Nếu bạn từng không thể cầm lòng trước phân cảnh Setsuko lịm dần vì đói trong Mộ Đom Đóm, hay cảnh cô bé Harumi – người cháu của nhân vật Suzu ra đi trước bom nổ trong Ở Một Góc Nhân Gian, thì chắc chắn sẽ còn kinh ngạc và sửng sốt hơn nữa khi xem Gen Chân Trần – anime chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Nakazawa Keiji. Nổi bật trong phim là trường đoạn về những cái chết đáng sợ khi quả bom nguyên tử của Mỹ giáng xuống thành phố Hiroshima, tái hiện một cách chân thực sự tang thương, khủng khiếp mà chiến tranh mang lại.
Trong một ngôi làng nhỏ thuộc Hiroshima, cậu bé Nakaoka Gen lém lỉnh sống vui vẻ bên gia đình có cha, người mẹ đang mang thai, chị gái và cậu em trai. Một ngày kia, quả bom nguyên tử đột ngột rơi xuống vùng quê yên bình này và thay đổi mọi thứ.
Trên đường đến trường Gen chứng kiến người bạn chết ngay trước mắt vì quả bom, còn cậu vẫn may mắn sống sót. Vội về nhà, cậu thấy căn nhà đang bốc cháy đè cả gia đình mình, chỉ trừ người mẹ đang mang mang thai. Vì còn nhỏ, sức không đủ mạnh, Gen bất lực nhìn người thân chìm trong biển lửa rồi đưa mẹ đi lẩn trốn.
Đến nơi lánh nạn, hai mẹ con lại chứng kiến nhiều người khác ra đi sau khi uống nước nhiễm phóng xạ. Vài ngày sau khi chào đời, em gái của Gen cũng qua đời vì thiếu sữa. Cậu cùng mẹ phải tiếp tục sống, bên cạnh Ryuta – đứa trẻ họ nhận nuôi vì có gương mặt giống với người em trai yểu mệnh của Gen.
Sang đến phần 2, mọi chuyện xảy đến với Gen và cậu em Ryuta còn khốc liệt hơn. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng hệ lụy và đau thương mà nó để lại càng kinh khủng gấp bội.
Mẹ đi làm ở xưởng guốc mộc, hai anh em đi học tại một lớp học bên trong toà nhà bỏ hoang. Và đó cũng là lúc cả hai gặp băng nhóm những đứa trẻ bụi đời – chúng trốn khỏi trại trẻ mồ côi và kiếm sống qua ngày bằng việc móc túi. Họ làm bạn cùng nhau, cùng xây dựng “ngôi nhà mới" ở một khu bỏ hoang. Nhưng không may, mẹ của Gen mắc bệnh ung thư máu – hậu quả do quá trình phơi nhiễm phóng xạ.
Hai phần của anime Gen Chân Trần (tựa Anh: Barefoot Gen, tựa Nhật: Hadashi No Gen) đều mang thông điệp phản chiến mạnh mẽ và cái nhìn khốc liệt về trải nghiệm đau thương của chính người trong cuộc.
Phim được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Nakazawa Keiji, một họa sĩ truyện tranh kiêm chứng nhân lịch sử của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 06/08/1945. Trong cuộc đời mình, ông không ngừng nỗ lực để nâng cao nhận thức của người dân Nhật Bản và cả thế giới về hậu quả của hai quả bom nguyên tử lên cuộc sống của người Nhật, từ lúc chiến tranh cho đến thời hậu chiến.
Qua bàn tay tài hoa của đạo diễn Mori Masaki và studio Madhouse, những phân cảnh về chiến tranh và vết thương thời hậu chiến hiện lên dữ dội, khốc liệt trong nền đỏ của máu và bom đạn, nền xanh của không gian đồng quê êm ả và tấm phông đen của cái chết.
Cũng như Mộ Đom Đóm của nhà văn Nosaka Akiyuki với bản chuyển thể được xem là kiệt tác của Takahata Isao, Gen Chân Trần là sản phẩm văn hoá đưa ra góc nhìn toàn diện, từ những gương mặt trong cuộc chiến đến câu chuyện đau lòng tiếp diễn sau đó.
