eMagazine

“Cảm ơn anh... đã tìm ra em ở một góc nhân gian mờ mịt" - hẳn nhiều khán giả vào năm 2016 đã thổn thức với câu nói này khi xem anime điện ảnh “In This Corner of The World” (tựa Việt: Ở Một Góc Nhân Gian). Phim được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Fumiyo Kono, khai thác về cuộc sống của người dân Nhật Bản trong thời kỳ xảy ra thảm họa bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima. Tuy lấy bối cảnh về một giai đoạn bi thương trong lịch sử nước Nhật, truyện lại không mang cảm giác nặng nề mà vẫn bình yên và vui tươi qua lối kể chuyện nhẹ nhàng cùng nét vẽ hồn nhiên của nữ họa sĩ. Không sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng mỗi quyển truyện của Kono đều mang nét dí dỏm độc đáo riêng và tính thẩm mỹ tuyệt vời.

Poster phim “In This Corner of the World”
Poster phim “In This Corner of the World”. Nguồn ảnh: wallpaperaccess.com

Bắt đầu vẽ manga vì… cha mẹ không mua truyện tranh cho mình

Fumiyo Kono.
Fumiyo Kono. Ảnh: Wikipedia

Fumiyo Kono sinh ngày 28/09/1968 tại phường Nishi, thành phố Hiroshima - nơi chịu hậu quả thảm khốc từ vụ ném bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Điều bất ngờ là tuy những tác phẩm manga làm nên tên tuổi của bà lấy bối cảnh ở Hiroshima và kể về câu chuyện chiến tranh, nhưng trong bài viết của Hiroshima Peace Media Center, bà cho biết mình đã từng né tránh chủ đề trên từ năm cuối cấp tiểu học. Bà thừa nhận “cảm thấy không thoải mái để vẽ về nó" và “chủ đề này nghĩ đến là rất khó chịu.”

Dù niềm đam mê dành cho hội hoạ và manga đến từ rất sớm, chỉ cho tới khi đang học cấp hai, tác giả của bộ truyện “Ở Một Góc Nhân Gian" mới bắt đầu say sưa vẽ manga vì cha mẹ không thường xuyên mua truyện tranh cho mình. Thời gian này, Fumiyo Kono nung nấu mơ ước trở thành một họa sĩ truyện tranh nhưng mãi đến 10 năm sau, ước mơ đó mới thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, không chọn học ở trường hội hoạ hay đi làm với tư cách họa sĩ, bà theo học ngành Khoa học tại Đại học Hiroshima nhưng rồi bỏ học và chuyển lên Tokyo. Trong bài phỏng vấn tại sự kiện Planète Manga tổ chức tại Trung Tâm Pompidou, Paris, Kono cho biết một thời gian sau khi gác lại việc học, bà chuyển đến sống ở Tokyo và làm trợ lý cho một họa sĩ truyện tranh (mangaka) là đồng môn cũ của mình. Chính mangaka này đã giúp bà bước chân vào ngành công nghiệp truyện tranh xứ Nhật.

Sau đó, Kono tiếp tục làm trợ lý cho vài họa sĩ không tên tuổi khác cho đến khi ra mắt tác phẩm đầu tay “Machikado Hana Da Yori” (tên Việt: Góc Phố Nở Hoa) năm 1995, khi 26 tuổi. Sau đó bà vẫn tiếp tục làm việc với những mangaka khác trong lúc vẽ những tác phẩm của riêng mình. Khi nói về sự bền bỉ trong việc chờ ước mơ nở hoa, bà nói rằng: "Có thể mất hơn mười năm để thực hiện ước mơ của bạn. Điều quan trọng là phải tiếp tục và không bỏ cuộc."

