Nếu ở Việt Nam, cư dân mạng đã quen thuộc với câu nói vui “Kẹo sữa Mikita được làm từ sữa" thì ở Nhật, kẹo sữa không chỉ đem lại sự ngọt ngào về vị giác mà còn mang giá trị lịch sử. Peko-chan, cô bé lè lưỡi háu ăn cột tóc hai bên không chỉ gắn liền với thương hiệu kẹo Milky - món ngon của những người trải qua nạn đói ở Nhật trong Thế chiến thứ hai, mà còn liên quan đến một truyền thuyết đô thị không kém phần rùng rợn.
Năm 1910, Rinemon Fujii đã mở cửa hàng bánh kẹo tên “Fujiya" ở trạm Motomachi, Yokohama, tỉnh Kanagawa, chuyên về sản xuất và bán bánh kem kiểu Anh cho dịp Giáng sinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, một cá nhân thành lập doanh nghiệp chuyên làm bánh và bán các món ngọt Anh Quốc.
Sự ra đời của cửa hàng bánh kẹo Fujiya phản ánh dấu mốc của một thời kỳ cách tân đất nước - thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Nhật Bản khi ấy mở cửa chào đón khách du lịch và cởi mở trong việc tiếp thu sự đa dạng về ẩm thực, văn hoá. Trước khi biết đến những kiểu bánh kẹo phương Tây của Fujiya, ở Nhật người ta chỉ biết đến khái niệm Wagashi - bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản. Sự phát triển rộng rãi của loại bánh kẹo ảnh hưởng từ phong cách phương Tây đã cho ra đời thuật ngữ mới của thời kỳ này: Yogashi.
Năm 1912, Fujii đến Los Angeles để làm việc trong ngành thực phẩm, sau đó quay lại Nhật Bản vào năm 1922 để đưa món bánh ngọt mới vào thực đơn của Fujiya. Năm 1922, ông mở thêm cửa hàng Isezakicho tại Yokohama, chuyên về làm bánh bông lan nguyên trứng (sponge cake).
Việc làm ăn phát triển, năm 1938, công ty trách nhiệm hữu hạn Dai-ni Fujiya được thành lập, với tên thương mại Fujiya Co., Ltd. Sau đó, ông Fuiji lại tiếp tục tạo thêm sự đa dạng trong các dòng sản phẩm qua việc mày mò làm ra kẹo trong thời kỳ Thế chiến thứ hai.
Khoảng thời gian từ năm 1950-1955, tình trạng khan hiếm lương thực thời hậu chiến là một vấn đề nổi cộm ở xứ Phù Tang, đẩy nhiều người dân vào tình trạng thê thảm. Các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt bị hiếu hụt nặng nề.
Những đứa trẻ và người lớn háo hức chen lấn chờ các binh lính Mỹ ném bánh kẹo từ trên chiếc xe tăng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm anime, manga, tiểu thuyết chiến tranh Nhật Bản thời này, đơn cử như “Tảo nâu của Mỹ" (nằm trong tuyển tập “Mộ đom đóm" của Nosaka Akiyuki). Hay cảnh hai anh em Gen và Ryuta đi ở đợ để có tiền mua sữa cho gia đình trong anime “Barefoot Gen” (Gen chân trần) được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Keiji Nakazawa cũng cho thấy sự thiếu thốn và đắt đỏ của sữa.
Năm 1950, nhân vật Peko-chan ra đời, còn kẹo sữa mềm nhãn hiệu Milky nổi tiếng mang gương mặt cô bé lém lỉnh thèm ăn ra mắt vào năm 1951. Tạo hình của cô bé sáu tuổi được thiết kế dựa trên hình ảnh trên truyền thông về trẻ em phương Tây thế kỷ 20. Còn cái tên Peko liên quan đến từ tượng thanh tiếng Nhật “ペコペコ - peko peko”, tức âm thanh phát ra từ một chiếc bụng đói cồn cào - vấn đề nhức nhối thời bấy giờ.
Sự xuất hiện của kẹo sữa Milky là một giải pháp cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Nhật Bản trong thời điểm khó khăn. Ra đời vào thời khắc nước Nhật đối mặt với khủng hoảng lương thực, Peko-chan đã lớn lên cùng bao thế hệ trong giai đoạn đầy biến động này. Nhân vật cô bé thè lưỡi cũng vĩnh viễn trở thành hình ảnh biểu tượng khi nhắc đến nhãn hàng bánh kẹo Fujiya.
Ban đầu, Milky là một loại kẹo sữa mềm, dai. Sau này, công ty Fujiya đã phát triển thêm và tạo ra kẹo sữa có kết cấu khác như kẹo sữa cứng, kẹo sữa xốp và kẹo sữa giòn. Sử dụng kem tươi đến từ loại sữa hảo hạng của vùng Hokkaido - nơi xuất khẩu sữa hàng đầu của Nhật, Milky có chất lượng tốt và mang hương vị dịu ngọt khó cưỡng.
Và đến nay, những thế hệ người già ở Nhật Bản vẫn yêu thích kẹo sữa Milky vì giá trị hoài niệm tuổi thơ, gợi nhớ cảm giác háo hức như một đứa trẻ khi lần đầu tiên được nếm kẹo sữa và chờ kẹo tan trong miệng.
