Tất tần tật về Tokyo: Lịch sử, địa lý, kinh tế và du lịch
Tokyo vẫn luôn được biết đến với tư cách trung tâm của Nhật Bản, là một “biểu tượng” mang tầm quốc tế khi có ai đó nhắc về quốc gia này. Và bây giờ, hãy cùng Kilala khám phá Tokyo, về văn hóa, ẩm thực cũng như những điểm đến thú vị của vùng đất này nhé!
Vài nét giới thiệu về Tokyo Nhật Bản
Tokyo thuộc vùng nào của Nhật Bản?
Tokyo được xem là một trong những vùng đất rộng lớn nhất nước Nhật, nằm ở trung tâm đảo Honshu, thuộc vùng Kanto, phía đông Nhật Bản. Theo tiếng Nhật, Tokyo là Đông Kinh, nghĩa là kinh đô ở phía đông.
Phần lục địa Tokyo ở phía tây bắc Vịnh Tokyo, trải dài khoảng 90km từ đông sang tây, 25km từ bắc xuống nam. Tokyo giáp tỉnh Chiba ở phía Đông, giáp Yamanashi ở phía Tây, Kanagawa phía Nam và Saitama ở phía Bắc. Trung tâm Tokyo là nơi có Cung điện Hoàng gia, Tòa nhà Quốc hội, Tòa án tối cao, Bộ ngoại giao và các bộ trung ương khác.
Lịch sử của Tokyo
Trong lịch sử, Tokyo từng có tên gọi là Edo. Đó là lý do vì sao đến ngày nay những cụm từ như “bảo tàng Edo” “văn hóa Edo”... được sử dụng phổ biến khi nói về Tokyo.
Thời Edo (trước năm 1869)
Ban đầu, Tokyo là một làng chài nhỏ, từng thuộc tỉnh Musashi cũ, được đặt nền móng phát triển bởi gia tộc Edo. Có lẽ vì nguyên nhân này nên cái tên Edo cũng bắt đầu từ khi đó. Vị thế của Edo ngày càng được nâng tầm là nhờ công lao của tướng quân Tokugawa Ieyasu - người sáng lập và cũng là Shogun (tướng quân) đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa.
Năm 1603, sau khi thống nhất các sứ quân, Tướng quân Tokugawa Ieyasu đã xây dựng Edo như một cứ điểm của ông. Vì vậy, Edo đã phát triển nhanh chóng và trở thành một nơi đông đúc với dân số trên 1 triệu người vào thế kỉ 18. Tuy nhiên, kinh đô lúc này vẫn là Kyoto. Edo trong thời kỳ này rất yên bình, không có chiến tranh xung đột nên còn được gọi là: thời kỳ Tokugawa yên bình.
Phần lớn nguồn lực của Edo trong thời gian này đều được dùng để phục hồi sau những vụ cháy, động đất hay những thiên tai khác. Tuy nhiên, sự yên bình này đã đi đến hồi kết khi Thiếu tướng Matthew C. Perry xuất hiện năm 1853. Đến năm 1867, sau 265 năm, thời kỳ Tokugawa yên bình kết thúc.
Từ năm 1869-1943
Chế độ Mạc phủ Tokugawa bị sụp đổ, Thiên hoàng Minh Trị (Meiji) lên ngôi củng cố quyền lực. Ngày 3/9/1868, Thiên hoàng ra chiếu dời đô và đổi tên Edo thành Tokyo. Đến năm 1869, kinh đô được dời từ Kyoto về Tokyo. Từ đó, Tokyo trở thành trung tâm chính trị và cũng là trung tâm kinh tế của Nhật Bản.
Tokyo trở thành nơi Thiên hoàng cư ngụ, Lâu đài Edo trở thành Cung điện Hoàng gia. Ngày 1/5/1889, thành phố Tokyo chính thức thành lập và là thủ đô theo luật. Trong giai đoạn này, Tokyo đã trải qua hai trận thiên tai: 1 là trận động đất lớn ở vùng Kanto năm 1923; 2 là Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945).
