eMagazine
0%
Trong tiếng gió rì rào qua rừng trúc cổ, người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về những trận chiến giữa các chiến binh quả cảm và lũ yêu quái đáng sợ. Trong số đó, cái tên Minamoto no Raikou vang vọng với những truyền tích diệt yêu quái thần kỳ. Bị tấn công bởi một con nhện khổng lồ như cỗ xe hay chém đầu đại yêu ăn thịt người trên núi, đó chỉ là hai trong số ít những câu chuyện về hành trình diệt quỷ của ông.

Nhân vật huyền thoại có thật trong lịch sử

Minamoto no Raikou tên thật là Minamoto no Yorimitsu (源 頼光 - Nguyên Lại Quang), sống vào thời Heian (794 - 1185). Lúc bấy giờ, gia tộc Minamoto là một trong những dòng họ quyền thế nhất Nhật Bản. Là tầng lớp quý tộc có huyết thống với Thiên hoàng, Raikou sớm được học võ nghệ, binh pháp và trở thành một chiến binh phục vụ cho hoàng gia.

Với trí tuệ và tài binh lược của mình, Minamoto no Raikou sớm lập được nhiều chiến công, nổi tiếng trong số đó là chiến tích dẹp tan nhóm cướp khét tiếng tại vùng núi Oeyama. Cùng với danh tiếng của dòng họ Minamoto, ông nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng trong quân đội hoàng gia. Chính từ đây, hình tượng vị võ tướng diệt yêu trừ ma dần hình thành và được truyền tụng trong những câu chuyện dân gian Nhật Bản.

Minamoto no Yorimitsu.
Ảnh: Wikimedia

Diệt trừ Quỷ vương Shuten Doji

Trong số các truyền thuyết lẫy lừng của Minamoto no Raikou, nổi bật nhất là trận chiến với Shuten Doji (酒呑童子 - Tửu Thôn Đồng Tử), một con quỷ khét tiếng sống trên núi Oeyama. Hắn được cho là con của một phụ nữ người phàm và rắn thần 8 đầu Yamata no Orochi - quái vật thượng cổ của Nhật Bản.

Shuten Douji trong tranh Ukiyo-e thời Edo.
Shuten Douji trong tranh Ukiyo-e thời Edo. Ảnh: ukiyo-e.org

Vốn tàn bạo và khát máu, Shuten Doji dẫn đầu một bầy quỷ thường xuyên bắt cóc dân lành, gieo rắc kinh hoàng khắp vùng. Nghe được tiếng than khóc của dân chúng, Thiên hoàng đã lệnh cho Raikou đến núi Oeyama để diệt trừ Quỷ vương và bè lũ yêu tinh.

Với sự giúp đỡ từ các vị thần, cùng với lòng dũng cảm và tài mưu lược, Minamoto no Raikou cùng thuộc hạ đã cải trang thành các nhà sư hành hương, mang theo rượu sake có độc và tiến thẳng vào sào huyệt của Shuten Doji. Với tài ăn nói của mình, Raikou khiến lũ quỷ buông lỏng cảnh giác và chuốc say chúng với rượu độc. Khi đám quỷ mất sức kháng cự, Raikou và binh đoàn của mình đã vung kiếm tấn công. Trận chiến khốc liệt kết thúc bằng cái đầu lìa khỏi cổ của Shuten Doji, giải thoát vùng đất khỏi ách quỷ dữ.

