eMagazine

Bài: Vĩnh Anh Thiết kế: Quỳnh 399

Tiếp nối thành công của trứng “chằm kẽm” Gudetama, hãng Sanrio tiếp tục “chơi lớn” bằng cách bắt tay cùng hãng phim Fanworks với series Aggretsuko trên TBS Anime Networks vào năm 2016 và sau đó lên sóng Netflix vào năm 2018. Một mùa gồm 10 tập, mỗi tập chỉ vỏn vẹn khoảng 15 phút, nhưng sau khi kết thúc mùa đầu tiên, Aggretsuko đã nhận được đánh giá tích cực từ phía khán giả và chuẩn bị ra tiếp Season 5. Sở hữu vẻ ngoài không đáng yêu như Hello Kitty, cũng không hài hước “cục súc” như Gudetama mà chỉ ở mức tầm tầm bậc trung, tại sao một cô gấu trúc đỏ trong bộ đồ công sở bình thường lại thu hút đông đảo người xem trên khắp thế giới như thế? Có lẽ, đó là bởi sự đồng cảm.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.

Câu chuyện về ijime -
văn hóa bắt nạt công sở

“Tên tôi là Retsuko. 25 tuổi và độc thân. Cung Bò Cạp. Nhóm máu A+.”

Ở tập đầu, Retsuko “chào sân” khán giả bằng một lời giới thiệu vô cùng ngắn gọn, thậm chí có thể nói là nhạt nhẽo. Không có thêm một tiết lộ nào về siêu năng lực, sở đoản hài hước, sở thích thú vị hay nhịp sống lý tưởng hàng ngày... mà khán giả từng bắt gặp ở những phim hoạt hình có kiểu nhân vật dễ thương tương tự. Cô chỉ lẳng lặng đưa người xem tham gia vào cuộc sống hằng ngày của mình - đó là môi trường văn phòng có bàn giấy, mớ sổ sách dày cộm, đồng nghiệp xu nịnh và một ông sếp hứng lên là bắt nạt nhân viên.

death-metal-retsuko
death-metal-retsuko

Phần đầu của series Aggretsuko tập trung vào cuộc sống công sở và những áp lực nhân vật chính phải đối mặt hàng ngày. Một cô gấu trúc đỏ trong bộ đồ công sở màu xanh, không mang giày cao gót, ngày ngày cặm cụi một góc ở phòng Kế toán và hay cười hiền trước mọi thứ - dù là một cuộc trao đổi bình thường với đồng nghiệp thân thiết, hay khi bị những kẻ xấu tính đùn đẩy công việc.

Retsuko là kiểu nhân viên công sở mẫu mực điển hình của mọi môi trường làm việc - năng lực tầm trung nhưng nghe lời, dễ bảo. Và chính sự “dễ bảo” này khiến cô bị bắt nạt, chèn ép đến mức ngạt thở trong công việc. Nhưng thay vì từ chối, “bật lại” sếp và đồng nghiệp xấu tính hay nộp đơn nghỉ việc, cô lại “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đến mức hai đồng nghiệp bên cạnh muốn giúp đỡ cũng phải ngao ngán.

Dù bị chèn ép tại văn phòng, Retsuko luôn tỏ ra cam chịu.
Dù bị chèn ép tại văn phòng, Retsuko luôn tỏ ra cam chịu.

Rồi sau khi tan làm, Retsuko lại lủi thủi đến quán karaoke, nơi luôn có một không gian riêng để cô cất lên tiếng lòng bằng những ca khúc death metal dữ dội, được sáng tác từ những ức chế, tức giận dồn nén trong ngày. Và đó là lý do vì sao series lại có tựa là “Aggretsuko”, được ghép bởi hai từ: Aggressive (tức giận, cuồng nộ) và Retsuko, nghĩa là Retsuko cuồng nộ. Và bản thân chữ “Retsu - ” (Liệt) trong tên của cô nàng (烈子) cũng đã thể hiện nét nghĩa là “cháy mạnh, dữ dội”.