Ở nguyên tác của Nakazawa Keiji, nếu hai tập đầu khai thác về sức công phá của trái bom với những người dân Nhật Bản, thì phần còn lại nói về hậu quả kéo dài của vụ ném bom khi Hiroshima đang trong quá trình tái thiết. Những căn bệnh liên quan đến phóng xạ, ảnh hưởng của vụ đánh bom đến cấu trúc xã hội của thành phố và mối quan hệ gia đình, những bất công với nạn nhân chiến tranh và việc “lợi dụng" nỗi đau của họ.
Hoạ sĩ Nakazawa Keiji sinh ngày 01/03/1939 tại Hiroshima. Khi trải qua vụ ném bom nguyên tử ngày 06/08/1945, ông chỉ mới học lớp một. Nhân vật người cha phản đối Nhật Hoàng và chiến tranh trong truyện tranh Barefoot Gen có sự tương đồng với người cha của Nakazawa ngoài đời thực.
Trong một bài phỏng vấn với Asai Motofumi – Chủ tịch Đài Tưởng Niệm Hoà Bình Hiroshima vào năm 2008, Nakazawa thừa nhận cha là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông trong việc hình thành tư tưởng phản đối chiến tranh. Từ khi còn là một cậu bé, Nakazawa đã được cha liên tục nhắn nhủ về bản chất sai lầm của cuộc chiến, những dự cảm của ông về việc Nhật Bản thua cuộc hay tương lai về điều kiện ăn uống khá khẩm hơn. Lớn lên trong môi trường ăn uống thiếu thốn, Nakazawa đã bất ngờ khi nghe cha mình cứ lặp đi lặp lại thông điệp như vậy.
Vị họa sĩ là con thứ tư trong một gia đình gồm sáu người con. Vào ngày quả bom nguyên tử được thả xuống, mẹ ông đang mang thai ở tháng thứ 9. Người anh đầu đang làm công việc hàn ở kho vũ khí hải quân tại Kure. Người anh thứ hai đang học lớp ba được đưa đi sơ tán về vùng nông thôn nên may mắn không chứng kiến vụ nổ. Nhưng những người còn lại trong gia đình ông lại không được như vậy.
Trong Barefoot Gen, nhân vật Gen đại diện cho bản thân Nakazawa Keiji, từ nỗi bất lực trong việc cứu lấy gia đình, làm chỗ dựa cho mẹ, đến sự bất bình và phản kháng một cách thẳng thắn trước thái độ của Nhật Hoàng sau này.
Tuy nhiên, ngoài đời thực, ông lại không có mặt tại vụ nổ bom nó. Những phân cảnh về thảm kịch của gia đình chỉ được thuật lại qua lời kể của người mẹ quá cố. Cảm giác kinh hoàng và bất lực ở ngoài đời đã thôi thúc ông khắc hoạ nỗ lực của Gen khi trở về nhà cứu gia đình mình.
Thời điểm chứng kiến cả nhà chết dần dưới ngọn lửa cháy, mẹ của Nakazawa đã tuyệt vọng đến mức nghĩ quẩn. Một người hàng xóm đã ngăn cản và kéo bà bỏ chạy. Sau hoả hoạn, hai mẹ con quay lại thu nhặt xương của tất cả các thành viên để chôn cất. Những thi thể chưa cháy hết phân hủy và bốc mùi, giòi sinh sôi khắp mọi nơi.
Những hậu quả của thời chiến vẫn theo bám dai dẳng khi ông chuyển sang học ở trường Tiểu học Honkawa. Vào mùa hè, khi đang bơi lội bên cầu Aioi, ông thấy dưới đáy sông có nhiều mảng xương trắng. Tại nơi ở mới, nạn đói tiếp diễn do hệ quả của thiếu hụt lương thực trầm trọng, ông cũng bị bắt nạt ở trường vì không phải là dân gốc, mẹ thì bị cảnh sát vu cho tội ăn cắp một chiếc ô.
Đó là lúc Nakazawa nhận ra được sự vô cảm từ những người cùng đất nước mình và mất niềm tin vào tinh thần đoàn kết của dân tộc. Em gái nhỏ cùa ông cũng qua đời khi chỉ mới 4 tháng tuổi. Quá hoảng sợ, hai mẹ con chạy trốn và xây túp lều ở Honkawa từ gỗ ở doanh trại quân đội, bắt đầu cuộc sống mới. Tất cả những chất liệu này đều được tác giả đưa vào Gen Chân Trần.
