eMagazine
0%

Là nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật Inotsume Tomoko trong “Tora ni Tsubasa” (虎に翼, tạm dịch: Hổ mọc thêm cánh) - bộ phim truyền hình buổi sáng có rating khủng gần đây do NHK sản xuất, bà Mibuchi Yoshiko được xem là một trong những người đã mở đường cho phụ nữ Nhật Bản tiến vào ngành luật.

Thời thơ ấu

Mibuchi Yoshiko (三淵嘉子, 13/11/1914-28/5/1984) có tên khai sinh là Mutou Yoshiko, là con gái đầu lòng trong gia đình và được sinh ra tại Singapore. Cha của bà là ông Mutou Sado, làm việc cho Ngân hàng Đài Loan và thường xuyên phải đi công tác nhiều nơi.

Mibuchi Yoshiko (1914-1984).
Mibuchi Yoshiko (1914-1984). Ảnh: Wikipedia

Trong thời gian ông Sado làm việc tại New York, Yoshiko và 4 người em được mẹ là bà Mutou Nobu nuôi dạy ở quê cha – Marugame, Kagawa. Đến năm 1920, cả gia đình Mutou đoàn tụ và chuyển đến sinh sống ở Shibuya, Tokyo.

Thuở thiếu thời của Yoshiko là khoảng thời gian nước Nhật chứng kiến sự “nổi dậy” của phụ nữ từ mọi tầng lớp.

Trong thời kì Taisho ngắn ngủi, “những người phụ nữ mới” như tiểu thuyết gia Tamura Toshiko và nhà hoạt động chính trị Ichikawa Fusae đã xuất bản những câu chuyện, bài luận về các chủ đề từng bị cấm và bị cho là “thách thức lối sống thông thường”. 

Mibuchi Yoshiko (1914-1984).
Mibuchi Yoshiko (1914-1984). Ảnh: Wikipedia

Trong khi đó, những cô gái hiện đại “moga” làm các công việc như thư kí, giáo viên, nhân viên phục vụ quán cà phê phô trương vẻ đẹp Tây phương tân thời. Lẽ dĩ nhiên, đối với thế hệ mới, hình mẫu “mẹ hiền vợ tốt” (良妻賢母/ryosai kenbo) cũng không còn là lí tưởng hướng tới.

Yoshiko may mắn được cha mình, một người có tư tưởng tiến bộ, khuyến khích học tập kinh tế, chính trị và luật pháp. Ngược lại, mẹ lại lo lắng rằng Yoshiko không thể lấy được chồng nếu theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực này. Dẫu vậy, điều đó cũng không thể cản bước hoài bão lớn lao của bà Yoshiko.

Con đường trở thành luật sư

Tháng 5/1933, một bước ngoặt đã xảy ra: Luật về Luật sư của Nhật Bản đã được sửa đổi (Đạo luật số 53, có hiệu lực từ tháng 4/1936). Theo đó, định nghĩa về tư cách luật sư đã thay đổi từ “công dân nam Nhật Bản đủ tuổi trưởng thành” thành “công dân đế quốc đủ tuổi trưởng thành”. Bước ngoặt này đã mở ra cánh cửa mới cho phụ nữ Nhật Bản.

Tuy nhiên, con đường tiến thân vào ngành luật của họ vẫn chưa hề dễ dàng. Để trở thành luật sư, ứng viên phải tốt nghiệp trường dạy nghề hoặc trường đại học được Bộ Giáo dục phê duyệt. Vậy nhưng trong danh sách này lại không có trường dạy nghề nào dành cho nữ, còn số ít đại học chấp nhận phụ nữ thì lại không tiếp nhận họ vào Khoa Luật.

Vào thời điểm đó, chỉ có Cao đẳng nữ sinh (thành lập năm 1929) của Đại học Meiji cung cấp giáo dục pháp lí cho phụ nữ.

Năm 1932, sau khi tốt nghiệp trung học, Yoshiko quyết định đăng kí vào chương trình luật của ngôi trường này bất chấp sự phản đối kịch liệt của mẹ.

