eMagazine
0%

Là quốc gia châu Á đầu tiên phát triển bộ môn nghệ thuật thứ bảy (từ cuối thế kỉ XIX), Nhật Bản có nền công nghiệp điện ảnh thuộc top đầu và lâu đời nhất trên thế giới. Trong hơn 100 năm hình thành và phát triển đó, những năm 1950 được xem là thời kì đỉnh cao khi chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm nổi tiếng có ảnh hưởng tới mọi thời đại, thể hiện tầm nhìn nghệ thuật, kĩ năng và sự đa dạng văn hóa của các nhà làm phim xứ Phù Tang.

Thời đại hoàng kim của điện ảnh Nhật Bản

Bối cảnh thời đại

Nói về kỉ nguyên vàng son của điện ảnh Nhật Bản, không thể không nhắc đến yếu tố thời đại. Sự kết thúc của Thế chiến II và việc quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Nhật Bản đã mang lại những thay đổi về cả xã hội, chính trị, kinh tế cho đất nước mặt trời mọc.

Sau chiến tranh, các bộ phim sản xuất tại Nhật Bản phải chịu sự kiểm duyệt của GHQ (General Headquarters, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh). Chúng được quản lí chặt chẽ từ khâu kịch bản đến khi hoàn thành bởi các tổ chức trực thuộc CIE (Cục Giáo dục và Thông tin Dân sự) và CCD (Cơ quan Kiểm duyệt Dân sự).

Lúc bấy giờ, thể loại bị hạn chế nhiều nhất là “Jidaigeki - 時代劇” (phim cổ trang lịch sử) vì hình ảnh “vung kiếm” trong phim bị coi là “mang tính quân phiệt, tôn vinh việc trả thù, khơi dậy thái độ thù địch đối với Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, quy định kiểm duyệt đã được bãi bỏ vào năm 1952 - một năm sau khi Hiệp ước Hòa bình San Francisco được kí kết, mở ra thời kì hồi sinh của phim Nhật Bản.

Sự đổi mới phong cách và thể loại

Trước những đổi thay của thời đại, điện ảnh Nhật Bản cũng phải nhanh chóng thích ứng và tìm ra những cách thức mới để có thể phản ánh hiện thực và thách thức của đất nước thời hậu chiến bằng ngôn ngữ của mình.

Một số nhà làm phim chọn khám phá các chủ đề nghèo đói, tham nhũng, bạo lực và tha hóa, trong khi số khác tập trung vào sự kiên cường, hy vọng và khiếu hài hước của nhân dân Nhật Bản.

Bộ phim màu nội địa đầu tiên của Nhật Bản “Carmen Comes Home” (1951) ra đời trong kỉ nguyên vàng son.
Bộ phim màu nội địa đầu tiên của Nhật Bản “Carmen Comes Home” (1951) ra đời trong kỉ nguyên vàng son. Ảnh: 2022.tiff-jp.net

Các thể loại và phong cách làm phim mới đã xuất hiện, thách thức những chuẩn mực và kì vọng của công chúng; có thể kể đến như dòng phim lịch sử Jidaigeki được đạo diễn Kurosawa Akira làm mới bằng yếu tố hành động sống động cùng các tuyến nhân vật phức tạp.

Phim khoa học viễn tưởng cũng trở nên cực kì phổ biến, đặc biệt là những tác phẩm nói về quái vật khổng lồ như Godzilla – biểu trưng cho nỗi sợ hãi và bất an của con người trong thời đại nguyên tử. Những thể loại khác phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này bao gồm hài kịch, kinh dị, âm nhạc, lãng mạn và tội phạm.

“Godzilla” (1954) đã đặt nền móng cho thể loại phim viễn tưởng về quái vật khổng lồ.
“Godzilla” (1954) đã đặt nền móng cho thể loại phim viễn tưởng về quái vật khổng lồ. Ảnh: timelessfilmfestival.pl

Về kĩ thuật, đạo diễn Mizoguchi Kenji với thủ pháp “plan séquence” (cảnh quay tiếp nối) đã mở ra xu hướng sử dụng các cảnh quay dài và chuyển động máy quay có tính thẩm mĩ cao. Cách sử dụng “mise en scène” của ông, hiểu đơn giản là sự sắp xếp của tất cả các yếu tố được hiển thị trong quá trình quay, là điều độc đáo chưa từng thấy trong làm phim Nhật Bản trước đây.

