eMagazine

#KilalaseriesBài: Rin Thiết kế: Quỳnh 399

Là nữ họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản, Hasegawa Machiko chính là người đứng sau bộ manga - anime “Sazae-san” bất hủ, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Nhật. Với tài năng nghệ thuật thiên bẩm, bà đã thổi vào câu chuyện đời thường những cung bậc cảm xúc đa dạng, thể hiện qua tác phẩm kinh điển Sazae-san cùng nhiều bộ truyện để đời khác.

Những ngày thơ ấu

Hasegawa Machiko (30/01/1920 – 27/05/1992) sinh ra tại làng Higashi-Taku, quận Ogi, tỉnh Saga (thành phố Taku ngày nay), là con thứ hai trong gia đình có ba chị em gái. Cha của bà từng là kỹ sư tại công ty khai thác than thuộc tập đoàn Mitsubishi ở Taku, nhưng sau đó ông đã cùng gia đình chuyển đến sống ở tỉnh Fukuoka và bắt đầu kinh doanh dây cáp. Đây cũng là nơi Machiko bắt đầu những năm tiểu học của mình.

Bìa gốc tập 1 của truyện Sazae-san.
Bìa gốc tập 1 của truyện Sazae-san. Ảnh: Asahi

Nữ họa sĩ miêu tả mình từng là một đứa trẻ khá tinh nghịch. Trong suốt quãng thời gian tiểu học, Machiko chỉ học một lớp và giáo viên chủ nhiệm cũng không thay đổi, nên lớp học được xem như gia đình thân thương thứ hai của cô. Trong giờ học, cô bé Machiko thường xuyên vẽ tranh chân dung các thầy cô giáo. Một lần, sau khi bị giáo viên Matsumoto Zenichi phát hiện và phạt đứng ở hành lang, Machiko đã quyết định “trả thù” bằng cách vẽ truyện tranh về các thói quen của ông và cho các bạn cùng lớp chuyền tay nhau đọc.

Bìa gốc tập 1 của truyện Sazae-san.
Bìa gốc tập 1 của truyện Sazae-san. Ảnh: Asahi

Sự nghịch ngợm của cô nhóc Machiko chưa dừng lại ở đó, theo lời nữ họa sĩ kể lại, bà còn né tránh công việc vệ sinh lớp học, chơi đấu kiếm cùng các nam sinh khác hay thậm chí đánh nhau với con trai để bảo vệ một bạn nữ... Dù bị xem là một đứa trẻ hay gây rối nhưng Machiko lại rất thông minh và có năng khiếu về nghệ thuật.

Machiko lúc còn nhỏ.
Machiko lúc còn nhỏ. Ảnh: sazaesan.jp

Vào năm 1933, khi Machiko đang học năm thứ hai ở trường trung học cơ sở, người cha mà bà gắn bó sâu sắc và yêu thương hết mực đã qua đời. Sự ra đi sớm của ông - “một quý ông tuyệt vời và phong độ”, theo lời kể của Machiko, đã xoay chuyển cả cuộc đời bà.

Machiko lúc còn nhỏ.
Machiko lúc còn nhỏ. Ảnh: sazaesan.jp
Machiko lúc 15 tuổi.
Machiko lúc 15 tuổi. Ảnh: sazaesan.jp

Một năm sau đó, cả gia đình chuyển đến sống ở Tokyo và Machiko tiếp tục học năm ba tại Trường nữ sinh Yamawaki, nơi được mệnh danh là “ngôi trường của các quý cô”. Tại đây, bà bị bạn bè xung quanh nhìn bằng ánh mắt kỳ lạ khi sử dụng tiếng địa phương và hành xử khác biệt, do vậy, từ một “đại ca” khét tiếng ở trường Fukuoka, Machiko đã hoàn toàn khép kín và trở thành một người hướng nội.

Quyết liệt theo đuổi đam mê
với truyện tranh

Machiko quyết tâm theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh.
Machiko quyết tâm theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh.
Ảnh: hakameguri.exblog.jp

Vào thời điểm gia đình Machiko chuyển đến Tokyo sinh sống, Tagawa Suiho là họa sĩ lừng danh nhất trong ngành công nghiệp manga lúc bấy giờ, nổi bật với loạt truyện tranh “Norakuro” về một chú chó mực mang hình người. Với quyết tâm phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình, Machiko nói với gia đình rằng bà nhất định phải trở thành đệ tử của Suiho.

