eMagazine

Bài: VĨNH ANH Thiết kế: QUỲNH 399

Mang danh con trai người sáng lập lừng danh của Studio Ghibli - Hayao Miyazaki, nhà làm phim người Nhật cố gắng phá cách để thoát khỏi cái bóng của cha mình, nhưng các tác phẩm hoạt hình của ông đến giờ vẫn chưa nhận được nhiều đánh giá tốt từ giới phê bình và khán giả.

Từ một nam sinh trung học mang suy nghĩ rằng bản thân “không bao giờ có thể đạt đến trình độ của cha mình”, đến mức quyết định không nối nghiệp cha mà chọn học kiến trúc cảnh quan, Goro Miyazaki đã làm gì để bước vào Studio Ghibli? Cũng như, ông đã có đóng góp thế nào cho sự phát triển của xưởng hoạt hình huyền thoại?

Đạo diễn Goro Miyazaki.
Đạo diễn Goro Miyazaki.
Ảnh: The Jakarta Post

Từ một kiến trúc sư cảnh quan

Goro Miyazaki sinh ngày 21 tháng 2 năm 1967 tại Tokyo, là con trai cả trong gia đình có hai người con của Hayao Miyazaki và vợ Akemi Ota. Hai anh em lớn lên cùng với những bản vẽ của vị đạo diễn huyền thoại và chứng kiến cha bận bịu suốt ngày với việc làm phim. Lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của người cha, Goro chỉ biết nhìn ông từ xa qua những bản vẽ và thước phim của Studio Ghibli.

Không có sự chỉ dẫn tận tình của Hayao, Goro cảm thấy tự ti khi nghĩ rằng “Mình sẽ không bao giờ đạt đến trình độ vẽ của cha được”. Vì thế, ông quyết định theo đuổi ngành kiến trúc cảnh quan.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Shinshu, Goro đã làm cố vấn xây dựng, lên kế hoạch và thiết kế cho nhiều công viên, khu vườn ở Nhật Bản. Chính kinh nghiệm dày dặn này đã khiến ông có công trong việc dựng nên Bảo tàng Ghibli tại Mikata, sau đó là điều hành nơi này từ năm 2001 đến tháng 6/2005.

Tái hiện mô hình lâu đài di động của Howl tại Studio Ghibli Theme Park.
Tái hiện mô hình lâu đài di động của Howl tại Studio Ghibli Theme Park.

Vào năm 2022, công chúng háo hức với thông tin Công viên Ghibli (Studio Ghibli Theme Park) sẽ chính thức ra mắt từ ngày 01/11, sau vài lần trì hoãn. Công lớn trong việc thiết kế nên công trình này thuộc về Goro Miyazaki. Ý tưởng chủ đạo độc đáo của ông là biến Studio Ghibli Theme Park trở thành một bộ sưu tập những không gian công viên mang tính nghệ thuật, khác với khuôn mẫu của những địa điểm giải trí tương tự, vốn có nhiều trò chơi và các chương trình ồn ào.

Tái hiện mô hình lâu đài di động của Howl tại Studio Ghibli Theme Park.
Tái hiện mô hình lâu đài di động của Howl tại Studio Ghibli Theme Park.
Một cảnh cho thấy tài năng trong chuyên môn kiến trúc của Goro Miyazaki, thuộc bộ phim Tales from Earthsea - tác phẩm đầu tay của ông.
Một cảnh cho thấy tài năng trong chuyên môn kiến trúc của Goro Miyazaki, thuộc bộ phim Tales from Earthsea - tác phẩm đầu tay của ông.

Có thể nói, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến kiến trúc, xây dựng đã giúp ích cho Goro rất nhiều trong việc tạo dựng bối cảnh trong phim. Cụ thể là trong From Up on Poppy Hill (2010), khán giả choáng ngợp trước không gian tuy lộn xộn nhưng rất sôi động của tòa nhà Latin Quarter, nơi tập hợp những nam sinh cấp 3 đầy hoài bão và nhiệt huyết với khoa học, triết học và lịch sử. Hay khi xem tác phẩm đầu tay Tales from Earthsea (2006), bạn sẽ sững sờ trước vẻ đẹp của kiến trúc châu Âu thời trung cổ.