Lễ khai giảng đầu tiên của trường Cao đẳng nữ sinh Meiji năm 1929.
Lễ khai giảng đầu tiên của trường Cao đẳng nữ sinh Meiji năm 1929. Ảnh: meiji.net

Năm 1938, Mutou Yoshiko cùng Kume Ai và Nakata Masako đã làm nên lịch sử khi trở thành những người phụ nữ đầu tiên vượt qua kì thi luật sư.

Sau 18 tháng thực tập tại Hiệp hội Luật sư Tokyo Đệ nhị, cả ba đều đăng kí làm luật sư vào năm 1940. Họ được các tờ báo, tạp chí luật ca ngợi và trở thành chủ đề bàn tán đầy tự hào trong các nhóm phụ nữ.

Kume Ai, Mutou Yoshiko và Nakata Masako (từ trái sang) trong một cuộc thảo luận bàn tròn năm 1939 với chính trị gia Katayama Tetsu, người sau này trở thành thủ tướng Nhật Bản.
Kume Ai, Mutou Yoshiko và Nakata Masako (từ trái sang) trong một cuộc thảo luận bàn tròn năm 1939 với chính trị gia Katayama Tetsu, người sau này trở thành thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, Yoshiko vẫn mông lung về tương lai của mình: “Tôi vẫn chưa quyết định kế hoạch hành động trong tương lai của mình là gì. Ngay cả khi trở thành luật sư… Tôi muốn giúp đỡ một chút với tư cách là cố vấn cho những người kém may mắn. Nhưng tôi cảm thấy mình quá ngu ngốc và bất tài để làm điều đó… Mong muốn duy nhất của tôi là bất kể chọn con đường nào, tôi đều sẽ cống hiến hết mình cho xã hội và cho mọi người theo đúng con đường đó.”

Tại thời điểm đó, Yoshiko không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Phụ nữ không được phép trở thành công chức như thẩm phán hay công tố viên và làm luật sư là cơ hội duy nhất họ có thể hy vọng.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau chiến tranh.

Chiến tranh và
bi kịch

Về đời sống cá nhân, năm 1941, Yoshiko kết hôn với Wada Yoshio, một cựu sinh viên Đại học Meiji. Hai năm sau, hai người đón con trai đầu lòng. Dẫu vậy, hôn nhân và việc làm mẹ đều không cản trở sự nghiệp của Yoshiko.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi nước Nhật tham gia vào Thế chiến II. Năm 1944, ông Yoshio phải nhập ngũ còn Yoshiko và con trai buộc phải chạy trốn rồi sơ tán đến Fukushima vì ngôi nhà của họ đã bị thiêu rụi trong một cuộc không kích.

Chiến tranh kết thúc nhưng chuỗi bi kịch của Yoshiko vẫn còn tiếp tục. Năm 1946, chồng bà qua đời vì bạo bệnh ở Nagasaki. Đầu năm 1947, mẹ bà qua đời vì xuất huyết não. Đến cuối năm, bà lần nữa trải qua nỗi đau mất đi người thân khi cha qua đời.

Một mình nuôi con, Yoshiko vẫn nuôi quyết tâm trở thành thẩm phán.

Tiếp tục ước mơ

Trong thời gian GHQ (General Headquarters, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh) kiểm soát, nhiều cải cách dân chủ đã được thực hiện tại Nhật Bản. Một phần trong số đó là hệ thống pháp luật.

Các quan chức Nhật Bản đến tàu USS Missouri để kí tuyên bố đầu hàng chính thức trong Thế chiến II.
Các quan chức Nhật Bản đến tàu USS Missouri để kí tuyên bố đầu hàng chính thức trong Thế chiến II.
Ảnh: life.com

Mary Easterling, luật sư người Mỹ làm việc tại văn phòng luật GHQ là người có công trong việc thành lập Hiệp hội Nữ Luật sư Nhật Bản. Bạn học cùng trường của Yoshiko là Kume Ai đã trở thành chủ tịch đầu tiên của hiệp hội.