Sau trận động đất ở khu vực Kanto, trong Sosho (Sắc lệnh hoàng gia) ban hành tháng 9/1923 tuyên bố Tokyo là thủ đô của đế quốc, là trung tâm kinh tế chính trị và cần được đầu tư phát triển.
Từ năm 1943 - nay
Năm 1943, thành phố Tokyo sáp nhập với thủ phủ Tokyo tạo thành Chính quyền Thủ đô Tokyo, có chức năng là một phần của chính phủ trung ương Nhật Bản.
Giai đoạn từ 1939 - 1945, Tokyo đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chỉ trong hai năm 1944-1945, ước tính dân số Tokyo đã giảm hơn phân nửa, cơ sở kiến trúc thiệt hại nặng nề, phần lớn người dân sống trong cảnh tạm bợ.
Sau chiến tranh, Tokyo trở thành nơi Mỹ đặt căn cứ để quản lý trong 6 năm, sự kiện này kết thúc năm 1952. Sau đó, Tokyo dần được xây dựng và phục hồi phát triển kinh tế. Năm 1964, Tokyo là nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè, mang đến cho thế giới một cái nhìn mới về sự phát triển như những nhà thi đấu quốc gia hay hệ thống shinkansen tân tiến.
Trải qua nhiều biến động, từ hậu chiến tranh, cuộc khủng hoảng tài chính rồi thảm họa thiên nhiên, Tokyo vẫn vươn mình phát triển, là 1 trong những kinh đô thời trang, trung tâm kinh tế tài chính lớn trên thế giới.
Đặc điểm khí hậu ở Tokyo
Tokyo có khí hậu ôn đới, nằm ở khu vực vành đai khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có 4 mùa rõ rệt trong năm. Do chịu ảnh hưởng của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa hè Tokyo nóng nhưng vẫn ẩm ướt và mùa đông khá rét với những đợt rét mạnh từ áp cao Siberia thổi về. Ở Tokyo, tháng ấm nhất là tháng 8 và tháng mát nhất là tháng 1.
Lượng mưa trung bình hàng năm gần 1.530 mm, mùa hè ẩm ướt và mùa đông khô hơn. Mặc dù tuyết không rơi quá dày nhưng hầu như mùa đông năm nào Tokyo cũng đổ tuyết. Hằng năm nơi này cũng thường có bão đổ bộ, nhưng phần lớn là những cơn bão nhỏ.
Đặc điểm giao thông ở Tokyo
Tokyo được xây dựng hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt vô cùng hiện đại. Đây là nơi có hệ thống đường sắt đô thị phát triển bậc nhất trên thế giới.
- Hệ thống tàu điện gồm: toden, kokuden, tàu điện ngầm và Shinkansen. Sở hữu các đặc điểm: nhanh - rẻ - tiện lợi khiến nó trở thành hình thức di chuyển thông dụng tại Nhật Bản.
- Sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo nằm không xa khu vực nội thành, có lưu lượng khách đông đúc và rất phổ biến với hành khách quốc tế. Đây cũng là sân bay đầu tiên của Nhật đạt chuẩn 5 sao trong BXH Toàn cầu Skytrax.
- Ngoài ra, hệ thống phương tiện công cộng khác như xe buýt, tàu hỏa cũng phát triển ở Tokyo, đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận tiện cho cư dân nơi này.
Dân số ở Tokyo
Theo Macrotrends, dân số khu đô thị Tokyo năm 2023 ước tính khoảng 37,1 triệu người. Trong đó, có khoảng 40% dân cư tập trung ở khu vực trung tâm đô thị. Là nơi tập trung các trường đại học, các trụ sở công ty lớn, Tokyo thu hút lượng lớn người dân từ những tỉnh thành khác, nhất là những công dân trẻ, trong độ tuổi lao động.
Tokyo có gì đặc biệt?
Về cơ cấu hành chính:
Theo luật Nhật Bản, đô thị Tokyo được phân loại là Đô (都-to), có cấu trúc hành chính ngang bằng với các tỉnh Nhật Bản. Trong đô thị Tokyo có nhiều cấu trúc hành chính nhỏ hơn. Tokyo gồm 23 khu đặc biệt (特別区), đây là những khu tự trị, mỗi khu có một thị trưởng, một hội đồng riêng và có cấu trúc như một thành phố.
