eMagazine
0%

Từ một Geisha tài sắc đến tình nhân của vị thủ tướng quyền lực, sau cùng trở thành ni cô ở tuổi xế chiều, cuộc đời nàng Okoi tựa như một cuốn phim truyện phản ánh những biến động của thời cuộc.

Tuổi thơ cơ cực Tuổi thơ cơ cực

Okoi (9/12/1880 - 14/08/1948) tên thật là Ando Teruko (安藤照子), sinh ra vào năm Minh Trị thứ 13, trong một gia đình buôn bán đồ sơn mài ở Yotsuya Mitsuke, Tokyo. Teruko có một thời thơ ấu không mấy êm đềm khi bố mẹ cô đến với nhau vì tình yêu mà không được ủng hộ, họ phải sống trong cảnh cơ cực và bị gia đình ruồng bỏ. Năm Teruko lên 6, gia cảnh sa sút, cha mẹ không còn cách nào khác đành cho cô làm con nuôi gia đình Ando, chủ một trà quán ở Shinjuku.

Okoi tên thật là Ando Teruko.
Okoi tên thật là Ando Teruko. Ảnh: Wikipedia

Đổi sang họ Ando, Teruko bắt đầu học việc như một hangyoku (半玉, tương tự maiko) với một Geisha nổi tiếng có mối liên hệ mật thiết với trà quán. Cô bộc lộ tài năng đầy hứa hẹn trong ca hát, nhảy múa và các bộ môn nghệ thuật khác từ rất sớm.

Bất hạnh thay, gia đình cha mẹ nuôi rồi cũng lâm vào cảnh khốn cùng, năm 14 tuổi, Teruko đành phải trở thành Geisha ở Shinbashi và bước chân vào thế giới “hoa liễu” (花柳/karyuu, ám chỉ chốn lầu xanh). Từ đây, cuộc đời Ando Teruko đã hoàn toàn rẽ sang một hướng khác.

Những cuộc tình đi qua đời Những cuộc tình đi qua đời

Ando Teruko làm nghề dưới cái tên “Okoi” (お鯉) – có nghĩa là “cá chép”, một biểu tượng của may mắn và thịnh vượng đối với người Nhật. Nhờ được đào tạo bài bản từ nhỏ, nàng nhanh chóng trở thành một trong những Geisha nổi tiếng nhất Tokyo lúc bấy giờ. Thậm chí, những bức chân dung của Okoi được người ta sưu tầm chẳng khác nào áp phích của các ngôi sao điện ảnh.

Okoi là một trong những Geisha nổi tiếng ở Tokyo thời Minh Trị.
Okoi là một trong những Geisha nổi tiếng ở Tokyo thời Minh Trị.
Ảnh: easthall.blog.jp

Danh tiếng cùng môi trường làm việc đặc thù khiến nàng Geisha tài sắc có cơ hội tiếp xúc với những người đàn ông đủ mọi giai tầng, vài người trong số họ đã đi qua đời cô và để lại những cuộc tình dang dở.

Người chồng đầu tiên – diễn viên Kabuki Ichimura Uzaemon XV

Một thời gian sau khi làm việc ở Shinbashi, Okoi kết hôn với Ichimura Uzaemon XV, diễn viên Kabuki điển trai và nổi tiếng thời bấy giờ. Sự kết đôi của họ nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ Ichimura vì trước đó nam diễn viên đã bị một Geisha nổi tiếng khác công khai bỏ rơi.

Diễn viên Kabuki Ichimura Uzaemon XV, người chồng đầu tiên của Okoi.
Diễn viên Kabuki Ichimura Uzaemon XV, người chồng đầu tiên của Okoi. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS, kabuki21.com

Sau khi kết hôn, Okoi rời bỏ thế giới Geisha để chuyên tâm trở thành người phụ nữ của gia đình. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của cặp đôi chỉ kéo dài hai năm. Trong thời gian đó, cô phải chịu đựng cảnh chồng mình thường xuyên vắng nhà, gia đình nợ nần chồng chất và một bà mẹ chồng “đáng sợ”. Cuối cùng, cả hai quyết định li hôn để theo đuổi những con đường riêng.

Hai võ sĩ Sumo tranh giành

Trở lại với nghề Geisha, Okoi thu hút sự chú ý của hai nhà vô địch Sumo, những người thuộc tầng lớp nổi tiếng ở Nhật Bản vào thời kì đầu hiện đại, bên cạnh Geisha và các diễn viên Kabuki.

Võ sĩ Sumo Hitachiyama, một trong những người si mê nàng Geisha Okoi.
Võ sĩ Sumo Hitachiyama, một trong những người si mê nàng Geisha Okoi. Ảnh: tokyo-np.co.jp

Các võ sĩ Araiwa và Hitachiyama đã tranh giành Okoi theo đúng nghĩa đen khi tổ chức một trận thư hùng vì mĩ nhân. Kết quả, Araiwa giành chiến thắng. Ban đầu, Okoi cũng nghĩ về việc trở thành người yêu của anh nhưng Araiwa lại muốn cả hai kết hôn. Đáng tiếc, sau những gì trải qua với người chồng đầu tiên, nàng Geisha đã không còn hứng thú với hôn nhân.