Một đoạn trong cuộn tranh emaki thời Edo kể về cuộc chinh phạt Shuten Doji, Kano Takanobu (1571-1618).
Một đoạn trong cuộn tranh emaki thời Edo kể về cuộc chinh phạt Shuten Doji, Kano Takanobu (1571-1618). Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á

Thanh kiếm mà Minamoto no Raikou dùng để diệt trừ Shuten Douji được gọi là Doujigiri (童子切) - nghĩa đen là “kiếm đã chém quỷ Douji”), được mệnh danh là "yokozuna của tất cả các loại kiếm Nhật Bản". Doujigiri là một trong những thanh katana có lưỡi kiếm được rèn gần như hoàn hảo và chất lượng vẫn còn được bảo quản tốt cho đến ngày nay. Thanh kiếm này nằm trong nhóm năm thanh kiếm vĩ đại nhất Nhật Bản (Tenka Goken) và là một trong những quốc bảo được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Thanh kiếm Doujigiri, bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, được rèn bởi Hoki-no-Kuni Yasutsuna vào thời Heian.
Thanh kiếm Doujigiri, bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, được rèn bởi Hoki-no-Kuni Yasutsuna vào thời Heian. Ảnh: Wikimedia

Thanh trừng Quỷ nhện Tsuchigumo

Một huyền thoại khác gắn liền với Minamoto no Raikou là trận chiến với Tsuchigumo, yêu quái nhện khổng lồ sống sâu dưới lòng đất trong truyền thuyết Nhật Bản. Tương truyền rằng khi Raikou mắc bệnh khiến cơ thể yếu dần, tinh thần suy kiệt, ông mơ thấy một bóng đen bí ẩn tiến gần lại giường bệnh và hút dần sinh khí của mình. Linh cảm có điều bất thường, Raikou rút kiếm chém vào bóng đen, khiến nó bị thương và bỏ chạy.

Minamoto no Raikou vung thanh kiếm Hizamaru vào yêu quái, Kuniyoshi Utagawa (1798–1861).
Minamoto no Raikou vung thanh kiếm Hizamaru vào yêu quái, Kuniyoshi Utagawa (1798–1861). Ảnh: Wikimedia

Lần theo vết máu của bóng đen, Raikou cùng các thuộc hạ tìm thấy một hang động sâu. Tiến vào bên trong, họ thấy một con nhện khổng lồ, cơ thể phủ một lớp lông dày và nanh rỉ đầy nọc độc. Một trận chiến nảy lửa diễn ra, con nhện yêu Tsuchigumo phóng độc và giăng tơ bủa vây binh đoàn. Một thuộc hạ trong nhóm Tứ Thiên Vương trung thành của Raikou - Watanabe no Tsuna đã tung đòn chí mạng, lao đến chặt đầu quái vật và dập tắt tai họa cho vùng này.

Minamoto no Yorimitsu và thuộc hạ diệt trừ yêu quái Tsuchigumo, Ichijusai Yoshikazu, 1858.
Minamoto no Yorimitsu và thuộc hạ diệt trừ yêu quái Tsuchigumo, Ichijusai Yoshikazu, 1858. Ảnh: The Art of Japan

Tứ Thiên Vương: Sát Quỷ Đoàn thời Heian

Góp phần làm nên chiến công của Minamoto no Raikou không thể không kể đến bốn thuộc hạ được mệnh danh là Tứ Thiên Vương (Shitenno - 四天王) - bốn chiến binh samurai tinh anh, mỗi người một tài, luôn kề vai sát cánh bên ông trong những trận chiến.

Trong số đó, nổi bật nhất là Watanabe no Tsuna, người luôn dũng cảm xông pha trong những trận chiến quan trọng của Raikou. Samurai Watanabe đã lập nhiều chiến công như chém đứt cánh tay của yêu quái Ibaraki Douji tại cổng Rashomon hay nữ quỷ Hashihime cùng nhiều yêu quái khác. Vì vậy, ở Nhật Bản, những người mang họ Watanabe được cho là khắc tinh của quỷ dữ; các gia đình mang họ Watanabe được cho là không cần thực hiện nghi thức ném đậu đuổi tà vào ngày lễ Setsubun.

Watanabe no Tsuna chiến đấu với Ibaraki Douji ở Rashomon.
Watanabe no Tsuna chiến đấu với Ibaraki Douji ở Rashomon. Ảnh: Wikimedia

Nhân vật nổi tiếng thứ hai trong nhóm Tứ Thiên Vương là “cậu bé vàng” Kintaro (hay còn được biết đến với tên gọi Sakata no Kintoki), vị anh hùng bảo hộ cho những bé trai ở Nhật. Theo truyền thuyết, Kintaro là đứa trẻ có sức mạnh phi thường, lớn lên ở nơi hoang dã và được nuôi dưỡng bởi phù thủy núi Yama-uba.

Kintaro - người bảo hộ cho những bé trai ở Nhật - là một trong bốn thuộc hạ của Raikou.
Kintaro - người bảo hộ cho những bé trai ở Nhật - là một trong bốn thuộc hạ của Raikou. Ảnh: BM

Khi Minamoto no Raikou đi ngang qua ngọn núi Ashigara và nghe được danh tiếng của Kintaro, ông đã chiêu mộ cậu về quân đoàn của mình. Raikou đã đưa cậu về kinh đô, đào tạo thành một chiến binh và ban cho cậu cái tên Sakata no Kintoki. Từ đó, Kintaro trở thành cánh tay đắc lực phò trợ Raikou trong hành trình trừ ma diệt yêu.

Urabe no Suetake và Usui Sadamitsu tuy ít xuất hiện hơn trong các câu chuyện kể, nhưng họ đều giữ vai trò quan trọng trong các chiến tích lẫy lừng của Minamoto no Raikou, là những chiến binh quả cảm, trung thành, tận tụy và là hiện thân của chính nghĩa.

Minamoto no Yorimitsu tay cầm một chiếc quạt xếp cùng bốn cận thần (theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống: Usui Sadamitsu, Urabe Suetake, Watanabe no Tsuna và Sakata no Kintoki).
Minamoto no Yorimitsu tay cầm một chiếc quạt xếp cùng bốn cận thần (theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống: Usui Sadamitsu, Urabe Suetake, Watanabe no Tsuna và Sakata no Kintoki). Ảnh: Bảo tàng Anh Quốc

Hình tượng
“anh hùng diệt quỷ”
vang vọng đến ngày nay

Những câu chuyện huyền thoại về vị anh hùng Minamoto no Raikou đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Các trận chiến với quỷ dữ đã được tái hiện sinh động trên những bức tranh Ukiyo-e hay trên những cuộn tranh Emakimono; những chiến tích của ông cũng được dựng lại trong các vở kịch Noh hay Kabuki.

Tại thành phố Karatsu, tỉnh Saga, hàng năm người ta tổ chức lễ hội diễu hành Karatsu Kunchi với những chiếc kiệu Hikiyama khổng lồ được chế tác thủ công từ gỗ, sơn mài và vàng lá. Một trong số những chiếc kiệu mang hình dáng Quỷ vương Shuten Douji đang gặm chiếc mũ sắt Kabuto của Minamoto no Raikou.

Kiệu hikiyama hình chiếc mũ Kabuto của Minamoto no Raikou tại lễ hội Karatsu Kunchi.
Kiệu hikiyama hình chiếc mũ Kabuto của Minamoto no Raikou tại lễ hội Karatsu Kunchi. Ảnh: Wikimedia

Hình tượng Minamoto no Raikou cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn hóa đại chúng hiện đại như manga Cậu Ma Nhà Xí Hanako, hay các anime. Một số trò chơi điện tử như Âm Dương Sư, Fate/Grand Order hay Nioh 2 cũng có nhân vật và cốt truyện lấy cảm hứng từ Raikou và nhóm Tứ Thiên Vương, cho phép người chơi hóa thân và tìm hiểu câu chuyện về vị anh hùng diệt quỷ huyền thoại thời Heian.

Nhân vật Minamoto no Yorimitsu trong game Âm Dương Sư và Nioh 2. Nhân vật Minamoto no Yorimitsu trong game Âm Dương Sư và Nioh 2.
Nhân vật Minamoto no Yorimitsu trong game Âm Dương Sư và Nioh 2.