Năm 1949, Yoshiko được bổ nhiệm làm trợ lí thẩm phán tập sự tại bộ phận dân sự của Tòa án quận Tokyo.

Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó, bà Yoshiko viết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu vì mình là phụ nữ. Trái lại, mọi người đều trân trọng tôi và làm hết sức mình để đào tạo tôi”.

Năm 1950, Yoshiko được chọn tham gia vào nhóm đi Hoa Kì nghiên cứu về tòa án tư pháp. Cùng đi còn có Watanabe Michiko, một trong những người phụ nữ đầu tiên trở thành thẩm phán sau các cuộc cải cách thời hậu chiến.

Nhóm của họ đã đi đến Chicago, New York và Washington DC để tham quan nhiều cơ quan pháp lí khác nhau, sau đó dành khoảng 3 tháng ở San Francisco để quan sát các thủ tục tố tụng trong hệ thống tòa án gia đình của thành phố.

Vai trò trong việc hỗ trợ thẩm phán của đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và có trình độ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Yoshiko, giúp bà hình dung ra hệ thống tòa án sẽ được xây dựng lại của Nhật Bản.

Tình yêu thứ hai

Thời kỳ Chiếm đóng Nhật Bản kết thúc vào năm 1952. Cùng năm đó, Yoshiko trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án quận Nagoya. Tại đó, bà đã gặp người chồng thứ hai của mình, Mibuchi Kentaro - một người đàn ông góa vợ, là cha của 4 đứa con và là thẩm phán của Tòa án Tối cao.

Trái ngược với tính cách hoạt bát, cởi mở của Yoshiko, Kentaro có phong thái điềm tĩnh của một quý ông người Anh. Hai người kết hôn vào năm 1956.

Bà Yoshiko và người chồng thứ hai - ông Mibuchi Kentaro, hình chụp năm 1956.
Bà Yoshiko và người chồng thứ hai - ông Mibuchi Kentaro, hình chụp năm 1956. Ảnh: portfolio-ai.com

Cuộc sống của một thẩm phán đã kết hôn không hề ổn định; bất cứ lúc nào, một trong hai cũng có thể bị điều đến một tòa án cách nhau “nửa vòng đất nước”. Vì vậy, đã có giai đoạn họ phải sống xa nhau. Nhưng những lần chia xa này chỉ khiến thời gian họ dành cho nhau trở nên quý giá hơn.

Phiên tòa xét xử bom A

Năm 1955, một nhóm những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã đệ đơn kiện chính phủ Nhật Bản. Nhóm do Shimoda Ryuichi đứng đầu đã tuyên bố rằng các vụ ném bom là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Vì Nhật Bản đã từ bỏ mọi yêu cầu bồi thường thiệt hại do bom gây ra khi kí Hiệp ước hòa bình San Francisco, nên các nguyên đơn lập luận rằng chính phủ cũng từ bỏ quyền của cá nhân trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ Hoa Kì. Do đó, Nhật Bản nên thay mặt bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Cuốn sách Genbaku saiban – America no taizai wo ita Mibuchi Yoshiko (原爆裁判―アメリカの大罪を裁いた三淵嘉子) kể về câu chuyện bà Yoshiko giám sát vụ kiện của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Cuốn sách Genbaku saiban – America no taizai wo ita Mibuchi Yoshiko (原爆裁判―アメリカの大罪を裁いた三淵嘉子) kể về câu chuyện bà Yoshiko giám sát vụ kiện của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Ảnh: Amazon

Mibuchi Yoshiko là một trong ba thẩm phán trưởng giám sát vụ án kéo dài trong tám năm rưỡi và là thẩm phán duy nhất có mặt trong tất cả các cuộc tranh luận bằng lời.

Năm 1963, tòa án ra phán quyết rằng các vụ đánh bom thực sự là bất hợp pháp và nằm trong định nghĩa về ném bom bừa bãi. Tuy nhiên, nguyên đơn không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật pháp quốc tế.