Machiko quyết tâm theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh.
Machiko quyết tâm theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh. Ảnh: hakameguri.exblog.jp

Với tính cách quyết đoán, Machiko đã trở thành trợ lý của họa sĩ Suiho khi vẫn đang học trung học. Không bao lâu sau, bà đã “debut” với tư cách họa sĩ truyện tranh bằng tác phẩm “Tanuki no Men” (狸の面) dài 2 trang trên tạp chí Shojo Kurabu số tháng 10 năm 1935, khi mới 15 tuổi. Chính bộ truyện này đã đưa bà trở thành nữ họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản.

Machiko ra mắt tác phẩm đầu tiên “Tanuki no Men” vào năm 15 tuổi.
Machiko ra mắt tác phẩm đầu tiên “Tanuki no Men” vào năm 15 tuổi. Ảnh: Wikipedia

Tiếp nối tác phẩm đầu tay, vào năm 1939, tên tuổi của họa sĩ truyện tranh Hasegawa Machiko một lần nữa được khẳng định với manga đăng dài kỳ đầu tiên “Hifu Miyo Chan” (ヒィフゥみよチャン). Và từ năm 1940, tên tuổi bà được biết đến rộng rãi hơn với sự thành công vang dội của loạt truyện tranh “Nakayoshi Techo” (仲よし手帖), miêu tả cuộc sống học đường đầy tiếng cười của ba cô nữ sinh.

Machiko ra mắt tác phẩm đầu tiên “Tanuki no Men” vào năm 15 tuổi.
Machiko ra mắt tác phẩm đầu tiên “Tanuki no Men” vào năm 15 tuổi. Ảnh: Wikipedia

Sống trong thời chiến tranh loạn lạc, phải chạy trốn khỏi các cuộc không kích ở Tokyo, bà và gia đình đã đi lánh nạn ở Minami Sakugun, tỉnh Nagano rồi tiếp tục di tản đến Momochi, thành phố Fukuoka vào tháng 03/1944. Tại đây, nữ họa sĩ làm việc cho tờ Nishi Nippon Shimbun ở vị trí nhân viên sửa bản in của bộ phận mỹ thuật.

Machiko là người rất yêu động vật, bà cũng nuôi nhiều chó và mèo.
Machiko là người rất yêu động vật, bà cũng nuôi nhiều chó và mèo. Ảnh: asahi.com

Vào tháng 09/1945, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, tác phẩm manga 6 khung mang tên “Saa! Gambarau” (さあ!がんばらう) của nữ họa sĩ đã được đăng trên tạp chí do công ty Nishi Nippon Shimbun phát hành. Vì không phải lánh nạn nữa, bà cũng quyết định nghỉ việc tại tòa soạn và chính thức bước sang một chặng đường sáng tác đầy thăng hoa.

Sự ra đời của tác phẩm
kinh điển Sazae-san

Sau Thế chiến thứ 2, Hasegawa Machiko trở thành tên tuổi lớn trong làng manga nhờ vào tác phẩm “Sazae-san” (サザエさん) ra mắt vào ngày 22/04/1946, đăng nhiều kỳ trên tờ báo Fukunichi Shimbun, về sau là trên tờ Asahi Shimbun.

Phiên bản hoạt hình của Sazae-san được phát sóng vào tối Chủ nhật hàng tuần từ 18h30 đến 19h trên đài Fuji TV kể từ tháng 10/1969 và vẫn tiếp tục kéo dài cho đến hiện tại. Vào ngày 05/09/2013, Kỷ lục Guinness đã công nhận Sazae-san là loạt phim hoạt hình truyền hình dài nhất thế giới, khẳng định sức hút vượt thời gian của tác phẩm.

Câu chuyện của Sazae-san xoay quanh cuộc sống của một gia đình ba thế hệ ở quận Setagaya, Tokyo. Nhân vật chính là bà nội trợ Fuguta Sazae, 27 tuổi. Cô sống cùng cha mẹ ruột và chồng Fuguta Masuo, 28 tuổi, một người nghiêm túc, điềm tĩnh; cậu em trai tinh nghịch Isono Katsuo, 11 tuổi; cô em gái nhỏ tốt bụng Isono Wakame, 7 tuổi; con trai Fuguta Tarao, 3 tuổi với biệt danh Tara-chan; thành viên cuối cùng của đại gia đình là chú mèo cưng Tama chẳng ưa gì lũ chuột.