Tranh minh họa Lâu đài Fukuchiyama của Fumiyo Kono được trưng bày tại Lâu đài ở thành phố Fukuchiyama, Kyoto.
Tranh minh họa Lâu đài Fukuchiyama của Fumiyo Kono được trưng bày tại Lâu đài ở thành phố Fukuchiyama, Kyoto. Ảnh: Sankei
Minh họa “In This Corner of the World”.
Minh họa “In This Corner of the World”. Ảnh: spice.eplus.jp

Khi được tờ Manga News hỏi về những nhân vật nào có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác manga, Fumiyo Kono chia sẻ rằng Osamu Tezuka và bộ đôi Fujio Fujiko là nguồn cảm hứng thuở ban đầu của mình, đặc biệt với Osamu Tezuka, bà thích bộ truyện “Captain Ken” và bộ “Phụng Hoàng” (Phoenix). Tuy nhiên sau này, bà được truyền cảm hứng qua lối viết của Sanpei Shirato (hoạ sĩ manga, người viết phê bình xã hội với phong cách tả thực trong vẽ và tạo hình nhân vật, đồng thời là một người tiên phong trong việc triển khai thể loại gekiga - tiền thân của dòng seinen manga) và lối vẽ manga uyển chuyển của Takita Yu.

Ngoài việc đọc rất nhiều manga, bà cũng yêu thích tiểu thuyết, trong đó tác phẩm tâm đắc là “Tsumi to Batsu” - manga lấy cảm hứng từ “Tội Ác Và Trừng Phạt” của Fyodor Dostoyevsky. Bà cũng là người hâm mộ André Gide (tác giả của tiểu thuyết “Bọn làm bạc giả"), đến mức lấy lời của ông làm câu nói tâm đắc: “Tôi luôn có cảm hứng khi viết về những con người thầm lặng, xứng đáng được vinh danh.”

manga fumiyo kono”

Manga dễ thương lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày

Pippira Note.
Pippira Note. Ảnh: Comic Zenon

Trước khi được nhiều người biết đến qua bốn manga về vùng đất Hiroshima, mẹ đẻ của “In This Corner Of The World" nổi danh qua những câu chuyện dễ thương, hài hước khai thác chất liệu cuộc sống bình dị: giữa người và chim, tình cảm vợ chồng. Xuyên suốt hành trình sáng tác manga và những chia sẻ về việc sáng tác, độc giả cảm nhận rằng bà vẽ manga thực chất là dành cho mình, về những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời không thể lưu lại chỉ bằng ký ức, mà qua tranh vẽ và câu chuyện.

Sau sự thành công của “Góc phố nở hoa”, năm 1997, Fumiyo Kono tiếp tục cho ra mắt truyện nhiều kỳ “Pippira Note” (về sau được tổng hợp thành 2 tập). Xoay quanh cuộc sống hằng ngày giữa cô chủ nhận nuôi chú chim hoàng yến Pippira hay quạu và lắm chiêu, manga chinh phục người đọc qua sự dí dỏm và những triết lý, suy diễn “không đỡ được” của chú chim nhỏ bé này, cùng sự hồn nhiên vô tư của cô chủ. Việc sáng tác nên “Pippira Note” xuất phát từ sở thích chơi với chim hoàng yến của nữ họa sĩ.

Truyện “Đường Dài” là món quà mà tác giả tặng cho chồng mình, với lời tựa rằng “Dẫu một ngày chúng ta chia đôi đường, thì những bằng chứng em đã sống bên anh vẫn sẽ luôn lưu lại trong tác phẩm này.”
Truyện “Đường Dài” là món quà mà tác giả tặng cho chồng mình, với lời tựa rằng “Dẫu một ngày chúng ta chia đôi đường, thì những bằng chứng em đã sống bên anh vẫn sẽ luôn lưu lại trong tác phẩm này.” Ảnh: IPM

Hai năm sau, “Kokko-san” (tên Anh: Mister Coco) mang ý tưởng tương tự “Pippira Note” ra đời. Tuy nhiên đứa con tinh thần này lại sinh ra từ một sự tình cờ: bà phải thay thế tác giả manga khác để lên truyện cho một tạp chí. Kể về tình bạn kỳ lạ giữa một cô bé học lớp 4 với chú gà trống màu trắng đến với cô một cách bất đắc dĩ, bộ truyện giữ vững nét vẽ trẻ thơ, cốt truyện đơn giản, biểu cảm hài hước và nhiều đoạn hội thoại dí dỏm của vật nuôi cùng sự hồn nhiên nơi người chủ.