Một cảnh cho thấy tài năng trong chuyên môn kiến trúc của Goro Miyazaki, thuộc bộ phim Tales from Earthsea - tác phẩm đầu tay của ông.
Một cảnh cho thấy tài năng trong chuyên môn kiến trúc của Goro Miyazaki, thuộc bộ phim Tales from Earthsea - tác phẩm đầu tay của ông.
Thiết kế của tòa nhà Latin Quarter do Goro Miyazaki chăm chút là thứ khiến khán giả không khỏi ấn tượng khi xem From Up on Poppy Hill.
Thiết kế của tòa nhà Latin Quarter do Goro Miyazaki chăm chút là thứ khiến khán giả không khỏi ấn tượng khi xem From Up on Poppy Hill.

Giải Mâm Xôi Vàng đầu tiên của Ghibli

Dù thế mạnh là mảng kiến trúc, tại sao Goro Miyazaki cuối cùng vẫn theo con đường của cha mình? Không phải nhờ Hayao, mà câu trả lời là do đề xuất của nhà sản xuất kỳ cựu Toshio Suzuki, người đã tạo điều kiện cho rất nhiều đạo diễn trẻ trước đây của Ghibli như Yoshifumi Kondo, Hiromasa Yonebayashi, Tomomi Mochizu-ki, Hiroyuki Morita tham gia chỉ đạo các phim.

Ban đầu, cậu con trai của Hayao Miyazaki tham gia vào dự án phim Tales from Earthsea (2006) với tư cách là cố vấn, sau đó ông được yêu cầu vẽ các bảng phân cảnh (storyboard), và cuối cùng trở thành đạo diễn của phim theo sự quả quyết của Toshio Suzuki.

Thời điểm bấy giờ, xưởng Ghibli đã mất nhiều công sức để năn nỉ nhà văn người Mỹ Ursula K. Le Guin cho phép chuyển thể nguyên tác Tales from Earthsea thành phim. Nữ nhà văn chỉ gật đầu đồng ý sau khi xem kiệt tác Spirited Away của Hayao Miyazaki. Ngoài sử dụng chất liệu từ truyện, phim Tales from Earthsea còn được bổ sung tình tiết từ bộ manga Shuna’s Journey do Hayao vẽ.

Manga Shuna’s Journey của Hayao Miyazaki.
Manga Shuna’s Journey của Hayao Miyazaki.

Mất rất nhiều công phu như thế, dự án này lại được giao cho một người chưa có kinh nghiệm gì trong ngành công nghiệp hoạt hình là Goro Miyazaki. Hayao thất vọng về quyết định này đến mức, ông không trò chuyện với con trai trong suốt quá trình làm phim.

Manga Shuna’s Journey của Hayao Miyazaki.
Manga Shuna’s Journey của Hayao Miyazaki.

Thiếu sự cầm tay chỉ việc, cố vấn trong cách xây dựng nhân vật và câu chuyện, Tales from Earthsea ra mắt công chúng trong sự ê chề. Nhà văn Ursula sau khi xem xong phim đã nhận xét rằng phim không giống với bất kỳ điều gì bà đã viết trong truyện, dù cuối cùng bà vẫn nhận định “đây là phim tốt”.

Ý tưởng lạ, thông điệp ý nghĩa về giá trị của việc được sống và chết thông qua nhân vật chính Hoàng tử Arren, nhưng xây dựng tâm lý nhân vật lại không đủ chiều sâu khiến khán giả khó “cảm” được hành trình trưởng thành của mỗi nhân vật. Bên cạnh đó, biểu cảm được vẽ còn hời hợt, không có “hồn” như các phim trước của nhà Ghibli khiến phim nhận đánh giá trái chiều từ giới phê bình.

Sự non tay của Goro Miyazaki đã khiến Ghibli nhận Giải Mâm Xôi Vàng Bunshun cho hạng mục “Phim tệ nhất” và chính ông cũng nhận đề cử “Đạo diễn tệ nhất” cuối năm 2006. Tuy nhiên, phim cũng không đến nỗi tệ khi cốt truyện tương đối mạch lạc, dễ nắm bắt, các nhân vật không phải con người được vẽ tỉ mẩn và đẹp mắt. So với Earwig and the Witch thì tác phẩm này có trải nghiệm có lẽ còn đáng xem hơn nhiều.