Trong một bài viết năm 2007, Akira Shimizu, Giáo sư Kinh tế và chuyên gia về Thương hiệu sản phẩm tại Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo cho biết, trong suy nghĩ của hầu hết người Nhật, sản phẩm này liên quan đến quãng thời gian hạnh phúc, ngày sinh nhật hoặc ký ức khi người cha mang theo kẹo trở về nhà sau chuyến công tác.
Đáng yêu là thế, nhưng Peko-chan cũng gắn liền với một truyền thuyết đô thị đáng sợ về sự ra đời của cô bé này, liên quan đến slogan của kẹo sữa mềm Milky: “ミルキーはママの味 – Milky wa mama no aji” (tạm dịch: Milky có vị của mẹ). Trong câu chuyện được đồn đại, nhân vật này được xây dựng dựa trên một cô bé đã qua đời trong Thế chiến thứ hai.
Cô bé có tên Peko, 6 tuổi, sống với mẹ trong một ngôi làng nhỏ ở Nhật. Thiếu thốn thực phẩm trong chiến tranh khiến hai mẹ con luôn trong tình trạng đói kém và không có gì để ăn. Họ phải uống nước bùn, ăn cỏ dại, rễ cây để cầm hơi. Mẹ của Peko vì không muốn con gái mình chịu khổ suốt nên bà đã lấy con dao tự cắt một cẳng tay và cho cô bé ăn. Khi nếm da thịt của mẹ, cô bé Peko cảm thấy chưa bao giờ mình ăn một món ngon như vậy trong đời, thế rồi cô tiến đến thủ tiêu bà và ăn toàn bộ phần cơ thể còn lại.
Ám ảnh với vị của của thịt người, Peko tiếp tục tồn tại trên cõi đời ở bộ dạng là kẻ ăn thịt người. Và việc cô bé thè lưỡi là bởi cô đang liếm máu của mẹ dính trên má mình. Tên kẹo Milky thực chất là đảo ngược của câu “Kill Me" (hãy giết mẹ đi), là lời cuối cùng của người mẹ, cũng là lý do vì sao lại có câu slogan trên (Milky có vị của mẹ).
Bên cạnh Peko, hãng Fujiya cũng thiết kế một cậu bé trai song hành cùng cô bé, đó là Poko-chan. Cậu bé 7 tuổi, cười mỉm và đội chiếc mũ màu xanh là bạn trai của cô bé đến từ xóm lân cận. Theo sự tích đáng sợ trên, sau khi “đánh chén" người mẹ, Peko vẫn còn rất đói nên cô bé tấn công Poko bằng cách đập vỡ hộp sọ để ăn não của cậu. Vì quá đau đớn nên Poko chọn tự kết liễu bằng cách cắn và nuốt lưỡi. Trên hình ảnh, cậu bé không bao giờ thè lưỡi như Peko-chan vì đã mất lưỡi và cậu luôn đội mũ xanh để che giấu phần sọ bị nứt cùng phần não để lộ ra.
Tuy nhiên, cũng như truyền thuyết rùng rợn về Hello Kitty hay giả thuyết về Totoro, đó chỉ là một câu chuyện truyền miệng và thiếu nhận định từ nhà sáng lập ra hình ảnh hai nhân vật dễ thương này. Cuối cùng, công chúng vẫn dành sự yêu thích cho sự bụ bẫm, tinh nghịch và đáng yêu của bộ đôi Peko và Poko.
Năm 1982, hãng bánh kẹo Fujiya ký kết hợp đồng với công ty Société Nouvelle Dalloyau của Pháp cho việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đại lý nhập khẩu độc quyền, đánh dấu việc kẹo sữa Milky tiến ra thế giới. Và kể từ đó cô bé Peko bắt đầu có một cuộc phiêu lưu mới. Hiện tại, ngoài Pháp, hãng còn có các công ty con ở Hàng Châu (Trung Quốc) và cả Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng mua bánh kẹo có gương mặt cô bé và cậu bé lém lỉnh này ở các cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh hình ảnh cô bé Peko là biểu tượng chính trên trang web, hãng còn cố gắng quảng bá nhân vật này qua hoạt động du lịch. Năm 1998, bộ đôi Peko và Poko là hai nhân vật đầu tiên trong lĩnh vực bánh kẹo được đăng ký nhãn hiệu ba chiều. Năm 2015, triển lãm Peko được tổ chức ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiratsuka tỉnh Kanagawa.
Năm 2019, hãng Uniqlo quyết định làm nên dòng sản phẩm áo thun Uniqlo UT có hình ảnh Peko, nằm trong bộ sưu tập The Brands UT, gồm The Brands Masterpiece và The Brands OKASHI. Bên cạnh nhân vật Peko của kẹo Milky, trên phần thông tin gắn liền với áo thun có ghi rằng: “Okashi (đồ ngọt, món ăn vặt) đến từ Nhật Bản và được yêu thích trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc đến cho mọi người”. Dự án này hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng quốc tế như Meiji, Calbee và Michelin.