Đến năm 2001, sau khi tốt nghiệp hệ từ xa của trường Đại học Mở Nhật Bản chuyên ngành Nhân văn, Fumiyo Kono ra mắt manga “Nagai Michi" (đã được xuất bản ở Việt Nam với tựa “Đường Dài") được vẽ với phong cách riêng biệt. Truyện tranh tình cảm với motif “cưới trước yêu sau" được khai thác rất đáng yêu và bình yên với lối vẽ không theo dạng truyện tranh bốn khung, nét vẽ phá cách và lối kể chuyện ngẫu hứng.

Khi được hỏi về việc sáng tác manga này, Kono chia sẻ rằng tác phẩm đến từ Yu Takita - người truyền cảm hứng cho sự nghiệp của bà. Ông cũng là tác giả của manga có cùng tựa trên với bà, và là họa sĩ tiên phong cho dòng manga tự truyện, nổi tiếng với tuyển tập “Những câu chuyện kỳ lạ ở quận Terajima” (Terajima-chou Kidan).

Fumiyo Kono cảm thấy câu chuyện về cuộc sống bình lặng của cặp đôi trong “Đường Dài” của Yu Takita rất đẹp, nên bà khai thác chất liệu từ đó để tạo một “Đường Dài” cho riêng mình. Người đọc ấn tượng với tính cách của Sosuke và Michi - người chồng nóng tính bộp chộp và cô vợ vô tư, điềm tĩnh. Thực chất, Sosuke đến từ hình mẫu ngoài đời là Hidemitsu, ông xã của bà, được Kono nhận định là “người rất vui vẻ nhưng cũng cực nóng tính khi đang cố che giấu cảm xúc” và “không phải là người dễ thể hiện tình cảm”. Còn với nhân vật Michi, mọi người xung quanh nhận xét bà giống nhân vật này, dù Kono không thấy mình có nét tương đồng cho lắm.

Bên cạnh đó, “List For Sanpei” (Sansanroku) cũng là một tác phẩm khác cho thấy sự uyển chuyển trong phong cách sáng tác của Fumiyo Kono, cũng như việc bà chịu ảnh hưởng từ Yu Takita như thế nào. Truyện được đăng trên tạp chí nhắm đến số đông nam giới trung niên, nên nhân vật chính trong truyện phải là nam. Khi theo đuổi dự án, bà đã quan sát và triển khai sâu hơn thông điệp với nam giới rằng: họ cũng là con người, và việc mắc sai lầm là điều bình thường.

Nhân vật Sanpei trong truyện khi vợ còn sống là người thờ ơ, ích kỷ trong công việc gia đình. Chỉ đến khi vợ qua đời, ông mới bắt đầu để tâm hơn nhưng lại khép mình trước người khác - không cho phép bản thân buồn và dựa dẫm vào gia đình để có thể mạnh mẽ bước tiếp. Nữ tác giả đã khéo léo thể hiện sự thay đổi của Sanpei qua từng trang giấy: từ một người cáu kỉnh chuyển sang ôn tồn, mềm mỏng khi giao tiếp với những người xung quanh mà ông khó nói chuyện lúc đầu, qua đó cho người đọc thấy cách nam chính vượt qua những vấn đề cá nhân.

Cho đến manga về chiến tranh Hiroshima – cuộc đối thoại của thế hệ hậu chiến với lịch sử

4 manga nổi tiếng về chiến tranh của Fumiyo Kono.
4 manga nổi tiếng về chiến tranh của Fumiyo Kono. Ảnh: IPM

Năm 2016, “In This Corner of The World” (đạo diễn Sunao Katabuchi, studio MAPPA) được chuyển thể từ nguyên tác cùng tên của Fumiyo Kono đã trở thành hiện tượng anime trong lòng công chúng khi kể câu chuyện chiến tranh qua lăng kính của một cô gái trẻ với góc độ nhẹ nhàng, sâu lắng và có phần trẻ thơ.

Không gợi cảm giác quá đau thương, bi thảm như hai tác phẩm hoạt hình lừng danh “Barefoot Gen” (Gen Chân Trần) và “Grave of Fireflies” (Mộ Đom Đóm), bức tranh cuộc sống đời thường trước và sau chiến tranh của “In This Corner of The World” giàu chất thơ và màu sắc tươi sáng, nhưng vẫn đủ lột tả nỗi đau và khao khát hoà bình của những con người thời bấy giờ.

Manga News đã nhìn nhận rằng chính nét vẽ mảnh mang chất trẻ thơ, dịu dàng của Fumiyo Kono khiến tác phẩm có sự độc đáo riêng. Khi được hỏi về lối vẽ nhẹ nhàng của mình ở cả những chủ đề mang tính trưởng thành (bom nguyên tử, sự ra đi của những người thương yêu...), tác giả thực lòng chia sẻ rằng mình không thích việc vẽ những điều buồn bã. Tuy nhiên trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều màu hồng và có những khoảnh khắc buồn bã không thể giấu được, nên bà áp dụng lối vẽ và kể chuyện này để tiếp cận với những điều vốn không quá vui vẻ nhưng lại điểm màu cho cuộc sống. Điều này phù hợp với các khán giả như bà - một người vốn không thích những câu chuyện buồn.

Phân cảnh vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima trong “In This Corner of The World” hiện lên với màu sắc tươi sáng.
Phân cảnh vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima trong “In This Corner of The World” hiện lên với màu sắc tươi sáng. Nguồn ảnh: wallpaperaccess.com

Trước khi thành công vang dội với “In This Corner of The World”, công chúng đã biết đến bà qua bộ truyện “Town of Evening Calm, Country of Cherry Blossoms” năm 2002 và năm 2004 (tên Việt: Phố Chiều Lặng Gió, Mênh Mang Anh Đào). Câu chuyện manga gồm hai phần: "Phố Chiều Lặng Gió" và "Mênh Mang Anh Đào".

Bối cảnh của "Phố Chiều Lặng Gió" là thành phố Hiroshima năm 1955, mười năm sau vụ ném bom nguyên tử. Nhân vật chính Minami mất cha, chị gái và em gái do hậu quả của bom nguyên tử và hiện cô đang phải vật lộn với sang chấn đến từ những gì đã trải qua. Một đồng nghiệp thú nhận tình cảm trước Minami, nhưng điều này khơi gợi cảm giác tội lỗi trong cô vì đã sống sót sau chiến tranh. Vào ngày anh nói với cô ấy rằng mình biết ơn cuộc đời khi cô đã sống, Minami ngã bệnh do hậu quả của bức xạ bom và qua đời.

Bộ phim chuyển thể từ manga “Phố Chiều Lặng Gió, Mênh Mang Anh Đào”. Fumiyo Kono chia sẻ rằng tuy không tham gia trực tiếp vào việc làm phim, nhưng lại rất thích việc sản phẩm trung thành với nguyên tác.
Bộ phim chuyển thể từ manga “Phố Chiều Lặng Gió, Mênh Mang Anh Đào”. Fumiyo Kono chia sẻ rằng tuy không tham gia trực tiếp vào việc làm phim, nhưng lại rất thích việc sản phẩm trung thành với nguyên tác. Ảnh: AsianWiki

"Mênh Mang Anh Đào" tiếp nối câu chuyện nhiều năm sau tại Tokyo. Thông qua trải nghiệm của anh trai Minami là Asahi và các con của anh - Nanami và Nagio, câu chuyện truyền tải hệ quả kéo dài của quả bom nguyên tử đối với cuộc sống của những người sống sót và con cháu của họ. Manga cho thấy hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và cách chúng ảnh hưởng đến tình yêu của những người trẻ tuổi. Lối kể chuyện nhẹ nhàng để câu chuyện không trở nên quá u ám đã lấy được sự đồng cảm của rất nhiều độc giả.