Võ sĩ Sumo Hitachiyama, một trong những người si mê nàng Geisha Okoi.
Võ sĩ Sumo Hitachiyama, một trong những người si mê nàng Geisha Okoi. Ảnh: tokyo-np.co.jp

Người tình Thủ tướng Katsura Taro

Katsura Taro (4/1/1848-10/10/1913) là một chính khách, tướng lĩnh Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Ông được biết đến là thủ tướng tại nhiệm lâu thứ hai trong lịch sử nước Nhật (chỉ sau Thủ tướng Abe Shinzo) với ba nhiệm kì không liên tục (1901-1906, 1908-1911, 1912-1913).

Vào khoảng cuối thế kỉ 19, với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất cho Chiến tranh Nga-Nhật, Katsura vô cùng mệt mỏi và kiệt sức. Chính vì vậy, các đồng sự đã giới thiệu Okoi để giúp ông giải khuây.

Cuộc gặp gỡ định mệnh của cả hai diễn ra tại một buổi tiệc ở Shinbashi. Người ta nói rằng, Katsura phải lòng Okoi khi cô thẳng thắn bày tỏ với ông: “Đừng đùa giỡn với tôi. Tội sẽ hận người nếu người không chăm sóc tôi mãi mãi”.

Okoi ở tuổi 24 trở thành tình nhân của Katsura Taro, khi ấy đã gần 60 tuổi. Khi trở thành thủ tướng vào năm 1901, Katsura thậm chí đã đưa Okoi đến nơi ở chính thức của mình và dành riêng cho nàng Geisha yêu dấu một căn phòng. Thời kì đó, không ai là không biết đến cái tên “Katsura no Okoi-san - Nàng Okoi của Katsura”. Okoi được cho là rất hòa thuận với người vợ thường xuyên đau ốm của Thủ tướng Katsura Taro và thay bà chăm sóc cho ông.

Thủ tướng Katsura Taro, người đàn ông để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong đời Okoi.
Thủ tướng Katsura Taro, người đàn ông để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong đời Okoi. Ảnh: Wikipedia

Năm 1905, Hòa ước Portsmouth được kí kết, Chiến tranh Nga-Nhật kết thúc với lợi thế nghiêng về phía Nhật Bản khi nước này xác lập được vị thế của một cường quốc đồng thời kiềm chế sự bành trướng về phía đông của Đế quốc Nga.

Tuy nhiên, kết quả trên không hoàn toàn làm hài lòng công chúng Nhật Bản vì cuộc chiến đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và con người nhưng nước Nhật không thu được một khoản bồi thường chiến phí nào. Một cuộc biểu tình thể hiện sự căm phẫn với nội các của dân chúng đã xảy ra tại công viên Hibiya, trung tâm Tokyo và trở thành cuộc bạo động lớn kéo dài suốt một tháng.

Trong cơn thịnh nộ đó, nổi lên những lời đe dọa giết chết Okoi bởi mối quan hệ của nàng Geisha với đương kim Thủ tướng vốn không phải điều bí mật và người ta tin rằng, cô đã can thiệp đến các quyết định của Katsura, phá hoại nỗ lực của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản.

Năm 1906, Katsura Taro từ chức thủ tướng và nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc ông chấm dứt mối quan hệ với Okoi. Tuy nhiên, cặp đôi vẫn tiếp tục gặp nhau bí mật trong suốt những lần Katsura được tái bổ nhiệm sau đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1913.

Đoạn cuối cuộc đời Đoạn cuối cuộc đời

Sau cái chết của Thủ tướng Katsura Taro, Okoi nuôi dạy hai con riêng ngoài giá thú của người tình đồng thời điều hành quán Cafe National sang trọng ở Ginza cho đến khi nó bị phá hủy trong trận đại thảm họa động đất Kanto 1923.

Đến lúc này, Geisha gần như đã hết thời ở Nhật Bản và tên tuổi Okoi theo đó chìm vào quên lãng. Nàng Geisha nổi danh một thời cố gắng bám trụ với nghề cho đến năm 1934, khi cô bị truy tố và kết tội khai man trong vụ việc “Sự cố Teijin” (một vụ bê bối thao túng cổ phiếu).

Những năm cuối đời của nàng Geisha Okoi nổi danh một thời.
Những năm cuối đời của nàng Geisha Okoi nổi danh một thời. Ảnh: Wikipedia

Cuối cùng, cô trở thành ni cô tại chùa Gohyaku Rakan-ji ở Meguro (Tokyo) với pháp danh là Myosho cho đến khi qua đời vào tháng 8 năm 1948. Để tưởng nhớ Okoi, bạn bè đã dựng một bức tượng Kannon (tượng Quan Âm), gọi là “Okoi Kannon” trong khuôn viên chùa Gohyaku Rakan-ji.