Năm 1911, vở kịch A Doll's House của nhà viết kịch người Na Uy Henrik Ibsen được Nhật Bản dựng lại và biểu diễn tại Tokyo. Vở kịch ba màn kể về người phụ nữ tên Nora hết lòng hy sinh cho chồng nhưng sau đó đổi lại chỉ là sự vô ơn, bạc bẽo. Nora nhận ra suốt đời mình chỉ như con búp bê sống trong căn nhà theo ý muốn của cha và sau này là chồng, vì vậy cô đã đứng dậy đấu tranh, giải thoát cho bản thân.
Lúc bấy giờ, nhân vật Nora do người đẹp Matsui Sumako thủ vai đã trở thành hình mẫu lý tưởng về “Người phụ nữ mới” đối với công chúng. Đó là hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, sẵn sàng đấu tranh để có cuộc sống không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực truyền thống hà khắc.
Vào thời điểm đó, Nhật Bản cũng đã xuất hiện “Nora đời thực”, đó là Tamura Toshiko, một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên kiếm sống bằng nghề viết lách trong thời kỳ hiện đại.
Di sản mà Tamura để lại cho thế hệ sau không chỉ là tư tưởng tiến bộ đấu tranh vì nữ quyền trong thời đại của bà, mà còn mở rộng sang các vấn đề xã hội khác liên quan đến chống phân biệt chủng tộc và giải phóng áp bức giai cấp. Từ thời thơ ấu và những năm đầu tuổi trưởng thành gắn bó với rạp hát, đến việc tổ chức các công đoàn lao động ở Canada xa xôi rồi điều hành một tạp chí dành cho phụ nữ ở Thượng Hải, Tamura đã để lại những dấu ấn sâu đậm về công cuộc truyền tải tư tưởng, thông điệp tiến bộ, đấu tranh vì quyền lợi cho phái nữ.