Gia đình Sazae, từ trái sang: chồng Masuo, Sazae, em gái Wakame, mèo cưng Tama, em trai Katsuo, con trai Tarao (phía trước), mẹ Fune và cha Namihei.
Gia đình Sazae, từ trái sang: chồng Masuo, Sazae, em gái Wakame, mèo cưng Tama, em trai Katsuo, con trai Tarao (phía trước), mẹ Fune và cha Namihei.
Sazae-san lập kỷ lục Guinness phim hoạt hình dài nhất thế giới.
Sazae-san lập kỷ lục Guinness phim hoạt hình dài nhất thế giới. Ảnh: @oneeero

Mặc dù loạt manga/anime Sazae-san có bối cảnh diễn ra tại vùng ngoại ô nhưng tên các thành viên trong gia đình lại được lấy cảm hứng từ biển cả, chẳng hạn như tên của bà nội trợ, người mẹ trẻ Sazae nghĩa là ốc mặt trăng, hay Masu trong tên người chồng Masuo là cá hồi, cha Namihei với Nami là sóng, Fune trong tên người mẹ là thuyền... Mỗi tập của anime gồm ba câu chuyện riêng biệt liên quan đến những sự kiện đơn giản trong cuộc sống hằng ngày của gia đình Sazae-san.

Sazae-san lập kỷ lục Guinness phim hoạt hình dài nhất thế giới.
Sazae-san lập kỷ lục Guinness phim hoạt hình dài nhất thế giới. Ảnh: @oneeero

Theo chia sẻ của cố họa sĩ, trong một lần cùng em gái dạo bộ tại bờ biển Momochi gần nhà, bà đã lấy cảm hứng từ khung cảnh nơi này để đặt tên cho các nhân vật. Đồng thời, ý tưởng về cấu trúc gia đình cũng như cái tên Sazae-san cho tác phẩm cũng được bắt nguồn từ đây.

Ngay từ khi mở đầu tác phẩm, nhân vật Sazae đã đặc biệt yêu thích việc cưỡi ngựa hơn là mặc Kimono và trang điểm (để thu hút người chồng). Machiko cho rằng nhà Sazae sẽ là hiện thân của một gia đình Nhật hiện đại sau Thế chiến thứ hai.

Ra đời không lâu sau khi phụ nữ Nhật được trao quyền bầu cử, vấn đề này đã được Machiko đề cập tại phần đầu của tác phẩm. Hơn nữa, tư tưởng tiến bộ của bà cũng thể hiện rõ qua cách xây dựng nhân vật Sazae. Đây là một người phụ nữ phóng khoáng, nắm quyền quản lý gia đình trước sự ngạc nhiên của hàng xóm, những người vốn tin rằng nam giới mới nên là trụ cột của gia đình. Sau đó, Sazae đã trở thành một nhà hoạt động nữ quyền và gặp nhiều tình huống hài hước, thú vị với nhóm phong trào giải phóng phụ nữ địa phương.

Mặc dù Sazae-san cũng có đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự, nhưng cốt lõi của tác phẩm vẫn xoay quanh sự năng động của đại gia đình qua lối kể chuyện vui vẻ và dễ hiểu. Manga Sazae-san đã theo chân tác giả Machiko mãi cho đến khi bà nghỉ hưu và phần cuối cùng được phát hành vào ngày 21/02/1974.

Cuối manga là câu chuyện về niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ Sazae khi đập trứng làm bữa sáng cho chồng và phát hiện có hai lòng đỏ, cùng nhận xét của cậu em trai Katsuo rằng hạnh phúc chính là những điều nhỏ nhặt mà cuộc sống mang lại.

Bản live-action truyền hình của Sazae-san.
Bản live-action truyền hình của Sazae-san. Ảnh: imdb.com

Trong văn hóa hiện đại, Sazae-san thường được xem như biểu tượng đại diện cho sự hoài niệm về một xã hội Nhật truyền thống trước khi công nghệ đến và làm thay đổi mọi thứ. Mặc dù nội dung đề cập đến vấn đề nữ quyền - được xem là khá mới mẻ vào thời điểm tác phẩm ra mắt, nhưng tựu trung lại, nó vẫn gợi nhớ về một thời đã qua.