Cảnh cắt từ phim Tales from Earthsea cho thấy sự non nớt trong việc tạo sức sống cho nhân vật.
Cảnh cắt từ phim Tales from Earthsea cho thấy sự non nớt trong việc tạo sức sống cho nhân vật.
Cảnh cắt từ phim Tales from Earthsea cho thấy sự non nớt trong việc tạo sức sống cho nhân vật.
Cảnh cắt từ phim Tales from Earthsea cho thấy sự non nớt trong việc tạo sức sống cho nhân vật.

Sau lần va vấp đầu tiên với Tales from Earthsea, Hayao Miyazaki cũng bình tĩnh để ngồi xem lại phim của con mình và thừa nhận rằng phim cũng khá tốt. Ông quyết định tạo cơ hội hỗ trợ cho con trai khi mời Goro tham gia cùng làm phim From Up on Poppy Hill (2011). Quá trình làm phim này đã được chiếu trong tập 3 của phim tài liệu “10 years with Hayao Miyazaki” của NHK.

Và sau khi xem xong, bạn đọc sẽ hiểu được vì sao các phim do Goro Miyazaki làm lại thiếu đi sự hấp dẫn và cảm xúc so với cha mình. Đó là khi Hayao không vừa lòng với tạo hình nhân vật và bảng phân cảnh của con trai. Ông than phiền rằng nhân vật của Goro thiếu nét sống động cùng cái hồn, và vị đạo diễn kỳ cựu phải vẽ tay một bức tranh trong vòng một đêm (cảnh Umi chạy đi học) để dạy lại con trai mình về cách thổi hồn cho nhân vật.

Với một người tay ngang vào nghề như Goro Miyazaki, không thể một sớm một chiều phát triển được kỹ năng này. Vì bản thân Hayao Miyazaki và Isao Takahata đã từng mất nhiều năm ở xưởng phim hoạt hình Toei để học và làm thuê, từ vẽ hay đạo diễn cho một vài tập phim đến xử lý một phim điện ảnh, trước khi tự mở được xưởng của riêng mình. Những người đồng nghiệp trẻ tuổi khác ở Ghibli cũng tương tự, trước khi được lên làm đạo diễn họ cũng đã kinh qua vị trí animation.

Hayao Miyazaki và Isao Takahata thời còn làm việc tại Toei Animation.
Hayao Miyazaki và Isao Takahata thời còn làm việc tại Toei Animation.
Hayao Miyazaki và Isao Takahata thời còn làm việc tại Toei Animation.
Hayao Miyazaki và Isao Takahata thời còn làm việc tại Toei Animation.
Ronja: Robber’s Daughter.
Ronja: Robber’s Daughter.

Trong sự nghiệp làm phim của mình, ngoài From Up on Poppy Hill bên người cha Hayao Miyazaki, Goro còn thành công với series truyền hình Ronja: Robber’s Daughter (11/2014 – 3/2015).

Ronja: Robber’s Daughter.
Ronja: Robber’s Daughter.

Chuyển thể từ truyện thiếu nhi của Astrid Lindgren, đây là loạt phim đáng yêu về một bé gái sinh ra trong gia đình tướng cướp với trái tim khao khát phiêu lưu đến những vùng đất mới. Cô làm bạn với cậu bạn cùng tuổi Birk mà không hay biết đó là con trai của băng cướp thù địch với nhà mình. Nhạc phim dễ thương, câu chuyện thú vị, mạo hiểm và bài học ý nghĩa về việc chấp nhận sự khác biệt khiến phim chinh phục được nhiều khán giả lúc bấy giờ.

Năm 2020, Studio Ghibli công bố ra mắt phim hoạt hình xây dựng bằng kỹ thuật CG 3D - Earwig and the Witch, được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Diana Wynne Jones do Goro Miyazaki làm đạo diễn. Trước đó, Hayao Miyazaki từng tạo nên thành công lẫy lừng với Howl’s Moving Castle, cũng được xây dựng từ truyện của nữ nhà văn này.