Ban ngày đằm tính, ban đêm thét gào.
Ban ngày đằm tính, ban đêm thét gào.

Nếu những phần sau, khán giả thấy một cô nhân viên công sở bắt đầu thể hiện cá tính rõ rệt và thẳng thắn hơn, thì mùa đầu tập trung làm nổi bật hai mặt tính cách tương phản của cô nàng. Ban ngày, Retsuko mang sắc xanh dịu hiền hòa nhưng đến đêm lại đầy màu đỏ và cam của sự cuồng nộ. Bên ngoài cam chịu, bên trong phản kháng - sự đối lập trong con người của nhân vật này là thứ khiến khán giả phải liên tục chờ xem tập tiếp theo.

Ban ngày đằm tính, ban đêm thét gào.
Ban ngày đằm tính, ban đêm thét gào.

Điểm đặc sắc trong Aggretsuko là tất cả mọi nhân vật - từ chính đến phụ, đều có các phân cảnh làm nổi bật tính cách riêng. Và họ đều đại diện cho những kiểu người “khó đỡ” mà khán giả dễ bắt gặp trong môi trường làm việc hằng ngày. Phần một khiến khán giả nhiều khi “tức anh ách” vì tuyến nhân vật phản diện chèn ép và đùn đẩy công việc cho cô, người thì thảo mai, kẻ bẻm mép, lợi dụng và chơi xấu. Tất cả những hình ảnh đó đại diện cho vấn nạn ijime (bắt nạt) và quấy rối nơi công sở.

Gã sếp Ton, nhân vật phản diện vạn người ghét.
Gã sếp Ton, nhân vật phản diện vạn người ghét.

Những tiêu cực trong môi trường làm việc được xây dựng theo kiểu tăng tiến qua từng tập. Như tập đầu tiên của mùa một, khán giả chỉ thấy một chút ít biểu hiện của bắt nạt qua những đồng nghiệp xấu tính. Nhưng những tập sau chú trọng vào nhân vật hắc ám nhất - Ton, gã sếp lợn gây cảm giác “điên tiết” khi coi nhân viên như người hầu của mình, mải mê tập đánh golf rồi bắt cấp dưới làm việc đến mức ngạt thở. Gã thậm chí liên tục hạ thấp giá trị của Retsuko bằng những lời sỉ vả, nhiếc móc. Không khó để thấy đây chính là đặc trưng tiêu biểu của hình thức Pawahara (パワハラ) - quấy rối quyền lực tại nơi làm việc.

Gã sếp Ton, nhân vật phản diện vạn người ghét.
Gã sếp Ton, nhân vật phản diện vạn người ghét.

Cho dù liên tục bạo hành tinh thần Retsuko bằng những lời nói mang thông điệp hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ, nhưng Ton không bao giờ ra lệnh sa thải cô. Và mỗi khi bị bắt nạt như vậy, những bản death metal mà cô cất lên càng chứa nhiều sự gào thét, phẫn nộ. Người xem bị lôi cuốn vào cuộc đối đầu giữa hai con người này, thắc mắc rằng đến khi nào Retsuko có thể “quật” lại gã sếp một cú ra trò để hắn không còn bắt nạt cô nữa.

Có thể nói, Retsuko và phòng Kế toán cô đang làm đại diện cho hình mẫu văn hóa làm việc độc hại: khi sếp luôn là nhất, nhân viên chỉ được tan làm sau khi sếp rời đi và liên tục tăng ca. Nó hội tụ đầy đủ các đặc điểm của một “công ty đen” (ブラック企業 - buraku kigyou) không hề hiếm trong xã hội Nhật, nơi câu chuyện chết vì làm việc quá sức (được gọi bằng thuật ngữ “karoshi”) đã trở thành một hình ảnh tiêu cực mang tính “biểu tượng” khi nói về mặt tối tại đất nước mặt trời mọc.

