kiếm pháp và Đạo của một kiếm sĩ. Đến nay, tập sách vẫn là tác phẩm kinh điển thu hút độc giả khắp thế giới.
Trong hành trình theo đuổi kiếm thuật để tìm sự giác ngộ, Musashi từng dành nhiều thời gian tu tập tại tỉnh Kumamoto, trong đó hang động Reigando, cũng chính là nơi ông viết nên tác phẩm cuối đời Ngũ Luân Thư.
Chùa Unganzenji
Nằm cách trung tâm của thành phố Kumamoto khoảng 10km, chùa Unganzenji (雲巌禅寺) được bao trùm trong bầu không khí tĩnh lặng của vùng nông thôn Nhật Bản. Để đi đến ngôi chùa, du khách sẽ leo lên núi Kinbo theo con đường mòn được bao quanh bởi rừng cây, cánh đồng và những vườn cam bạt ngàn.
Ngay khi đến khu vực chùa, bạn sẽ được chào đón bởi bức tượng kiếm sĩ Miyamoto Musashi trong tư thế thiền định ngay tại bãi giữ xe, cạnh bên là một chiếc máy bán hàng tự động. Ngoài tượng kiếm sĩ, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng hai vị thần bảo hộ gác cổng Nio.
Được xây dựng vào năm 1351 bởi Thiền sư gốc Hoa Toryo Eiyo, Unganzenji còn được gọi là Iwato Kannon (岩戸観音) để tỏ lòng thành kính đến tượng Phật Quán Thế Âm được thờ tự bên trong hang động Reigando.
Tương truyền, bức tượng Phật này đã bị kẹt lại ở trong hang một cách kỳ lạ trước khi ngôi chùa được xây dựng. Trong quá trình vận chuyển tượng đến Kumamoto, con thuyền đã bị chìm và bức tượng được đưa vào bờ nhờ tấm ván gỗ.
Bất chấp hư hại do thiên tai, vị trí của ngôi chùa Unganzenji vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu. Kể từ thời cổ đại, khu vực xung quanh ngôi chùa đã được xem là vùng đất linh thiêng bởi có nhiều khối đá được hình thành, vì vậy mà nó trở thành nơi các vị sư tu khổ hạnh.
Hiện nay, chùa Unganzenji là điểm thứ 14 trên chuyến hành hương 33 điểm ở phía Tây Kyushu và là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.
Từ chùa di chuyển đến hang động Reigando, du khách sẽ bất ngờ với địa điểm tiếp theo: một khu rừng bí ẩn với những bức tượng đá kỳ lạ.
Khu rừng của 500 tượng A La Hán
Giữa những tảng đá phủ rêu, hàng trăm pho tượng nằm rải rác quanh lối đi dẫn đến hang động Reigando. 500 tượng đá A La Hán này được vị thương gia tên Fuchitaya Gihei dành tới 24 năm, từ năm 1779 đến năm 1802, để điêu khắc. A La Hán là đệ tử của Đức Phật, người đã hoàn thành con đường dẫn đến giác ngộ và đạt được Niết bàn.
Các pho tượng tại đây đã cũ đi theo năm tháng, cũng có tượng bị mất đầu do động đất hoặc do việc phá hủy tượng Phật diễn ra trong suốt thời Minh Trị Duy Tân.
Mỗi bức tượng mang một dáng vẻ riêng với những biểu cảm khác biệt, được chiếu rọi bởi những tia sáng mờ ảo xuyên qua tán cây rậm rạp bên trên, mang đến khung cảnh linh thiêng đầy huyền bí. Trong buổi sáng tĩnh lặng, dạo bước qua đây, rất dễ cảm thấy ánh mắt của những bức tượng đang hướng về mình. Chính sự bất động của các tượng A La Hán khiến họ trông như những thực thể sống phát ra năng lượng, đang hộ tống du khách đến hang động Reigando.
Hang động Reigando, nơi Miyamoto Musashi viết tác phẩm Ngũ Luân Thư
Sau khi băng qua khu rừng, du khách sẽ leo lên một cầu thang đá dẫn vào hang động Reigando (霊巌洞). Trước đây, để tiếp cận được hang, các tín đồ phải leo lên vách đá hoặc dùng đến thang dây.
Cấu tạo của hang động trông như một cái miệng lớn, rộng rãi nhưng không quá cao và cũng không quá sâu. Khi hướng mắt lên trần hang, du khách sẽ thấy ba chữ Hán được khắc trên đá gồm: “霊 – Rei – Linh”, “巌 – Gan – Nham” và “洞 – Do – Động”.
Reigando đã được giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu, khi chùa được xây dựng. Trong bầu không khí tĩnh lặng, nguyên sơ của hang, dễ cảm nhận được sự linh thiêng kỳ bí của nơi từng là địa điểm tu khổ hạnh và thiền định.
Kiếm sĩ Musashi đã đến tỉnh Kumamoto vào năm 1640 và trải qua những năm tháng cuối đời tại đây. Trú ngụ trong hang Reigando, Musashi chuyên tâm thiền định và viết lách. Trong số các tác phẩm ở giai đoạn này, nổi bật là cuốn Ngũ Luân Thư. Không lâu sau khi hoàn thành cuốn sách để đời của mình, huyền thoại Musashi đã qua đời vì bệnh tật vào năm 62 tuổi.
kilala.vn
23/09/2022
Bài: Rin
Nguồn: voyapon.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận