eMagazine
0%

Ngày nay, giới trẻ khi lướt Tik Tok sẽ bắt gặp giai điệu quen thuộc của Mayonaka no Door/Stay with me, một ca khúc của nữ nghệ sĩ Miki Matsubara, hay nhiều năm về trước, Plastic Love của Mariya Takeuchi cũng trở thành một hiện tượng trên Youtube và Reddit. Hai bài hát tưởng chừng bị lãng quên khi phát hành từ hơn 30 năm về trước lại bỗng chốc thịnh hành trong thời đại công nghệ “bùng nổ” của thế kỷ 21. Và người trẻ giờ đây lại tìm về những điều xưa cũ của thế kỷ trước, đắm chìm trong thế giới âm nhạc đầy mê hoặc mang tên City Pop.

City Pop là gì?

City Pop (シティーポップ, shitii poppu) là một nhánh của dòng nhạc pop Nhật Bản ra đời vào cuối thập niên 70. Ban đầu City Pop được xem là một thể loại nhạc mới chịu ảnh hưởng từ phương Tây, đặc biệt là thể loại soft rock của Mỹ, nhưng sau đó được pha trộn với nhiều thể loại khác như synth pop, R&B, funk, disco và boogie...

Còn Yutaka Kimura – tác giả của nhiều cuốn sách về City Pop, định nghĩa nó “là âm nhạc do người thành thị làm ra và dành cho người thành thị, không bị giới hạn trong một phong cách hay thể loại cụ thể nào".

Ảnh: Web Japan

Sự ra đời của City Pop

Hậu chiến tranh, nước Nhật bước vào thời kỳ “phép màu kinh tế”, cuốn người dân vào cơn lốc tiêu dùng, hưởng thụ những thứ xa hoa lộng lẫy đến từ phương Tây.

Vào cuối những năm 60 cho đến hết thập niên 70, khởi đầu từ nước Mỹ, văn hóa Disco xâm chiếm đời sống tinh thần của con người như một cách để thoát khỏi các vấn đề kinh tế và xã hội đang gia tăng như chiến tranh, bê bối chính trị, bạo lực băng đảng, thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm tăng cao.

Lúc đó tại xứ sở hoa anh đào, sự phục hồi và phát triển thần kỳ của nền kinh tế đã kéo ngành công nghiệp giải trí phát triển bùng nổ để phục vụ nhu cầu của người dân. Những hộp đêm, quán bar “mọc lên như nấm”, mọi người say sưa tận hưởng cuộc sống về đêm với những điệu nhảy say mê cùng tiếng nhạc sôi động.

Và City Pop với âm hưởng hiện đại, phóng khoáng đã ra đời để đáp lại nhu cầu của thị trường âm nhạc lúc ấy. Nó được phát trên các chương trình radio, hay trong club để mọi người cùng lắc lư và chìm đắm.

Ảnh: JC Histoty Tuition

Nói về nguồn gốc của thể loại này, Yutaka Kimura cho rằng ban nhạc Happy End chính là "xuất phát điểm". Nhóm nhạc rock dân gian đã kết hợp âm nhạc Nhật và Mỹ để viết nên những ca từ về đời sống đô thị của một thời đại đã qua, với giai điệu du dương và man mác hoài niệm.

Còn theo Mikey I.Q. Jones của tạp chí Fact Mag, ban nhạc Tin Pan Alley do Haruomi Hosono thành lập vào giữa thập niên 70 có phong cách âm nhạc kết hợp của R&B miền Nam, soul miền Bắc và jazz fusion cùng giai điệu nhiệt đới của vùng Hawaii, Okinawa đã dẫn đến sự khai sinh của thể loại gọi là City Pop.

Tin Pan Alley
Tin Pan Alley. Ảnh: insheepsclothinghifi.com

Nguồn gốc thực sự của nó vẫn ẩn chứa nhiều tranh cãi, nhưng có một điều không thể phủ nhận là thể loại nhạc này đã ra đời vào thập niên 70, gắn liền với thời kỳ bùng nổ các công nghệ giải trí tại Nhật, mà theo Blistein nhận xét là “nhạc cụ điện tử cho phép nhạc sĩ thể hiện những âm thanh trong đầu họ ra ngoài đời thực", và “máy nghe nhạc giúp người hâm mộ sao chép, lưu giữ các album”. Ở đây, chúng ám chỉ chiếc máy nghe nhạc Walkman, máy nghe cát-xét tích hợp trong ô tô, đài FM cũng như nhiều loại nhạc cụ điện tử.

Xu hướng âm nhạc mới cuối thể kỷ 20

Làn gió City Pop thể hiện sự thay đổi của thời đại, của lối sống thành thị kiểu mới. Dòng nhạc này xóa bỏ những gì cũ kỹ, bảo thủ trong văn hóa Nhật Bản truyền thống và thể hiện sự hội nhập, giao thoa nghệ thuật Đông - Tây.

Vào những năm 70, City Pop không phải là một thể loại âm nhạc chính trong ngành công nghiệp giải trí xứ Phù Tang. Tuy nhiên sự sáng tạo trong âm thanh, giai điệu cùng tiết tấu được “Tây hóa”, lời ca giàu chất thơ, cởi mở đậm chất thành thị đã tạo nên sự khác biệt với âm nhạc đại chúng đương thời. Vì lẽ đó, City Pop được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng.

Một tác phẩm của họa sĩ Hiroshi Nagai, người nổi tiếng với việc thiết kế bìa cho các album City Pop vào những năm 80
Một tác phẩm của họa sĩ Hiroshi Nagai, người nổi tiếng với việc thiết kế bìa cho các album City Pop vào những năm 80.

Đến thập niên 80, City Pop là thứ âm nhạc đại diện cho lối sống hưởng thụ tại xứ anh đào; là xu hướng âm nhạc được nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất theo đuổi, đem đến một thời hoàng kim với những ca khúc kinh điển gắn với một đoạn quá khứ huy hoàng của nước Nhật.

Một tác phẩm của họa sĩ Hiroshi Nagai, người nổi tiếng với việc thiết kế bìa cho các album City Pop vào những năm 80
Một tác phẩm của họa sĩ Hiroshi Nagai, người nổi tiếng với việc thiết kế bìa cho các album City Pop vào những năm 80.

Những cái tên tạo nên thời kỳ hoàng kim của City Pop

Các nghệ sĩ thành danh với dòng nhạc này có thể kể đến như Tatsuro Yamashita, Eiichi Ohtaki, Taeko Ohnuki, Yoshitaka Minami, Yumi Matsutoya, Mariya Takeuchi, Miki Matsubara, Akira Terao... Họ có điểm chung là đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ âm nhạc phương Tây và không ngừng tạo ra sự đột phá từ nhạc pop nguyên bản của Nhật.

Thời kỳ hoàng kim của City Pop bắt đầu với đĩa đơn Ride on Time của Tatsuro Yamashita, cũng từ đây ông được xướng danh là “vị vua” của dòng nhạc mới này. Yamashita nổi danh với các album chất lượng, được đầu tư tỉ mỉ, chỉn chu, kết hợp giữa nhạc pop thịnh hành vào thập niên 70 của Mỹ và kiểu hát Enka truyền thống của dân tộc, mà điển hình là nghệ sĩ Haruo Minami.

Mariya Takeuchi và Tatsuro Yamashita
Mariya Takeuchi và Tatsuro Yamashita. Ảnh: City Pop Radio

Sát cánh bên “nhà vua” là “hoàng hậu” Mariya Takeuchi, người bạn đời và cũng là hậu bối của Tatsuro Yamashita. Takeuchi được biết đến là tượng đài của dòng nhạc City Pop, nổi tiếng cùng bản tình ca bất hủ Plastic Love. Cô góp mặt trong danh sách những nghệ sĩ có số lượng album bán chạy nhất tại Nhật Bản với hơn 16 triệu bản.

Mariya Takeuchi và Tatsuro Yamashita
Mariya Takeuchi và Tatsuro Yamashita. Ảnh: City Pop Radio
Miki Matsubara – chủ nhân ca khúc Mayonaka no Door/Stay with Me
Miki Matsubara – chủ nhân ca khúc Mayonaka no Door/Stay with Me.

Yamashita và Takeuchi đã cùng nhau thống trị âm nhạc Nhật Bản thập niên 70 - 80 với những ca khúc City Pop gây nghiện. Cặp đôi quyền lực được ví như Beyonce và Jay-Z của J-pop.

Nhắc đến Mariya Takeuchi, cũng không thể quên Miki Matsubara - nữ ca sĩ biểu tượng của dòng nhạc City Pop. Matsubara là một nữ danh ca xinh đẹp, tài năng; cô theo đuổi sự nghiệp ca hát từ năm 17 tuổi và sớm thành danh cùng bài hát Mayonaka no Door/Stay with Me và sau này trở thành một huyền thoại trong làng nhạc xứ Nhật.

Miki Matsubara – chủ nhân ca khúc Mayonaka no Door/Stay with Me
Miki Matsubara – chủ nhân ca khúc Mayonaka no Door/Stay with Me.

Ngoài ra thời ấy còn có những cái tên “làm mưa làm gió” trên bảng xếp hạng đất nước mặt trời mọc là Hiroaki Igarashi với bản hit Pegasus no asa hay Yoshitaka Minami với Slow na Boogie ni Shitekure (I want you). Và Akira Terao với ca khúc kinh điển Ruby No Yubiwa đạt doanh số hơn 1,6 triệu bản đã chinh phục trái tim người nghe nhiều thế hệ.