Ngay khi công bố về quá trình hoàn thành và lịch ra mắt phim, bộ phim năm 2020 nhận được sự tò mò từ phía người hâm mộ khi trước giờ họ đã quen thuộc với những thước phim 2D được vẽ công phu và tỉ mỉ - vốn đã tạo nên dấu ấn của nhà Ghibli. Tuy nhiên trái ngược với kỳ vọng, Earwig and the Witch nhận về đánh giá trái chiều từ phía khán giả lẫn giới phê bình, cũng như khiến Studio Ghibli nhận về số điểm đánh giá cực thấp trên IMDb (4,8/10), Rotten Tomatoes (29%).

Nhạc phim hay, bối cảnh đẹp nhưng cốt truyện lỏng lẻo, thiếu chiều sâu và điểm nhấn, biểu cảm nhân vật nghèo nàn khiến phim không đọng lại nhiều trong tâm trí khán giả. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là nỗ lực làm mới mình của Studio Ghibli trong bối cảnh đại dịch COVID. Sau khi ra mắt, Hayao Miyazaki đã có lời ngợi khen cho công sức của con trai mình.

Biểu cảm nghèo nàn của các nhân vật và cốt truyện thiếu đặc sắc là điểm trừ rất lớn trong Earwig and The Witch.
Biểu cảm nghèo nàn của các nhân vật và cốt truyện thiếu đặc sắc là điểm trừ rất lớn trong Earwig and The Witch.

Nhìn chung, tất cả các phim của Goro Miyazaki cho đến nay thiếu đi một yếu tố quan trọng: đó là cử chỉ có hồn và hành trình tâm lý sâu sắc của nhân vật. Dù phim của Goro luôn lồng ghép nhiều yếu tố mới lạ (về công nghệ, hình ảnh, cốt truyện, phong cảnh), thậm chí chuyển thể từ các tác phẩm có phong cách lạ lẫm, nhưng ông có lẽ vẫn phải mất rất nhiều thời gian để thành thục trong việc phát triển nhân vật như hai nhà sáng lập Ghibli và những đạo diễn trẻ cũ của xưởng. Còn không, khán giả vẫn chỉ ghi nhận rằng ông có những ý tưởng nổi loạn, phá cách, nhưng cuối cùng sản phẩm lại tạo cảm giác “triển khai không tới”.

Biểu cảm nghèo nàn của các nhân vật và cốt truyện thiếu đặc sắc là điểm trừ rất lớn trong Earwig and The Witch.
Biểu cảm nghèo nàn của các nhân vật và cốt truyện thiếu đặc sắc là điểm trừ rất lớn trong Earwig and The Witch.

Ponyo - lời xin lỗi muộn màng của
Hayao Miyazaki dành cho con trai

Trong suốt sự nghiệp làm phim của Hayao Miyazaki, Ponyo (2008) là bộ phim được đánh giá không cao so với những tác phẩm lừng danh khác của ông. Câu chuyện tình yêu con nít giữa cậu bé Sosuke và cô bé người cá Ponyo khiến khán giả không ngừng bật cười về sự đáng yêu. Sở hữu cốt truyện đơn giản, không đấu tranh kịch tính và có phần phi logic (khi Ponyo quyết định từ bỏ cuộc sống dưới biển để lên sống luôn với hai mẹ con Sosuke vì quá thích cậu) nhưng bộ phim lại có phần artwork công phu và đẹp mắt.

Trái: Bà Yoshiko Miyazaki và con trai Hayao Miyazaki. Phải: Hayao Miyazaki và con trai Goro Miyazaki.
Trái: Bà Yoshiko Miyazaki và con trai Hayao Miyazaki. Phải: Hayao Miyazaki và con trai Goro Miyazaki. Ảnh: Fotosdecomics@twitter

Nhưng thực chất, Hayao làm phim này cho những thành viên trong gia đình ông. Trong tập đầu tiên của loạt phim tài liệu “10 Years With Hayao Miyazaki”, ông đã rơm rớm khi nói rằng mình nhớ mẹ biết bao khi vẽ nhân vật cụ bà ngồi xe lăn trong phim - nhân vật lấy ý tưởng từ thân mẫu của mình. Tuy nhiên, có một điều nhà làm phim Nhật không chia sẻ lúc đó: nhân vật chính Sosuke được xây dựng theo nguyên mẫu là Goro Miyazaki lúc nhỏ.

Ban đầu, người sáng lập Studio Ghibli dự định giã từ sự nghiệp sau khi hoàn thành xong Howl’s Moving Castle (2006). Tuy nhiên, Hayao vẫn cố gắng quay lại để làm phim Ponyo, như một nỗ lực hàn gắn tình cha con sau hành xử của ông với Goro trong quá trình thực hiện Tales from Earthsea.

Trong phim, cha của Sosuke là một thủy thủ hay ở ngoài biển không thể liên lạc với con trai mình. Dù vẫn yêu con trai tha thiết, nhưng ông không thể giúp cậu bé khi cơn bão biển nhấn chìm cả thành phố, Sosuke phải tự tay cứu cả thế giới cùng cô bạn Ponyo. Trong thời điểm dựng phim này, Goro đang bắt tay vào công việc là một animator, làm việc và học bên người cha để cải thiện kỹ năng làm phim hoạt hình.

Cô bé người cá Ponyo và cậu nhóc tốt bụng Sosuke.
Cô bé người cá Ponyo và cậu nhóc tốt bụng Sosuke.

Tạm kết

Là người kế vị tiềm năng của Studio Ghibli, Yoshifumi Kondo lại không may qua đời sớm.
Là người kế vị tiềm năng của Studio Ghibli, Yoshifumi Kondo lại không may qua đời sớm.

Trong suốt 35 năm phát triển, Studio Ghibli luôn phải loay hoay với bài toán tìm kiếm người kế vị do hai vấn đề. Thứ nhất, những người kỳ cựu của phân xưởng - Isao Takahata đã qua đời và Hayao Miyazaki thì luôn tuyên bố mình muốn nghỉ hưu (và cũng đã ngoài 80). Thứ hai, những người được kỳ vọng là sáng giá nhất không trụ lại được: người qua đời do làm việc quá sức (Yoshifumi Kondo với Whisper of the Heart) hay chuyển sang studio khác làm việc (Hiroyuki Morita với The Cat Returns, Hiromasa Yonebayashi với Arrietty và When Marnie Was There).

Là người kế vị tiềm năng của Studio Ghibli, Yoshifumi Kondo lại không may qua đời sớm.
Là người kế vị tiềm năng của Studio Ghibli, Yoshifumi Kondo lại không may qua đời sớm.

Trong khi nhiều xưởng phim trong nước khác đang tạo nên các tác phẩm gây sốt ngoài rạp và trên các nền tảng streaming, Studio Ghibli lại có phần đi chậm và khó bắt kịp khi chưa chọn ra được thêm ứng viên tiềm năng mang lại luồng gió mới đến phân xưởng, cũng như chưa tìm kiếm được tác phẩm dân gian, văn học hay manga đủ đặc sắc để chuyển thể, hoặc có một câu chuyện nguyên bản đủ hay.

Hayao Miyazaki hiện giờ ở độ tuổi 81, mắt đã kém, không còn sự dẻo dai như trước và đang dồn hết sức lực vào tác phẩm cuối đời How Do You Live. Do vậy, Ghibli chỉ còn kỳ vọng vào Goro Miyazaki. Nhưng với những gì Goro đang làm, đây có thể nói là một ván cờ rủi ro. Dù không phủ nhận tài năng về xây dựng và thiết kế cảnh quan, nhưng vị đạo diễn vẫn cần phải học hỏi rất nhiều trong việc phát triển sức sống nhân vật - vì đó là xương sống của tất cả mọi phim từ Ghibli.

Trừ khi Goro Miyazaki học được cách thay đổi khi cha mình đã dần cởi mở hơn với những nỗ lực của ông, còn không xưởng Ghibli phải đánh cược vào may mắn - rằng sẽ có một họa sĩ trẻ mới xuất hiện, cam kết và kế vị để xưởng về với thành tích huy hoàng trước đây.