black-company-cong-ty-den
black-company-cong-ty-den

Retsuko làm việc miệt mài, thậm chí gánh vác cả phần việc của bao kẻ đùn đẩy, nhưng những gì nhận lại là đồng lương không đủ sống. Câu chuyện của cô gấu cũng phản ánh hình tượng người phụ nữ công sở ở thế kỷ 21: dù đã có quyền được đi làm, có cuộc sống riêng, nhưng họ vẫn chật vật, khổ sở khi không biết cách phản kháng trước những hành vi quấy rối, bạo hành bằng lời nói (đôi khi là cả hành động) của nam giới.

black-company-cong-ty-den

Dù có những người đồng nghiệp tốt bụng ngỏ ý muốn giúp cô, nhưng Retsuko cũng không dám than thở, tự gánh vác cực khổ về mình. Cho đến khi cô kết bạn được với hai vị quản lý ở phòng ban khác với tính cách thẳng thắn, nhân vật mới dần có được chính kiến của bản thân. Nhưng đến lúc này, khán giả lại thấy thêm nhiều vấn đề khác mà cô nhân viên văn phòng này gặp phải.

Quan điểm về hẹn hò, kết hôn
và cuộc khủng hoảng tuổi 25

retsuko-khung-hoang-mot-phan-tu-cuoc-doi

Theo Wikipedia, quarter-life crisis (hay còn gọi là khủng hoảng một phần tư cuộc đời, khủng hoảng tuổi 25) là khủng hoảng “bao gồm việc một cá nhân lo âu về hướng đi tương lai và chất lượng cuộc sống”, thường xảy ra phổ biến ở độ tuổi từ đầu 20 đến 35. Nhà tâm lý học lâm sàng Alex Fowke định nghĩa đây là “giai đoạn của sự bất an, ngờ vực và thất vọng liên quan đến sự nghiệp, mối quan hệ và vấn đề tài chính”.

retsuko-khung-hoang-mot-phan-tu-cuoc-doi

Trước Aggretsuko, chúng ta có Gudetama - cậu trứng lười “chằm kẽm” luôn thể hiện sự ngao ngán, bất lực trước mọi thứ. Cậu là một biểu tượng của kimo-kawaii, loại dễ thương theo kiểu khó chịu. Retsuko cũng vậy, khán giả vừa thấy đáng yêu trước biểu cảm “cute” của cô nàng này, nhưng muôn phần khó chịu trước sự nhẫn nhục, uể oải của cô. Có thể nói, Retsuko là “hậu duệ” muôn màu hơn của Gudetama.

Cuộc sống thường ngày của Retsuko cuồng nộ và trứng lười Gudetama.
Cuộc sống thường ngày của Retsuko cuồng nộ
và trứng lười Gudetama.

Ở nàng gấu hội tụ mọi yếu tố của quarter-life crisis. Tuổi 25, là một nhân viên chuyên bị sai vặt với mức lương bèo bọt, cũng không hề biết phát triển bản thân như thế nào, cô nghĩ về hôn nhân như một tấm vé vớt vát cho cuộc sống tẻ nhạt và sự thiếu thốn tài chính.

Ở phần đầu, cô chọn hẹn hò với chàng gấu trúc đỏ Resasuke bất kể hắn vô tâm với cô ngay từ ngày đầu tiên, và cũng không khó để đoán được kết cục. Qua đến phần hai, Retsuko chịu áp lực phải tìm kiếm đối tượng kết hôn khi người mẹ liên tục thúc giục cô đi xem mắt, lấy chồng sớm sinh con. Và cuối cùng, Retsuko cũng gặp được một chàng trai dường như là hoàn hảo: đẹp trai, tài năng, đảm bảo về tài chính và quan trọng nhất, anh thực sự thích chính con người cô.

Nhưng kết cục, mục tiêu dài hạn của họ không giống nhau. Retsuko muốn một ngày nào đó có một gia đình nhỏ với những đứa trẻ; còn anh lại muốn thay đổi thế giới và cho rằng hôn nhân chỉ là mang tính hình thức.

Đối tượng Retsuko hẹn hò ở mùa 2 - thiên tài AI Tadano lại là tuýp người không muốn ổn định và lập gia đình.
Đối tượng Retsuko hẹn hò ở mùa 2 - thiên tài AI Tadano lại là tuýp người không muốn ổn định và lập gia đình.