Trong tuyển tập Women Lawyers (女性法律家/Josei Houritsuka), bà Mibuchi Yoshiko viết: “Chúng tôi có thể bác bỏ yêu cầu bồi thường bất kể (những quả bom) có vi phạm luật pháp quốc tế hay không, nhưng chúng tôi đã trình bày lí lẽ của mình và xem xét luật pháp quốc tế mà không trốn tránh nghĩa vụ. Chúng tôi không thể biện minh cho việc thả bom nguyên tử”.

Dấu ấn sự nghiệp

Từ năm 1972, Mibuchi Yoshiko giữ chức vụ chánh án tại nhiều tòa án gia đình, bắt đầu là Tòa án gia đình Niigata. Bà tin rằng tòa án gia đình “giải quyết vấn đề con người, không phải vụ án”.

Bà Mibuchi Yoshiko tại văn phòng Tòa án gia đình Niigata, hình chụp năm 1973.
Bà Mibuchi Yoshiko tại văn phòng Tòa án gia đình Niigata, hình chụp năm 1973. Ảnh: portfolio-ai.com

Chính vì vậy, trong thời gian làm chánh án tại Tòa án gia đình Yokohama, bà đã tạo ra môi trường thoải mái nhằm giảm bớt sự nghiêm ngặt của các thủ tục tố tụng tại tòa.

Phòng hòa giải u ám được trang trí lại trở nên sáng sủa hơn; âm nhạc nhẹ nhàng, êm dịu được phát trong hành lang vào giờ trưa - tất cả những điều này đã làm giảm bớt sự căng thẳng cho nhân viên và các gia đình bị vướng vào vụ án vị thành niên.

Ngay cả sau khi nghỉ hưu vào năm 1979, bà Yoshiko vẫn tiếp tục phục vụ cộng đồng pháp lí, thậm chí còn giữ chức chủ tịch Hiệp hội Nữ Luật sư Nhật Bản. Bà vẫn bận rộn cho đến khi qua đời vào năm 1984 ở tuổi 69.

Hình chụp năm 1979, kỷ niệm ngày bà nghỉ hưu tại Tòa án gia đình Yokohama.
Hình chụp năm 1979, kỷ niệm ngày bà nghỉ hưu tại Tòa án gia đình Yokohama. Ảnh: portfolio-ai.com

Di sản của Mibuchi Yoshiko

Nhờ Mibuchi Yoshiko và những người tiên phong khác, số lượng phụ nữ làm việc trong các công ty luật ở Nhật đã tăng, dù chậm nhưng đều đặn qua từng năm.

Tính đến năm 2022, 24,4% công tố viên, 22,2% thẩm phán và 18,9% luật sư tại đất nước mặt trời mọc là phụ nữ. Tháng 2 năm nay, sau 75 năm tồn tại, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã có nữ chủ tịch đầu tiên – bà Fuchigami Reiko.

Kể từ tập đầu tiên lên sóng vào tháng 4/2024, bộ phim Tora ni Tsubasa vẫn tiếp tục thu hút lượng người xem cao ngất. Tập thứ 55 của phim có lượng người xem hộ gia đình kết hợp là 18% - một con số cực ấn tượng đối với thể loại asadora (朝ドラ: phim truyền hình buổi sáng) trong thời đại này.

Nữ chính Inotsume Tomoko (Ito Sairi) trong trang phục luật sư. Câu chuyện của nhân vật được lấy cảm hứng từ cuộc đời của bà Mibuchi Yoshiko.
Nữ chính Inotsume Tomoko (Ito Sairi) trong trang phục luật sư. Câu chuyện của nhân vật được lấy cảm hứng từ cuộc đời của bà Mibuchi Yoshiko. Ảnh: Nippon

Vượt qua rào cản xã hội, kiên định theo đuổi lí tưởng, tiên phong cho thế hệ phụ nữ thời hậu chiến, bà Mibuchi Yoshiko đã trở thành một nhân vật truyền kì trong giới luật pháp Nhật Bản.