Tác phẩm đã chiến thắng Giải thưởng Lớn tại Liên hoan Nghệ thuật Truyền thông Nhật Bản lần thứ 8 và Hạng mục Cuộc sống Mới tại Giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu lần thứ 9. Năm 2007, một bộ phim dựa trên manga đã được phát hành. Truyện cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở một số quốc gia, khu vực bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Việt Nam (do IPM phát hành), đưa tên tuổi bà ra thế giới.

Tuy nhiên, ý tưởng sáng tác manga đề tài chiến tranh lại không là ý thích từ ban đầu của Kono, vì bà cảm thấy khó chịu khi nghĩ về vấn đề bom nguyên tử. Bước ngoặt là vào mùa hè năm 2002, biên tập viên đã đề nghị bà viết một cái gì đó về Hiroshima. Vào thời điểm ấy, bà quyết định đối mặt với sự lưỡng lự của mình và bắt đầu nghiên cứu về vụ đánh bom qua việc tham quan các di tích lịch sử, đọc sách và hỏi những người xung quanh.

Cảm thấy tiếc thương cho những người đã ra đi vì bom nguyên tử, nhưng Kono lại lo ngại về khả năng truyền tải thông điệp của mình vì bà vốn sinh ra trong thời kỳ hậu chiến. Việc quyết định vẽ đến từ sự nhận thức của bà, rằng “Nếu mình tiếp tục do dự (với dự án này) thì sẽ không có kết quả. Đến lúc nào đó, mình phải hành động”.

Và hành động ở đây chính là cho ra mắt bốn manga về chiến tranh, như một cách thế hệ hậu chiến nhìn nhận về chiến tranh trong quá khứ, với thái độ không phán xét. Mục đích là để tưởng nhớ, tri ân hay gợi lại điều đã xảy ra cùng những hậu quả để lại với người dân bình thường ở khu vực đó. Và nhằm nhắn nhủ cho thế hệ trước mình, hiện tại và sau mình nhớ đến Hiroshima, vì như theo bà chia sẻ: ở Nhật hay ở Hiroshima nói riêng, ít người thực sự quan tâm đến đề tài bom nguyên tử. Họ dường như quên điều gì diễn ra trong Thế chiến thứ hai, hay muốn lãng quên nó hoàn toàn.

phố chiều lặng gió

Với bộ truyện mang nét vẽ trẻ thơ, và qua phần chuyển thể điện ảnh tuyệt vời của đạo diễn Sunao Takabuchi, Fumiyo Kono hy vọng rằng thế hệ trẻ của Hiroshima có thể làm “cầu nối” cho những người sống sót sau bom nguyên tử kể lại câu chuyện của họ, cũng như trách nhiệm về việc tạo nên hoà bình trong cuộc sống mỗi cá nhân và thế giới. Bà nhấn mạnh: "Vì lý do này, tôi muốn nắm bắt được nét mặt của những người sống sót và đọc được ẩn ý trong lời kể của họ. Bởi vì cũng có những điều chúng ta không thể truyền đạt chỉ bằng lời nói."

Và với lứa mầm non của Hiroshima, tác giả của “In This Corner of the World" muốn nhắn nhủ về việc tôn trọng sự khác biệt, rằng "Đừng coi thường bất cứ ai không biết nhiều về bom nguyên tử. Và cũng đừng nghĩ rằng các em biết tất cả về nó. Mặt khác, đừng nghĩ rằng mình không đủ điều kiện để tìm hiểu về bom nguyên tử. Các em phải có thái độ rằng mình luôn có thể học được nhiều điều hơn nữa."