Trước khi phong cách làm phim này xuất hiện, phim Nhật Bản vẫn mang nặng những ảnh hưởng của sân khấu kịch Kabuki - vốn bị cường điệu hóa quá mức và cách kể chuyện không mấy “nghệ thuật”. Với thủ pháp “plan séquence”, Mizoguchi không chỉ mang đến phương thức kể chuyện hiện đại mà còn cả kỹ thuật điện ảnh.

Những đạo diễn vĩ đại của thập niên 50

Thời kì hoàng kim đã sản sinh ra những đạo diễn tài năng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản, nổi bật nhất là sáu “cây đại thụ”: Kobayashi Masaki, Kurosawa Akira, Honda Ishiro, Tsuburaya Eiji, Mizoguchi Kenji, Ozu Yasujiro. Các tác phẩm của họ đều được quốc tế công nhận và xếp vào hàng “những bộ phim hay nhất mọi thời đại”.

Mizoguchi Kenji (溝口 健二)

Đạo diễn Mizoguchi Kenji (16/5/1898 – 24/8/1956) đã thực hiện khoảng một trăm bộ phim trong sự nghiệp của mình từ năm 1923 đến năm 1956. Các tác phẩm nổi bật trong thập niên 50 của ông gồm Cuộc đời của Oharu/西鶴一代女 (1952), Ugetsu/雨月物語 (1953) và Quan khâm sai Sansho/山椒大夫 (1954), đã được trao giải tại Liên hoan phim quốc tế Venice trong 3 năm liên tiếp.

Chủ đề lặp đi lặp lại trong các phim của Mizoguchi là sự áp bức phụ nữ ở Nhật Bản trong lịch sử và đương đại.

Mizoguchi Kenji (溝口 健二)

Ozu Yasujiro (小津安二郎)

Bậc thầy điện ảnh Nhật Bản Ozu Yasujiro (12/12/1903 – 12/12/1963) được nhiều người coi là một trong những nhà làm phim vĩ đạt nhất thế kỉ XX. Tác phẩm của ông chủ yếu đề cập đến vấn đề hôn nhân và gia đình, thể hiện xung đột thế hệ và văn hóa đặc trưng của Nhật Bản thời hậu chiến.

Những bộ phim được yêu thích rộng rãi của Ozu có thể kể đến như Xuân muộn/晩春 (1949), Mùa hè đến sớm/麥秋 (1951), Câu chuyện Tokyo/東京物語 (1953) và Một buổi chiều mùa thu/秋刀魚の味 (1962)...

Ozu Yasujiro (小津安二郎)

Kurosawa Akira (黒澤明)

Là một trong những nhà làm phim vĩ đại và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh, đạo diễn Kurosawa Akira (23/3/1910 – 6/9/1998) đã làm ra khoảng 30 bộ phim trong sự nghiệp kéo dài hơn 5 thập kỉ của mình. Phong cách của Kurosawa táo bạo, năng động, dẫu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của điện ảnh phương Tây nhưng vẫn có nét khác biệt.

Tác phẩm Rashomon (1950) do ông thực hiện đã bất ngờ đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1951, mở ra thị trường phương Tây cho các tác phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh xứ Phù Tang.

Ngoài ra, ông còn được đánh giá cao ở các bộ phim như Ikiru/生きる (1952), Bảy Samurai/七人の侍 (1954), Throne of Blood/蜘蛛巣城 (1957), The Hidden Fortress/隠し砦の三悪人 (1958)...

Kurosawa Akira được trao giải Oscar thành tựu trọn đời vào năm 1990 và được tạp chí AsianWeek cùng CNN vinh danh là “Người châu Á của thế kỉ” ở hạng mục “Nghệ thuật, Văn học và Văn hóa” – được coi là một trong năm người có đóng góp nổi bật nhất cho sự phát triển của châu Á trong thế kỉ XX.

Kurosawa Akira (黒澤明)

Kobayashi Masaki (小林 正樹)

Kobayashi Masaki (14/2/1916 - 4/10/1996) được tạp chí điện ảnh Senses of Cinema mô tả là "một trong những người miêu tả xuất sắc nhất về xã hội Nhật Bản trong những năm 1950 và 1960”.

Ông  nổi tiếng với bộ ba sử thi The Human Condition/人間の條件 (1959–1961), các phim samurai Harakiri/切腹(1962) và Samurai Rebellion/上意討ち 拝領妻始末 (1967) và tuyển tập kinh dị Kwaidan/怪談 (1964).