Ngoài 23 khu đặc biệt này, Tokyo còn có 26 thành phố (市), 5 thị trấn (町) và 8 làng (村-thôn). Mỗi phân khu hành chính đều có chính quyền địa phương riêng. Người đứng đầu chính quyền thủ đô Tokyo là tỉnh trưởng và hội đồng thành phố.
Về văn hóa - nghệ thuật:
Tokyo là nơi đặt trụ sở của những đài truyền hình lớn như NHK, Fuji TV. Đây cũng là nơi thường xuyên được chọn làm bối cảnh của những bộ manga, anime hay phim điện ảnh nổi tiếng như James Bond, Kill bill, Fast and Furious: Tokyo Drift…
Sau năm 1964, IOC chọn Tokyo tiếp tục trở thành nơi tổ chức Olympic 2020 (hoãn lại và tổ chức năm 2021). Và, Tokyo trở thành thành phố châu Á đầu tiên tổ chức Thế vận hội 2 lần.
Tokyo ngày nay vẫn là nơi giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, Tokyo không hiếm những lâu đài cổ, những bảo tàng nghệ thuật truyền thống. Có rất nhiều nhà hát (nhà nước và tư nhân), nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như kịch Noh, Kabuki cũng như cho các thể loại kịch hiện đại.
Người Edo, những đám cháy và nghề cứu hỏa (Tokyo)
Khi nói về Edo, người ta còn có câu: Hỏa hoạn và đánh nhau là hoa của Edo (Kaji to kenka wa Edo no hana - 火事と喧嘩は江戸の華)
Trước khi trở thành Tokyo, “xao động” nhất trong thời kỳ yên bình của Edo chính là những trận hỏa hoạn. Vì xây nhà từ gỗ, mùa đông hanh khô khiến cho hỏa hoạn rất dễ xảy ra, đám cháy bùng lên nhanh, lan từ nhà này sang nhà khác. Người dân Edo xây dựng đường sá dựa trên hệ thống kênh đào một phần là để ngăn cháy lan.
Vì vậy, vào thời này, nghề chữa cháy (cứu hỏa) là một nghề cao quý và có thể xem là “hot” hàng đầu. Thậm chí hằng năm, vào dịp năm mới, lực lượng cứu hỏa Edo còn tổ chức sự kiện Dezome shiki (出初め式) để cầu mong bình an, may mắn đầu năm mới. Sự kiện này vẫn còn được Lực lượng cứu hỏa Tokyo duy trì tổ chức đến ngày nay.
Ngoài ra, vế sau của câu nói trên còn hàm ý chỉ sự nóng nảy, dễ “va chạm” của người Edo thời bấy giờ. Chữa cháy và đánh nhau đều gây ra ồn ào, và đều là đặc trưng của Edo thời đó.
Nền kinh tế ở Tokyo
Tokyo là một trong những trung tâm kinh tế - tài chính lớn toàn cầu, thuộc top 5 những trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Là nơi tập trung dân cư đông đúc với mức sống cao, Tokyo từng được Economist Intelligence Unit xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới trong 14 năm liền.
Tokyo phát triển các ngành công nghiệp nhẹ như in ấn, xuất bản và sản xuất linh kiện điện tử. Xét trên thị phần toàn Nhật Bản, những ngành mà Tokyo giữ vị trí hàng đầu là "Công nghiệp Truyền thông & thông tin" với 34,1%, "Nghiên cứu học thuật và dịch vụ kỹ thuật" với 18,8% và "Bất động sản & cho thuê" với 16,1%.
Tokyo là một thị trường lớn, đồng thời là nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp cũng như các trường đại học và tổ chức nghiên cứu. Hầu hết trụ sở chính của các tập đoàn, chi nhánh hoặc địa điểm sản xuất ở các vùng khác thường có văn phòng lớn ở Marunouchi, Tokyo. Còn Otemachi, Tokyo là nơi đặt trụ sở của các tổ chức tài chính và công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản.