Trong lúc mệt mỏi vì áp lực từ bà mẹ, Retsuko cũng thấy được một hiện thực khác nơi hai cô bạn thân ở vị trí quản lý - một người vẫn mải miết tìm kiếm tình yêu đích thực qua ứng dụng hẹn hò và speed dating (hẹn hò tốc độ), người còn lại trải nghiệm tự do sau một cuộc hôn nhân ngạt thở.

Gori và Washimi, hai người bạn đồng nghiệp thân thiết của Retsuko.
Gori và Washimi, hai người bạn đồng nghiệp thân thiết của Retsuko.

Có thể nói, câu hỏi và những góc nhìn về việc nên độc thân hay nên cưới được thể hiện xuyên suốt từ mùa 1 đến mùa 4. Những chi tiết liên quan đến hẹn hò, kết hôn được khắc họa đúng với chất Nhật Bản, từ việc xem mắt, đến hình thức hẹn hò speed dating. Ở mỗi mùa, khán giả chứng kiến sự thay đổi từ từ trong quan điểm của cô nàng 25 này.

Đồng thời, những nhân vật trong series cũng thể hiện sự đối lập trong quan điểm Đông - Tây. Hai cô bạn thân và cậu bạn trai giám đốc Tadano đại diện cho những người theo lối sống phương Tây - họ tập trung vào sự nghiệp và đời sống tinh thần trước khi tiến đến yên bề gia thất. Những người lớn - bao gồm họ hàng, gia đình và đồng nghiệp lớn tuổi thuộc về phương Đông truyền thống - coi việc xây dựng tổ ấm là hàng đầu. Giữa hai xu hướng đó, Retsuko cuối cùng đứng ở giữa, cô vẫn muốn lập gia đình nhưng dần tỏ ra thận trọng và hiểu bản thân hơn.

Dẫu câu chuyện cưới xin chỉ là một phần nhỏ trong việc định hình bản thân tuổi 25, nhưng nó là cái dễ được nhắc đến đầu tiên trong danh sách những câu hỏi “đau đầu” nhất mà nữ giới thường phải nghe từ người khác.

ban nhạc retsuko

Ở những mùa sau, Fanworks và Sanrio còn khai thác thêm một yếu tố mới trong hành trình khủng hoảng tuổi 25, không chỉ ở Retsuko mà cả ở người đồng nghiệp thầm thương trộm nhớ cô - Haida. Đó là câu chuyện tìm kiếm giá trị và hiểu rõ năng lực bản thân.

ban nhạc retsuko

Retsuko vì một sự cố mà phải đền bù người bị nạn bằng việc… làm quản lý một nhóm nhạc không có tí tên tuổi nào, trong lúc đó, người ta phát hiện giọng ca death metal của cô có thể lôi kéo một đám đông khán giả. Và khi bắt đầu sự nghiệp cầm mic, cô lại phải đối đầu với thế lực anti-fan kích động.

Nhờ sự trợ giúp của chị em đồng nghiệp, Aggretsuko trở nên quyết đoán và bản lĩnh hơn.
Nhờ sự trợ giúp của chị em đồng nghiệp, Aggretsuko trở nên quyết đoán và bản lĩnh hơn.

Tuy nhiên, nhờ việc đứng trên sân khấu mà cô đã mạnh mẽ hơn rất nhiều khi trở về với môi trường công sở. Cô đã dùng sự cuồng nộ của nhạc metal để khám phá những khía cạnh mới của bản thân. Điều này khiến series có giá trị cao khi mang khía cạnh nữ quyền, khắc họa việc phụ nữ có quyền làm chủ cuộc sống riêng. Retsuko vẫn là cô gấu trúc đỏ với vẻ ngoài nhỏ nhắn dễ thương, nhưng giờ đây cô không còn rụt rè nữa. Cô đã trở nên “nhỏ mà có võ.”