Kobayashi Masaki (小林 正樹)

Tsuburaya Eiji (円谷 英二)

Tsuburaya Eiji (7/7/1901 – 25/1/1970) là người đi tiên phong về hiệu ứng đặc biệt trong ngành điện ảnh Nhật Bản và được mệnh danh là “cha đẻ của dòng phim Tokusatsu”.

Xuyên suốt sự nghiệp, Tsuburaya đã tham gia vào khoảng 250 bộ phim, trong đó có những tác phẩm toàn cầu của các đạo diễn Honda Ishiro, Inagaki Hiroshi và Akira Kurosawa, giành được sáu Giải thưởng Kĩ thuật Nhật Bản.

Tsuburaya Eiji (円谷 英二)

Honda Ishiro (本多 猪四郎)

Đạo diễn Honda Ishiro (7/5/1911-28/2/1993) được công nhận là nhà làm phim Nhật Bản thành công nhất trên trường quốc tế trước “phù thủy hoạt hình” Miyazaki Hayao. Ông thường được nhớ đến với vai trò chỉ đạo và đồng sáng tạo thể loại kaiju/怪獣 (dòng phim về các quái vật khổng lồ) cùng với đạo diễn Tsuburaya Eiji. 

Trong 50 năm làm nghề, Honda Ishiro đã thực hiện khoảng 46 bộ phim, nổi bật nhất là Godzilla (1954).

Honda Ishiro (本多 猪四郎)

Những bộ phim kinh điển
của điện ảnh Nhật thập niên 50

Rashomon (羅生門)

Rashomon (羅生門)

• Năm phát hành: 1950

• Đạo diễn: Kurosawa Akira

• Nội dung: Dựa trên truyện ngắn Yabu no naka (Trong rừng trúc) và Rashomon của nhà văn Akutagawa Ryunosuke, xoay quanh một vụ án giết người, cưỡng bức được kể thông qua góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau.

• Giải thưởng: Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 1951; Oscar danh dự 1952 (tương đương giải Oscar cho Phim truyện quốc tế hay nhất)

Cuộc đời của Oharu (西鶴一代女)

Cuộc đời của Oharu (西鶴一代女)

• Năm phát hành: 1952

• Đạo diễn: Mizoguchi Kenji

• Nội dung: Dựa trên nhiều câu chuyện khác nhau trong tác phẩm The Life of a Amorous Woman (好色一代女) năm 1686 của Ihara Saikaku, xoay quanh cuộc đấu tranh sinh tồn của Oharu, người từng là vợ lẽ của một lãnh chúa.

• Giải thưởng: Giải thưởng Quốc tế tại Liên hoan phim Venice 1952

Câu chuyện Tokyo (東京物語)

Câu chuyện Tokyo (東京物語)

• Năm phát hành: 1953

• Đạo diễn: Ozu Yasujiro

• Nội dung: Kể về chuyến đi thăm con cái ở Tokyo của một cặp vợ chồng già, qua đó phản ảnh khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái cũng như những vấn đề về văn hóa và tình cảm của người Nhật thời hậu chiến.

• Giải thưởng: Giải Sutherland Trophy năm 1958 của Viện phim Anh

Godzilla

Godzilla

• Năm phát hành: 1954

• Đạo diễn: Ishiro Honda

• Nội dung: Tàu chở hàng Eiko-maru của Nhật Bản bị tấn công bởi một tia sáng gần đảo Odo, một con tàu khác được cử đến điều tra nhưng cũng chịu chung số phận, chỉ số ít người còn sống sót. Già làng trên đảo Odo cho rằng sản lượng đánh bắt cá của họ suy giảm là do một con quái vật biển có tên “Godzilla”. Tin đồn lan ra ngoài, nhiều phóng viên tò mò tìm đến Odo để điều tra, những tai họa liên tục ập đến hòn đảo...

Bảy Samurai (七人の侍)

Bảy Samurai (七人の侍)

• Năm phát hành: 1954

• Đạo diễn: Kurosawa Akira

• Nội dung: Kể về câu chuyện xảy ra vào năm 1586 trong thời Chiến quốc của Nhật Bản, tại một ngôi làng nơi nông dân tìm cách thuê samurai để chống lại băng cướp định trộm mùa màng của họ sau vụ thu hoạch.

• Giải thưởng: Sư tử Bạc tại Liên hoan phim Venice 1954