Thành công vang dội của Sazae-san cũng đem lại khá nhiều giải thưởng cao quý cho họa sĩ Machiko khi bà đã chiến thắng Giải thưởng truyện tranh Bungeishunjuu lần thứ 8 vào năm 1962, hay Giải thưởng văn hóa Tokyo lần thứ 4 vào năm 1988, giải đặc biệt của Giải thưởng văn hóa Osamu Tezuka năm 2020.

Dù thành công của Sazae-san đã trải thảm đỏ cho nữ họa sĩ, nhưng bà cũng từng dính đến một vụ kiện tụng liên quan đến “đứa con” này. Machiko đã đâm đơn kiện một công ty xe buýt vì sử dụng Sazae-san để đặt tên cho doanh nghiệp “Sazae-san Tours”, sử dụng nhân vật trong hình ảnh quảng cáo mà chưa có sự cho phép của tác giả. Kết quả của vụ kiện là luật bản quyền mới được ra đời để mở rộng giới hạn bảo vệ các nhân vật hư cấu như một cá thể riêng biệt thay vì chỉ mỗi tác phẩm, đặt cột mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp manga/anime của Nhật.

Và nhiều di sản khác

Bên cạnh Sazae-san, Machiko còn được biết đến với hai tác phẩm manga lừng danh khác là “Epuron Obasan” và “Ijiwaru Baasan”. Nếu “Epuron Obasan” xoay quanh một bà lão chu đáo nhưng hậu đậu, thì “Ijiwaru Baasan” lại mang màu sắc đối lập với hình ảnh cụ bà khó tính, không dễ khoan dung với người khác và thường chơi khăm bất kỳ ai mình gặp.

Truyện “Ijiwaru Baasan”.
Truyện “Ijiwaru Baasan”. Ảnh: order.mandarake.co.jp

Đến năm 1979, một tự truyện của Machiko đã được chuyển thể thành phim truyền hình buổi sáng trên đài NHK mang tên “Ma-Ne Chan” (マ-姉ちゃん). Bộ phim gặt hái được thành công lớn khi rating cao hơn 40%, tạo bước đệm cho sự nghiệp diễn xuất của Tanaka Yuko, người thủ vai Machiko; sau này cô đảm nhận vai chính trong phim truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản “Oshin”. Nhưng sự thật là nhân vật chính trong Ma-Ne Chan lại chính là Mariko, chị gái của bà Machiko. Chị em nữ họa sĩ gắn bó khăng khít với nhau, không chỉ sống cùng mà cả hai còn đồng sáng lập Shimaisha, công ty xuất bản đã in hơn 20 triệu bản truyện tranh bìa mềm các sáng tác của Machiko. Tuy nhiên, công ty đã đóng cửa vào năm 1993, một năm sau khi họa sĩ Machiko qua đời ở tuổi 72 vì suy tim.

Phim Ma-Ne Chan chiếu trên đài NHK.
Phim Ma-Ne Chan chiếu trên đài NHK. Ảnh: ameblo.jp

Hai tháng sau khi từ giã cõi đời, bà đã được truy tặng Giải thưởng People's Honour Award được trao tặng bởi Thủ tướng Nhật Bản. Trước đó, bà cũng trở thành nữ họa sĩ truyện tranh đầu tiên được trao tặng Huân chương Danh dự với Ruy băng tím vào năm 1982.

Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko.
Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko. Ảnh: isahomes.co.jp
Bên trong Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko.
Bên trong Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko. Ảnh: isahomes.co.jpt

Trong tâm khảm của người dân Kyushu, họ nhớ về Hasegawa Machiko như một nữ họa sĩ truyện tranh tiên phong. Và với người dân xứ anh đào, buổi tối Chủ nhật có lẽ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng đi những tập phim hoạt hình Sazae-san vui nhộn. Tính đến tháng 11/2021, đã có 8.333 tập anime Sazae-san được phát sóng.

Bên trong Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko.
Bên trong Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko. Ảnh: isahomes.co.jpt

Để tưởng niệm những cống hiến của nữ tác giả, Bảo tàng nghệ thuật Hasegawa Machiko đã được xây dựng tại quận Setagaya, Tokyo. Đây là nơi người hâm mộ có thể tìm hiểu sâu hơn về con đường hoạt động nghệ thuật của bà qua việc chiêm ngưỡng các bản vẽ gốc, búp bê đất sét, tranh vẽ cũng như bộ sưu tập nghệ thuật của nữ họa sĩ cùng chị gái Mariko.