Xét về Nông - lâm - ngư nghiệp:
+ Tỷ lệ đất nông nghiệp ở Tokyo khá thấp, các hoạt động nông nghiệp tập trung chủ yếu ở phía tây Tokyo.
+ Gần 40% diện tích Tokyo được rừng bao phủ, phát triển nhất là cây liễu sam và cây bách Nhật nên ngành sản xuất gỗ cũng rất phát triển.
+ Hoạt động nuôi trồng đánh bắt hải sản đến từ các vùng đảo ngoài khơi thuộc Tokyo. Trong đó, chợ cá Tsukiji ở Tokyo có quy mô rất lớn, cung cấp khoảng 2000 tấn hải sản cho 1/3 Nhật Bản mỗi ngày.
Nền ẩm thực của Tokyo
Về bản chất, Tokyo là hình ảnh thu nhỏ của một nền ẩm thực đa dạng. Đây là nơi có sự hội tụ và giao thoa của những món ăn truyền thống Nhật Bản, những món đặc sản từ vùng miền khác và cả những món ăn từ những quốc gia, khu vực khác nhau.
Ẩm thực địa phương của Tokyo được hình thành trong khoảng 400 năm trước, vào khoảng năm 1603 - 1867. Trong thời kỳ này, 4 món ăn nổi tiếng của Edo là: soba, tempura, Edomae sushi và unagi.
Trong số đó, đến những năm 1800, nigirizushi (hay còn gọi là sushi thủ công) mới ra đời ở Edo. Vốn là một nơi sầm uất, “mô hình” hàng quán của Edo cũng rất phát triển. Người ta kể rằng có một chủ quán ăn nọ nảy ra ý tưởng làm những viên cơm trắng có ướp giấm, mặt trên đặt những miếng cá tươi hoặc cá tẩm gia vị.
Với món mới này, người ta có thể “ăn liền” và “ăn nhanh” đúng nghĩa. Ngay sau đó, món ăn này trở nên thịnh hành và được các hàng quán khác làm theo. Bởi vì hải sản sử dụng được đánh bắt từ Vịnh Edo, nên người ta gọi nó với cái tên "Edomae sushi".
Ngoài ra, Tokyo còn có một số món ăn nổi tiếng khác như Monjayaki - một loại bánh tương tự như okonomiyaki, cơm nghêu Fukagawa meshi hay lẩu Yanagawa nabe.
Nền giáo dục ở Tokyo
Tokyo có nhiều trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Những trường đại học danh tiếng hàng đầu Nhật Bản đều ở Tokyo như: Đại học Tokyo, Đại học Hitotsubashi, Đại học Công nghệ Tokyo, Đại học Waseda, Đại học Khoa học Tokyo và Đại học Keio.
Ngoài hệ thống các trường đại học quốc gia, ở Tokyo cũng không hiếm những trường đại học quốc tế. Đó cũng là một trong những lý do khiến vùng đất này thu hút ngày càng nhiều người đến tập trung sinh sống.
Khám phá Tokyo
Biểu tượng của Tokyo
Trên trang web của Chính quyền đô thị Tokyo, người ta công bố 4 hình ảnh mang tính biểu tượng cho nơi này gồm: Logo đại diện của Tokyo, cây Ginkgo biloba, chim mòng biển Yurikamome và cây anh đào Somei Yoshino
Shinboru (symbol - biểu tượng) của Tokyo được tạo thành từ ba vòng cung, giống như lá cây bạch quả, và cũng là chữ T trong Tokyo. Logo có màu xanh lá cây, tượng trưng cho sự phát triển, thu hút và tương lai yên bình trong của Tokyo. Biểu tượng này được chính thức thông qua vào ngày 1/6/1989.
Bên phải là monsho (huy hiệu) của Tokyo, với hình ảnh 1 chấm giữa đại diện cho mặt trời, còn 6 tia toả ra tượng trưng cho năng lượng mặt trời tỏa ra theo sáu hướng.