Nhờ sự trợ giúp của chị em đồng nghiệp, Aggretsuko trở nên quyết đoán và bản lĩnh hơn.
Nhờ sự trợ giúp của chị em đồng nghiệp, Aggretsuko trở nên quyết đoán và bản lĩnh hơn.

Còn với Haida, câu chuyện của chàng linh cẩu đốm chỉ bắt đầu đặc sắc ở phần 4, khi cậu được thăng chức sau bao năm năng lực bị ngó lơ, nhưng không hề biết mình đang tiếp tay cho những hành vi bất chính. Nó cho thấy ekip bắt đầu chuyển dần sang việc đề cập đến những áp lực về địa vị, tiền bạc và sự nghiệp của nam giới.

Khi cha mẹ đẻ cũng “độc lạ”
không kém đứa con tinh thần

Hiện tại, series Aggretsuko trên Netflix đã chuẩn bị ra mắt mùa 5. Sức hút của loạt phim ngắn này chưa bao giờ hạ nhiệt bởi tính độc lạ, dí dỏm và chạm đúng tâm lý của bất kỳ ai đang ở thời điểm đi làm. Góp phần cho thành công vang dội đó là công sức của hai nhân vật chính: biên kịch, đạo diễn Rarecho và họa sĩ thiết kế nhân vật Aggretsuko (với biệt danh “Yeti”).

Clip phỏng vấn Rarecho và Yeti của Netflix.

Điểm thu hút ở đây chính là họa sĩ Yeti. Nếu Gudetama được sáng tạo bởi một họa sĩ nữ, thì Yeti xuất hiện trong đoạn phỏng vấn của Netflix cũng là một cô gái với nét mặt rạng rỡ, dù đã dùng khẩu trang Aggretsuko che bớt gương mặt. Yeti tự tạo cho mình vẻ bề ngoài hơi “dị” vì cô cảm thấy xấu hổ khi xuất hiện trước công chúng. (Đọc đến đây thì fan cũng cảm nhận được Retsuko có nét ngại ngùng giống cô họa sĩ này phải không!)

Nữ tác giả Yeti.
Nữ tác giả Yeti. Ảnh: aggretsuko@twitter

Với biên kịch Rarecho, kịch bản Aggretsuko có lẽ đến từ sự ngẫu hứng. Series phim chỉ đơn giản là được anh tạo ra từ câu chuyện của chính mình và rất nhiều người quen. Một ví dụ là ở tập đầu tiên, Retsuko trên đường hớt hải đến chỗ làm thì phát hiện ra mình mang sandal thay vì giày cao gót, cảnh này được lấy từ câu chuyện hàng ngày của Rarecho, nhưng thay vì giày cao gót thì đó là giày da.

Nữ tác giả Yeti.
Nữ tác giả Yeti. Ảnh: aggretsuko@twitter

Lồng tiếng cho Aggretsuko cũng là do vợ của Rarecho tham gia thử giọng một cách tình cờ, và được Sanrio “chấm”. Còn những bản death metal lại do chính biên kịch tự góp giọng, vì Rarecho không biết ai có thể hát death metal ở thời điểm sáng tác! Với Yeti, âm thanh này cũng rất gần gũi với cuộc sống thường ngày, vì một người bạn của cô mỗi khi càu nhàu cũng phát ra âm thanh như vậy!

Với khán giả, Aggretsuko đã thực sự nói lên tiếng lòng của rất nhiều người. Đặc biệt là phụ nữ trẻ đi làm với áp lực phải trau chuốt ngoại hình, phải luôn bình tĩnh và không được nổi nóng kể cả khi mọi chuyện có quá đáng như thế nào đi chăng nữa. Nó cũng mang đến cho nữ giới niềm tin về việc tìm kiếm giá trị bản thân. Thay vì chọn cách “sống ẩn dật chán đời” như Gudetama, Retsuko từ một cô gái tầm tầm bậc trung, nhút nhát đã dần học cách quyết định “rất ra gì và này nọ”, khiến cho khán giả không thể cưỡng lại mà tiếp tục ủng hộ, dõi theo câu chuyện của nàng gấu, và nghe cô thét gào hằng đêm!