Những nghệ sĩ trên đã góp phần tạo nên sự thịnh hành của City Pop, mang đến những trải nghiệm âm nhạc mới theo kịp xu hướng của thời đại nhưng vẫn gìn giữ được “cái hồn” của văn hóa Nhật.

Đĩa đơn Pegasus no asa của Hiroaki Igarashi và Ruby No Yubiwa của Akira Terao
Đĩa đơn Pegasus no asa của Hiroaki Igarashi và Ruby No Yubiwa của Akira Terao.

Sự thăng trầm của một dòng nhạc

Dù có hơn một thập kỷ rực rỡ, City Pop cũng không thể tránh khỏi quy luật của cuộc sống. Nếu thập niên 80 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thể loại nhạc này thì từ những năm 1990 trở đi, City Pop bước vào giai đoạn lụi tàn.

Nước Nhật rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán sụp đổ và lối sống hưởng thụ gắn với City Pop theo đó cũng đi đến hồi kết. Bên cạnh đó, thời điểm này, thị hiếu của công chúng cũng có sự dịch chuyển, mà theo như cây bút và nhà sản xuất Yosuke Kitazawa mô tả là “nhiều người Nhật xem City Pop là loại nhạc sến sẩm, đại trà”. Cùng với sự phát triển của rock, pop cùng xu hướng thần tượng, các ban nhạc với phong cách khác biệt đã khiến City Pop “thất sủng” tại thị trường âm nhạc Nhật Bản.

Hồi sinh và xâm chiếm thế giới

Tưởng chừng sẽ chìm vào lãng quên nhưng City Pop lại tái sinh một cách thần kỳ vào thập niên 2010 với sự “trợ giúp” của các ứng dụng mạng xã hội như YouTube và sau đó là TikTok. Lần trỗi dậy này đã đánh dấu sự xâm chiếm toàn cầu của một dòng nhạc tưởng như “đã chết”.

Nếu thập niên 70-80 là giai đoạn bùng nổ nhưng người nghe chủ yếu chỉ giới hạn tại Nhật thì khi hồi sinh, City Pop lại trở nên nổi tiếng ở các nước phương Tây.

Plastic Love – ca khúc mang City Pop trở lại
Plastic Love – ca khúc mang City Pop trở lại.
Plastic Love – ca khúc mang City Pop trở lại
Plastic Love – ca khúc mang City Pop trở lại.

Thể loại nhạc Lofi thịnh hành trên YouTube vào nửa sau của thập kỷ 2010 đã giúp tạo nên sự hồi sinh của City Pop qua thuật toán đề xuất, hướng người dùng đến những ca khúc có giai điệu tương tự. Trong đó, “phát súng” đầu tiên đến từ Plastic Love của Mariya Takeuchi. Một tài khoản ẩn danh đã tải tác phẩm này lên YouTube vào năm 2017 và thu hút hơn 40 triệu lượt xem (hiện đã bị gỡ do vấn đề bản quyền). Cũng từ đây, cư dân mạng quốc tế bắt đầu khám phá kho tàng bị lãng quên City Pop, họ đăng tải những playlist dài bất tận về thể loại nhạc Nhật xưa cũ này lên Youtube.

Đến thập niên 2020, với sự “gây bão” của TikTok, giới trẻ thế giới lại phát cuồng với bản hit Mayonaka no Door/Stay With Me của Miki Matsubara. Một ca khúc phát hành từ năm 1980 nay lại được yêu thích trở lại sau hơn 40 năm, đánh dấu cho sự hồi sinh mạnh mẽ của City Pop trong đời sống thế hệ Gen Z.

Hiện nay, người trẻ khắp thế giới đã lập nên những ban nhạc như Lucky Tapes, Awesome City Club... hay các nghệ sĩ cover, sáng tác và theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng pha trộn City Pop. Thể loại nhạc này cũng trở thành tiêu chuẩn tạo ra làn sóng mới với âm nhạc thử nghiệm vaporwave và future funk.

Tại Việt Nam, City Pop cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một số nghệ sĩ trẻ sáng tác nên những ca khúc mang giai điệu hoài cổ, phảng phất “màu” đêm đô thị. Album CITOPIA phát hành năm 2022 của nữ ca sĩ Phùng Khánh Linh với sự kết hợp của giai điệu City Pop và thời trang Y2K đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Tờ báo nổi tiếng The Japan Times nhận xét:

“Đối với tất cả tín đồ yêu mến văn hóa cũng như những giai điệu hoài niệm, CITOPIA thực sự là một là một tác phẩm đào sâu về ý tưởng chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm tái tạo lại một xu hướng âm nhạc."

CITOPIA của Phùng Khánh Linh
CITOPIA của Phùng Khánh Linh. Ảnh: ELLE

Từng là một thể loại nhạc độc nhất của Nhật Bản, giờ đây City Pop đã “tái sinh” và trở thành điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau trong thế kỷ 21, trở thành nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ, nhà sáng tạo trên toàn thế giới.