Ginkgo hay còn gọi là cây ngân hạnh hoặc cây bạch quả được chỉ định là cây biểu tượng của Tokyo từ ngày 8/11/1996. Có lẽ vì là cây biểu tượng nên dọc theo các con phố và đại lộ ở Tokyo người ta trồng rất nhiều cây này.
Mòng biển yurikamome là loài chim có đầu mỏ và chân màu đỏ son. Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 10, những con mòng biển yurikamome di chuyển về phía nam tới Tokyo. Và chúng lưu trú tại các cảng và ven sông xung quanh Tokyo đến tháng 4 năm sau.
Chúng là chủ đề yêu thích của các nhà thơ và họa sĩ, còn được gọi là miyakodori - “loài chim của thủ đô”. Mòng biển yurikamome được chỉ định là loài chim biểu tượng của Tokyo chính thức từ ngày 1/10/1965.
Giống anh đào Somei-yoshino là một trong những loại anh đào phổ biến nhất. Đa số những cây Somei yoshino được trồng ở thời Edo. Loại anh đào này được chọn là hoa biểu tượng chính thức của Tokyo từ ngày 22/6/1984.
Những điểm du lịch nổi tiếng ở Tokyo
Những điểm du lịch truyền thống - tâm linh
Chùa Sensoji - ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản
Chùa Sensoji tọa lạc ở khu vực Asakusa (Tokyo), còn có tên gọi khác là chùa Asakusa Kannon, theo tiếng Hán là Thiển Thảo Tự. Đây là ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản, được xây vào năm 654 và thờ Quán Thế Âm bồ tát.
Chùa Sensoji thu hút du khách bởi câu chuyện lịch sử linh thiêng cũng như lối kiến trúc mang nét cổ kính. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn của Tokyo như Sanja Matsuri, Tokyo Jidai Matsuri,…
Đền Meiji Jingu
Meiji Jingu, hay còn gọi là đền Minh Trị, là ngôi đền thần đạo linh thiêng xây vào năm 1920 để tưởng nhớ thiên hoàng Meiji. Đây là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất ở Tokyo.
Đền có tổng diện tích 70ha, nằm ở khu trung tâm Tokyo, được bao quanh giữa rừng cây, tạo nên sự yên bình, thanh tĩnh giữa khu đô thị ồn ào náo nhiệt. Đền Meiji nổi tiếng với sự linh thiêng, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước viếng thăm.
Đền Yushima Tenmangu
Đền Yushima Tenmangu còn có tên gọi khác là Yushima Tenjin, được xây dựng năm 458. Ngôi đền thờ học giả vĩ đại Sugawara no Michizane nên thường được gọi là “ngôi đền học vấn”.
Ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng, hằng năm có rất nhiều học sinh sinh viên thường tìm đến để cầu nguyện thi cử may mắn, đỗ đạt.
Du lịch trải nghiệm văn hóa ở Tokyo
Hoàng cung Tokyo
Hoàng cung Tokyo (Kokyo) là nơi Nhật hoàng ở, xây dựng trên khu vực thành Edo cũ, với tổng diện tích lên tới 7,41km2. Hoàng cung có lối kiến trúc mang đậm nét truyền thống Nhật Bản, vừa uy nghiêm vừa cổ kính.
Hằng năm, hoàng cung Tokyo mở cửa đón khách tham quan vào hai ngày: 02/01 và 23/12. Ngoài ra, Vườn phía đông của hoàng cung, nơi có không gian xanh mát yên bình, mở cửa đón khách tham quan từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần.
Nhà hát kịch Kabuki
Nhà hát kịch Kabuki Tokyo hay còn gọi là Kabukiza nằm ở khu Ginza, là sân khấu biểu diễn của kịch Kabuki truyền thống. Nhà hát được xây từ năm 1889, với lối kiến trúc gỗ đặc trưng. Trải qua nhiều lần trùng tu, nhà hát này nổi tiếng bởi phong cách kiến trúc truyền thống nhưng sử dụng kỹ thuật xây dựng của phương Tây.