Sẵn niềm đam mê vẽ do ảnh hưởng từ cha mình, đồng thời được truyền cảm hứng từ nghệ thuật kịch giấy Kamishibai, Nakazawa mong muốn trở thành một họa sĩ manga.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông bắt đầu làm việc cho một hãng sản xuất bảng hiệu để nâng cao kỹ năng. Ban ngày vẽ bảng hiệu, buổi tối vẽ truyện tranh, trong những năm này Nakazawa đã gửi tác phẩm của mình đến các tạp chí dành cho thiếu niên nam như Omoshiro Bukku (Cuốn sách vui nhộn).
Năm 1961, ông chuyển đến Tokyo làm trợ lý cho một họa sĩ manga và giấu đi danh tính là người sống sót từ vụ đánh bom nguyên tử. Thời điểm ấy, những người sống sót sau vụ ném bom (còn được gọi là hibakusha) bị kỳ thị nặng nề. Nhiều người phân biệt đối xử với họ vì nghĩ rằng có thể bị lây nhiễm phóng xạ qua việc chạm tay hay đứng gần họ. Nhiều hôn sự đã không thành vì những lo ngại về di chứng của phóng xạ lên thế hệ sau.
Năm 1966, bà Kiyomi - mẹ của Nakazawa Keiji qua đời để lại cú sốc lớn trong lòng ông. Từng nghĩ sẽ không bao giờ quay lại Hiroshima để tiếp tục trải qua những chuyện khủng khiếp, sau cái chết của mẹ, ông trở về quê hương. Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã đến xin gia đình thi thể của bà Kiyomi để phục vụ cho khoa học, nhưng gia đình ông từ chối và tiến hành hoả táng theo nghi thức truyền thống.
Sau tang lễ, Nakazawa trở về Tokyo, đầy đau khổ và giận dữ. Ông tự nhốt mình trong căn phòng và bắt đầu vẽ điên cuồng để xả hết tức giận. Và ông đã hoàn thành Pelted by Black Rain, manga về bom nguyên tử đầu tiên chỉ trong đúng một tuần vào năm 1968.
Nakazawa đã từ bỏ công việc trợ lý để tập trung toàn thời gian cho việc sản xuất manga của riêng mình, bất chấp điều này ảnh hưởng đến tài chính gia đình. Ông muốn đại diện cho những hibakusha, mong muốn giáo dục cho người trẻ về hệ lụy khủng khiếp của bom nguyên tử và chiến tranh.
Với Gen Chân Trần, tác phẩm truyền tải nhiều chỉ trích gay gắt với nền chính trị Nhật Bản thời hậu chiến: chưa bao giờ tìm cách quy trách nhiệm cho những người thực hiện việc thả bom nguyên tử lẫn người tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Trong cuộc chiến đó, Hoa Kỳ đã thả bom nguyên tử, còn hoàng đế và các nhà lãnh đạo thời chiến của Nhật Bản là những người đã khơi mào cuộc chiến tranh liều lĩnh dẫn đến việc thả bom nguyên tử. Ngoài câu chuyện của gia đình mình, Nakazawa còn thêm thắt cốt truyện phụ và các nhân vật bổ sung để phản ánh trải nghiệm thực tế của các nạn nhân khác.
Thời gian đầu, Nakazawa không thể tìm được nơi đồng ý xuất bản Barefoot Gen. Nhiều biên tập viên và nhà xuất bản uy tín dù thích thú nhưng cho rằng tác phẩm “quá sức chịu đựng” với độc giả. Ông đổi sang các tạp chí manga mới, ít tên tuổi và nhận được sự đồng ý từ Manga Punch. Tuy nhiên biên tập viên cũng cảnh báo rằng cả hai có thể sẽ bị đe doạ khi viết ra sự thật về quả bom. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi vẫn tồn tại xung quanh việc công bố sự thật khủng khiếp về bom nguyên tử.
Gen Chân Trần của Nakazawa sau khi xuất bản đã thành công rực rỡ, nhận được vô số lời khen từ độc giả cũng như các họa sĩ khác. Nhiều bạn đọc gửi thư trao đổi với Nakazawa, mục đích là xác minh và tò mò về bản chất cuộc chiến. Họ không nghĩ rằng “chiến tranh và ném bom nguyên tử lại tàn bạo như vậy”.
Đã có một giai đoạn vào năm 2013, tranh cãi nổ ra khi các trường học ở thành phố Matsue, tỉnh Shimane loại bỏ Barefoot Gen khỏi thư viện của họ, với lý do nghi ngại tác động của nó đối với trẻ em cũng như cách ông mô tả quân đội Đế quốc Nhật Bản.
Thế nhưng, “Ở đâu trong cuộc đời này, bạn có thể tìm thấy thế giới dịu dàng và ngọt ngào của những câu chuyện cổ tích thiếu nhi? Nếu bạn che giấu thực tế khắc nghiệt với trẻ em, chúng sẽ ngây ngô nghĩ rằng, ‘Vậy rốt cuộc chiến tranh và bom nguyên tử không tệ như vậy chứ?’. Hadashi no Gen có trong thư viện của các trường tiểu học và trung học cơ sở, và nếu họ can đảm và đọc nó, tôi nghĩ họ sẽ có thể hiểu rõ hơn về Hiroshima”, Nakazawa bày tỏ.
Từ truyện đến phim, các nhân vật của Barefoot Gen hiện lên với góc nhìn đa chiều. Những sự thật lịch sử được phơi bày điển hình như ở tập 4, cảnh sát Nhật Bản vẫn bị chính quyền chiếm đóng của Mỹ cấm mang súng, kết quả là họ hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn tội ác, từ bạo lực tình dục, bắt cóc cho đến thị trường chợ đen đang phát triển.
Hay đó là cách phản ứng và hành động khác nhau của từng người trước thảm kịch. Có những kẻ lợi dụng hoàn cảnh để bòn rút giá gạo, cướp của, giết chóc nhằm làm giàu cho bản thân mình.
Khía cạnh đạo đức không rõ ranh giới đúng sai là thông điệp nổi bật trong truyện của Nakazawa. Một số nhân vật ban đầu có động cơ độc ác hay hành xử lạnh lùng, nhưng đằng sau đó là nỗi đau không thể bù đắp. Như câu chuyện bắt cóc cô em gái sơ sinh Tomoko của Gen, động cơ của nhóm bắt cóc là để giả mạo cô bé thành đứa trẻ thất lạc giao đến cho nhiều người sống sót bị bệnh hiểm nghèo, nhằm mang lại hy vọng để họ tiếp tục đấu tranh với tử thần.
Bên cạnh đó, góc nhìn về sự thờ ơ, quay lưng lại với nhau của con người thời hậu chiến cũng được nhấn mạnh trong truyện. Nếu ở Mộ Đom Đóm, khán giả từng bức xúc khi người dì của Seita mắng mỏ hai anh em không ngừng và cho rằng họ là gánh nặng, thì đến Gen Chân Trần, thực trạng trên càng được mô tả rõ rệt hơn. Đó là các bác sĩ Nhật Bản nhận thuốc miễn phí từ quân đội Mỹ, nhưng từ chối phân phát thuốc cho những người sống sót bị bệnh nặng, lấy giá cắt cổ người bệnh. Hay những người dân đánh cắp thi thể để trao đổi mua bán với những nhà nghiên cứu phóng xạ Mỹ.
U ám và tăm tối là thế, nhưng Gen Chân Trần vẫn truyền tải cả những điều tích cực qua thông điệp “sống mạnh mẽ và vững chãi như cây lúa mì, bất kể dòng đời xô đẩy” như lời răn dạy của người cha dành cho Gen.
Đến nay, Gen Chân Trần đã được chuyển thể thành anime, phim điện ảnh, phim truyền hình và thậm chí cả nhạc kịch và opera. Năm 2012, Nakazawa qua đời ở tuổi 73 vì căn bệnh ung thư phổi. Ông đã sống một cuộc đời kiên cường và ý nghĩa, bền bỉ truyền đi thông điệp về nhận thức chiến tranh và hoà bình. Và như di nguyện của ông, vị họa sĩ đã được an nghỉ ở vùng đất Hiroshima, cùng với gia đình, những người bạn, những người dân của thời kỳ bi thương ấy.