Sân vận động Ryogoku Kokugikan
Sân vận động Ryogoku Kokugikan là nơi dành riêng cho môn thể thao truyền thống Sumo. Sân vận động được xây vào năm 1985 với sức chứa hơn 10.000 người. Hằng năm, các giải đấu Sumo cấp quốc gia vào tháng 1-5-9 đều diễn ra ở sân vận động này.
Ngoài được xem các trận đấu sumo hấp dẫn, khách tham quan có thể đến với bảo tàng sumo ngay trong sân vận động để tìm hiểu về môn thể thao đặc biệt này.
Công viên ở Tokyo
Vườn quốc gia Công viên Inokashira Onshi là công viên hơn 100 năm tuổi, nằm ở khu vực ngoại ô Tokyo, thuộc thành phố Kichijoji. Nơi đây có hơn 10.000 cây hoa anh đào, là một trong những địa điểm tuyệt vời nhất cho các hoạt động dã ngoại du xuân, chèo thuyền trên hồ, ngắm hoa anh đào nở.
Công viên Ueno là công viên lớn nhất và cổ nhất Tokyo, chính thức mở cửa từ năm 1873, với tên gọi chính thức là Ueno Onshi-Koen - “Công viên Ân điển Hoàng gia Ueno”. Công viên Ueno được thiết lập theo mô hình kiểu mẫu phương tây, thể hiện sự tiếp thu và hội nhập quốc tế trong giai đoạn đầu thời Meiji.
Những bảo tàng nổi tiếng ở Tokyo
Bảo tàng Quốc gia Tokyo là bảo tàng nghệ thuật quốc gia lâu đời nhất Nhật Bản, được điều hành bởi Viện Di sản Văn hóa Quốc gia. Đây là nơi thu thập, bảo tồn và trưng bày những bộ sưu tập, các tác phẩm nghệ thuật và văn vật, chủ yếu là nghệ thuật Nhật Bản thời cổ đại và trung cổ.
Bảo tàng Nghệ thuật Mori – top 100 bảo tàng nổi tiếng trên thế giới là bảo tàng về nghệ thuật và kiến trúc đương đại. Bảo tàng tập trung trưng bày những tác phẩm của nghệ sĩ đương đại, là không gian phù hợp cho những ai yêu thích nghệ thuật Nhật Bản.
Bảo tàng Ghibli là bảo tàng mỹ thuật ở thành phố Mitaka, Tokyo. Bảo tàng có những triển lãm cố định giải thích cách làm nên một bộ phim. Ngoài ra còn có triển lãm hướng dẫn cách làm các món ăn trong phim của Ghibli. Đây là nơi bất cứ người hâm mộ nào của Studio Ghibli đều muốn ghé qua.
Lễ hội truyền thống ở Tokyo
Tokyo có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến:
+ Sanja Matsuri ở chùa Sensoji, được tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 5 hằng năm. Nghi lễ rước kiệu truyền thống trong bầu không khí náo nhiệt mang lại may mắn cho những người buôn bán và cư dân địa phương.
+ Hiwatari Matsuri: lễ hội “đi trên lửa” truyền thống thể hiện qua việc các sư thầy sẽ đi chân trần trên lửa. Những người tham dự lễ hội này sẽ thực hiện nghi lễ Goma: đi chân trần trên đám tro tàn, hoặc đống lửa đã tắt. Người ta cho rằng nghi lễ này giúp họ tránh xa vận rủi, gặp nhiều may mắn.
+ Lễ hội pháo hoa Sumidagawa: tổ chức vào thứ 7 cuối cùng của tháng 7 hằng năm ở bờ sông Sumida. Lễ hội bắt đầu từ năm 1732, với ý nghĩa xoa dịu những linh hồn đã mất và xua tan bệnh dịch. Đây là một trong những lễ hội pháo hoa lớn và lâu đời nhất Nhật Bản
Có thể thấy rằng, Tokyo là nơi sở hữu riêng sự đặc sắc, đa dạng và thu hút về mọi mặt. Với sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa truyền thống và phát triển hiện đại, Tokyo như một Nhật Bản thu nhỏ, là một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu về đất nước mặt trời mọc.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận