eMagazine

Vũ trụ truyện trinh thám Nhật có thể sẽ chẳng nở rộ và nổi danh khắp thế giới như hiện tại nếu thiếu vắng đi “ông tổ truyện trinh thám Nhật Bản” Edogawa Ranpo. Đến tận ngày nay, những tác phẩm của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến thể loại trinh thám, không chỉ giới hạn bên trong lãnh thổ nước Nhật. Nếu là người hâm mộ của loạt manga và anime đình đám “Thám tử lừng danh Conan”, có lẽ bạn đã biết rằng “Edogawa Conan” – tên gọi của nhân vật chính Kudo Shinichi sau khi bị teo nhỏ, được kết hợp từ tên của nhà văn Edogawa Ranpo và tác gia người Anh Arthur Conan Doyle.

Thử thách với nhiều nghề trước khi
trở thành nhà văn trinh thám

Edogawa Ranpo chụp vào năm 1912.
Edogawa Ranpo chụp vào năm 1912. Ảnh: @polipofawysu

Sinh ra tại Nabari, tỉnh Mie vào ngày 21/10/1894, Edogawa Ranpo (江戸川 乱歩) tên khai sinh là Hirai Tarou. Ông là con trai trong gia đình có cha là thương nhân, từng hành nghề luật sư, còn ông nội vốn là một chiến binh Samurai phục vụ ở miền Tsu. Lúc Ranpo được 2 tuổi, cả gia đình đã chuyển đến sống tại Nagoya, thủ phủ của tỉnh Aichi.

Edogawa Ranpo chụp vào năm 1912.
Edogawa Ranpo chụp vào năm 1912. Ảnh: @polipofawysu

Thuở nhỏ, Ranpo say mê các tác phẩm chuyển thể và bản dịch tóm tắt của những truyện trinh thám tiếng Anh có mặt tại Nhật Bản lúc bấy giờ. Vào năm 1912, ở tuổi 17, ông nhập học trường Khoa học chính trị và kinh tế thuộc Đại học Waseda, Tokyo. Trong thời gian còn là sinh viên, Ranpo dành hàng giờ liền chìm đắm trong các tác phẩm trinh thám của nhiều tác giả như Edgar Allan Poe, Arthur Conan Doyle và một số tên tuổi khác.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1916, với tấm bằng kinh tế trong tay, Ranpo đã kinh qua rất nhiều công việc khác nhau như biên tập báo, vẽ truyện tranh cho các tạp chí, thậm chí ông còn tự mở quầy mì Soba bên đường hay làm việc tại một hiệu sách cũ.

Bảy năm sau đó, vào năm 1923, ông đã “debut” với truyện trinh thám “二銭銅貨 – Ni-sen Douka”, tạm dịch “Đồng xu hai sen” và lấy bút danh là “Edogawa Ranpo”. Nếu đọc nhanh cái tên này, sẽ phát hiện nó khá giống với tên thần tượng Edgar Allan Poe của ông.

Bản thảo viết tay tác phẩm “Ni-sen Douka” tại Đại học Rikkyou.
Bản thảo viết tay tác phẩm “Ni-sen Douka” tại Đại học Rikkyou. Ảnh: Nippon

Tác phẩm đầu tay của Ranpo đã xuất hiện trên tạp chí nổi tiếng Shin Seinen dành cho độc giả vị thành niên. Trước đây, tạp chí thường chỉ ra mắt tác phẩm của nhiều cây bút phương Tây như Arthur Conan Doyle, nhưng đây là lần đầu tiên họ tạo bước đột phá khi xuất bản truyện trinh thám của một tác giả người Nhật. “Đồng xu hai sen” khiến nhiều nhà phê bình sửng sốt bởi lối xây dựng cốt truyện đầy logic để giải quyết những bí ẩn, với những tình tiết, bối cảnh đậm chất Nhật Bản. Cụ thể, truyện đề cập đến một đoạn mật mã liên quan đến Niệm Phật và chữ nổi Braille Nhật Bản (hay còn gọi là chữ Tenji).

Tài năng phát triển rực rỡ
trước Thế chiến thứ hai

Sau thành công với tác phẩm đầu tay, những năm tiếp theo, Ranpo tập trung viết nên loạt tác phẩm khai thác đề tài tội phạm và quá trình phá án. Trong số những tác phẩm ở thời kỳ này, rất nhiều câu chuyện trở thành tượng đài kinh điển của văn học Nhật đầu thế kỷ 20.

Ba tác phẩm quan trọng không thể bỏ qua chính là “D坂の殺人事件 – D-zaka no satsujin jiken” (tựa Anh: The Case of the Murder on D. Hill) ra mắt vào tháng 01/1925, kể về một người phụ nữ bị sát hại trong một vụ ngoại tình liên quan đến bạo dâm; tác phẩm “屋根裏の散歩者– Yane-ura no Sanposha”, (tựa Anh: The Stalker in the Attic) ra mắt vào tháng 08/1925, khai thác câu chuyện về một người đàn ông sống ở nhà trọ tại Tokyo đã ra tay sát hại người hàng xóm bằng cách đổ chất độc thông qua một cái lỗ trên tầng áp mái vào miệng nạn nhân.

Hay “人間椅子 – Ningen Isu” (tựa Anh: The Human Chair), xuất bản vào tháng 10/1925, kể về một người đàn ông trốn dưới ghế để cảm nhận sức nặng của những người khác đè lên mình cũng là một tác phẩm ghi dấu ấn.

Trong những tác phẩm đầu tay, Ranpo thường đề cập đến gương, thấu kính và nhiều thiết bị quang học khác, chẳng hạn như trong “The Hell of Mirrors”.

Tác phẩm “Yane-ura no Sanposha”.
Tác phẩm “Yane-ura no Sanposha”. Ảnh: meijimura.com

Tuy các tác phẩm đầu tay của ông chủ yếu liên quan đến điều tra và phá án ở những vụ án tưởng chừng rơi vào ngõ cụt, vào những năm 30 của thế kỷ 20, ông nhanh chóng chuyển sang các câu chuyện kết hợp với yếu tố nhạy cảm, được gọi là “エロ・グロ・ナンセンス – Ero guro nansensu”.

Tác phẩm “Yane-ura no Sanposha”.
Tác phẩm “Yane-ura no Sanposha”. Ảnh: meijimura.com

Đây là một trào lưu văn hóa phổ biến trong suốt thời Showa, được tạo nên từ 3 chữ cái tiếng Anh: erotic – khiêu dâm, grotesque – kỳ cục, và nonsense – phi lý. Chính yếu tố nhạy cảm này đã mang các câu chuyện của Ranpo đến gần hơn với độc giả và họ háo hức mong chờ được đọc các tác phẩm của ông. Góc nhìn khác biệt cùng tài năng đào sâu vào nội tâm con người mang đến cho ông lượng fan hùng hậu.

Tác phẩm “Ningen Isu”.
Tác phẩm “Ningen Isu”. Ảnh: yahoo.aleado.com

Giáo sư Ishikawa Takumi chuyên về văn học hiện đại và văn hóa của Đại học Rikkyou phân tích: “Trong 10 năm hoạt động hăng say trước Thế chiến thứ hai, tất cả những khía cạnh xuất sắc nhất trong năng lực văn chương của Ranpo trở nên vô cùng nổi bật.”

Tác phẩm “Ningen Isu”.
Tác phẩm “Ningen Isu”. Ảnh: yahoo.aleado.com

“Ranpo trở thành nhà văn khi chủ nghĩa Freud và nhiều lý thuyết phân tâm học xâm nhập vào Nhật. Chịu ảnh hưởng bởi ngành khoa học đào sâu nghiên cứu về tâm lý, Ranpo đã khai thác những mặt tối của con người, nỗi khao khát và sự sợ hãi để làm chất liệu sáng tác.

Đặc biệt, ông còn viết rất chính xác về thời gian và cách con người cảm thấy khó chịu lẫn kinh hãi. Nỗi sợ hấp dẫn nhất với ông luôn luôn xuất phát từ con người. Trong thế giới văn học của Ranpo, chẳng có quái vật như Frankenstein hay hiện tượng siêu nhiên như ma quái, mà đó là thế giới với điều đáng sợ nhất chính là con người”.

Edogawa Ranpo (thứ hai từ trái sang) năm 32 tuổi, chụp vào năm 1926.
Edogawa Ranpo (thứ hai từ trái sang) năm 32 tuổi, chụp vào năm 1926. Ảnh: @polipofawysu

Edogawa Ranpo tiếp tục ra mắt tác phẩm tiểu thuyết “孤島の鬼 – Kotou no oni”, (tựa Anh: The Demon of the Lonely Isle), được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Asahi từ tháng 01/1929 – tháng 02/1930, kể về chủ đề rất mới mẻ là sự say mê của một bác sĩ nam với một nhân vật nam khác.

Đến năm 1934, ông chinh phục fan hâm mộ với tác phẩm “黒蜥蜴 – Kuro Tokage”, đã được dịch sang tiếng Anh với tựa “The Black Lizard” bởi Ian Hughes. Sau đó, nó đã được chuyển thể thành một vở kịch sân khấu bởi Mishima Yukio và tồn tại đến tận ngày nay. Ở câu chuyện truy tìm kho báu này, thám tử Akechi Kogorou đã phải đối mặt với tên trộm chuyển giới mang biệt danh “Black Lizard”.

Tác phẩm “Kotou no oni”.
Tác phẩm “Kotou no oni”. Ảnh: amazon.com
Tác phẩm “Kuro Tokage”.
Tác phẩm “Kuro Tokage”. Ảnh: goodreads.com

Trong những năm 30, Ranpo thường xuyên viết cho nhiều tạp chí uy tín và nổi lên như một tên tuổi quan trọng của nền văn học trinh thám Nhật lúc bấy giờ.

Tác phẩm “Kuro Tokage”.
Tác phẩm “Kuro Tokage”. Ảnh: goodreads.com

Giáo sư Ishikawa Takumi phân tích: “Trong các tác phẩm của Ranpo, có khá nhiều nhân vật mang đặc điểm thể chất kỳ dị, nhưng tôi nghĩ rằng điều này xuất phát từ việc ông yêu thích miêu tả nội tâm khác biệt với đặc điểm ngoại hình của nhân vật, thay vì định kiến hay phân biệt đối xử”.

“Boy Detectives Club” – nguồn cảm hứng
cho “Thám tử lừng danh Conan”

Tác phẩm “Imomushi”.
Tác phẩm “Imomushi”. Ảnh: jp.mercari.com

Vào khoảng năm 1935, ý tưởng sáng tác truyện của Ranpo dần cạn kiệt và thực tế là ông đã ngừng hẳn việc viết tiểu thuyết. Tác phẩm “芋虫 – Imomushi – Sâu bướm” ra mắt vào năm 1929, kể về một người đàn ông mất cả tứ chi trong chiến tranh, đã bị cấm phát hành trong năm 1939 do kiểm duyệt thời chiến.

Tác phẩm “Imomushi”.
Tác phẩm “Imomushi”. Ảnh: jp.mercari.com

Lúc này, Ranpo tham gia viết các bài luận cho tờ tạp chí trực thuộc hải quân mà không cần qua khâu kiểm duyệt. Vào năm 1942, bài báo của Ranpo mang tên “江田島記 – Etajima Ki – Kí sự đảo Eta” đã gây chú ý khi kể về chuyến viếng thăm một học viện hải quân, trong đó có một cảnh gây xúc động khi những cậu trai với “đôi má hồng”, “đáng yêu” ôm chặt lấy đàn anh sắp tốt nghiệp trong nước mắt.

Giáo Ishikawa cho biết: “Ranpo có xu hướng thích cảm xúc lãng mạn nhẹ nhàng, nhạt nhòa giữa các chàng trai. Ông đã rất xúc động khi chứng kiến họ vào giờ phút ngắn ngủi trước lúc sinh tử, vì ngày mai họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào và dường như chính điều này đã giúp ông thoải mái thể hiện niềm yêu thích riêng của mình qua bài báo”.

Trước đó, vào năm 1936, Ranpo lấy lại phong độ khi ra mắt tiểu thuyết dài tập “怪人二十面相 – Kaijin nijuu mensou” (tựa Anh: Fiend with Twenty Faces) với sự xuất hiện của thám tử Akechi Kogorou, người từng xuất hiện trong tác phẩm The Black Lizard cùng nhân vật đồng hành Kobayashi Yoshio, và nhanh chóng trở nên được ưa chuộng. Truyện kể về cuộc chạm trán giữa thám tử Akechi Kogorou với tên tội phạm khét tiếng mang biệt danh “Quái vật 20 khuôn mặt”, một người đàn ông có khả năng cải trang đáng kinh ngạc và làm nhiều nghề trong xã hội. Sau này, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Tác phẩm “Kaijin ni-juu mensou”.
Tác phẩm “Kaijin ni-juu mensou”. Ảnh: meijimura.com

Sau Thế chiến hai, Ranpo đã ra mắt hàng loạt tiểu thuyết dành cho độc giả trẻ với nhân vật chính là thám tử Akechi Kogorou và Kobayashi Yoshio. Họ trở thành người đứng đầu của một nhóm các thám tử trẻ tuổi gọi là “少年探偵団 - Shounen tantei dan - Boy Dectectives Club”.

Tác phẩm “Kaijin ni-juu mensou”.
Tác phẩm “Kaijin ni-juu mensou”. Ảnh: meijimura.com
Tác phẩm “Shounen tantei dan” (bên trái) được dịch sang tiếng Anh với tựa “Boy Dectectives Club” bởi Gavin Frew.
Tác phẩm “Shounen tantei dan” (bên trái) được dịch sang tiếng Anh với tựa “Boy Dectectives Club” bởi Gavin Frew. Ảnh: Nippon
“Thám tử lừng danh Conan” tập 98.
“Thám tử lừng danh Conan” tập 98. Ảnh: NXB Kim Đồng

“Boy Dectectives Club” cũng như thám tử Akechi Kogorou đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho manga đình đám “Thám tử lừng danh Conan”, nơi nhân vật chính của chúng ta sống tại nhà của thám tử Mouri Kogoro và là một thành viên của “Đội thám tử nhí”. Tác phẩm này của Ranpo có sức hút vượt thời gian và hiện nay vẫn được nhiều độc giả trẻ Nhật Bản tìm đọc.

“Thám tử lừng danh Conan” tập 98.
“Thám tử lừng danh Conan” tập 98. Ảnh: NXB Kim Đồng

Vào thời hậu chiến, Ranpo tiếp tục ra mắt tác phẩm nhiều tập “青銅の魔人 – Seidou no Majin” (tựa Anh: Bronze Devil) từ năm 1949 đến năm 1962. Cùng với đó, nhiều loại hình chuyển thể khác của tác phẩm cũng được ra mắt như radio, phim truyền hình, phim điện ảnh.

Cống hiến hết mình cho
nền văn học trinh thám Nhật Bản

Theo giáo sư Ishikawa, Ranpo đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho thể loại trinh thám vào thời hậu chiến của xứ sở Phù Tang, thậm chí là sau khi ông đã ngừng việc viết tiểu thuyết.

Theo đó, Ranpo dành toàn bộ năng lượng để truyền bá, khuyến khích ra mắt các tiểu thuyết trinh thám mới. Vào năm 1946, ông góp sức để cho ra đời tạp chí dành riêng cho truyện trinh thám mang tên “宝石 – Houseki”. Đây được xem là đóng góp quan trọng nhất của Ranpo trong việc phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng trẻ thông qua việc biên tập lại tác phẩm của họ để đăng lên tạp chí.

Bìa tạp chí Houseki.
Bìa tạp chí Houseki. Ảnh: aucview.aucfan.com

Ngôi nhà của ông tại Ikebukuro, Tokyo may mắn thay vẫn sống sót dù trải qua mưa bom bão đạn, nên nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập của ông trở thành nguồn tư liệu quý giá sau chiến tranh. Nhiều tác giả thời bấy giờ đã đến nhà ông để mượn sách và thảo luận về chúng. Điều này đã dẫn đến việc ông thành lập nên Câu lạc bộ Nhà văn trinh thám vào năm 1947. Hội này sau đó được chuyển thành Hội nhà văn trinh thám Nhật Bản vào năm 1963. Không dừng lại ở đó, ông cũng đã viết một số lượng lớn bài báo về lịch sử tiểu thuyết trinh thám của Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ.

Bộ sưu tập sách của Edogawa Ranpo.
Bộ sưu tập sách của Edogawa Ranpo. Ảnh: Nippon

Vào những năm 50 của thế kỷ 20, các tác phẩm của Ranpo đã được chính ông và một dịch giả đa ngôn ngữ hợp tác trong 5 năm để chuyển ngữ sang tiếng Anh, chẳng hạn như cuốn “Japanese Tales of Mystery and Imagination” được xuất bản bởi Tuttle. Điều thú vị là dịch giả này có thể nói nhưng không đọc được tiếng Nhật, còn Ranpo thì có thể đọc nhưng không thể viết được tiếng Anh. Theo đó, bản dịch được thực hiện bằng cách ghi âm, Ranpo đọc lớn từng câu trong tác phẩm gốc của mình và sau đó kiểm tra lại bản dịch tiếng Anh của dịch giả.

Edogawa Ranpo ở tuổi 63, chụp vào năm 1957.
Edogawa Ranpo ở tuổi 63, chụp vào năm 1957. Ảnh: @polipofawysu

Ngoài công trình dịch các tác phẩm của mình sang tiếng Anh, trong suốt cuối những năm 40 và 50, ông đặc biệt quan tâm đến công trình nghiên cứu về đồng tính luyến ái tại Nhật của người bạn thân - nhà nhân chủng học Junichi Iwata.

Trước đó, vào những năm 30, cả hai đã có cuộc cạnh tranh “nhẹ nhàng” để xem ai có thể tìm ra nhiều sách nhất về tình cảm giữa những người đàn ông. Ranpo chuyên tâm tìm kiếm những cuốn sách xuất bản ở phương Tây, ngược lại, Iwata tìm kiếm sách tại Nhật. Đến năm 1945, người bạn thân Iwata qua đời khi chỉ xuất bản được một phần công trình của mình, do vậy, Ranpo đã tiếp tục hoàn thành phần việc dở dang của người bạn chí cốt, để xuất bản phần còn lại về lịch sử đồng tính.

Trở thành nguồn cảm hứng
cho các nhà làm nghệ thuật

Nhà văn Edogawa Ranpo để lại di sản văn học trinh thám đồ sộ cho thế hệ sau.
Nhà văn Edogawa Ranpo để lại di sản văn học trinh thám đồ sộ cho thế hệ sau. Ảnh: news-postseven.com

Sau Thế chiến hai, một số lượng lớn sách của Ranpo đã được chuyển thể thành phim. Sau khi nhà văn đại tài qua đời, các tác phẩm của ông vẫn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao được nhiều nhà làm phim khai thác. Mang nhiều căn bệnh như chứng xơ vữa động mạch, bệnh Parkinson, Ranpo đã qua đời vì xuất huyết não tại nhà riêng vào ngày 28/07/1965, hưởng thọ 70 tuổi, trong niềm tiếc thương khôn nguôi của người hâm mộ.

Nhà văn Edogawa Ranpo để lại di sản văn học trinh thám đồ sộ cho thế hệ sau.
Nhà văn Edogawa Ranpo để lại di sản văn học trinh thám đồ sộ cho thế hệ sau. Ảnh: news-postseven.com

Hiện tại, Đại học Rikkyou, Tokyo đang quản lý dinh thự cũ của nhà văn và biến nơi đây trở thành Trung tâm tưởng nhớ Edogawa Ranpo, là nơi nghiên cứu chuyên sâu về bậc thầy trinh thám.

Đặc biệt, được đặt theo tên của nhà văn, giải thưởng văn học danh giá Edogawa Ranpo được trao hằng năm bởi Hiệp hội nhà văn trinh thám Nhật Bản đã được thành lập vào năm 1955. Đây là giải thưởng dành cho những tác phẩm trinh thám chưa xuất bản, được tài trợ bởi công ty xuất bản Kodansha và nhà đài Fuji. Tác phẩm chiến thắng được chọn ra từ hơn 300 tác phẩm dự thi, sẽ được xuất bản bởi Kodansha, kèm theo phần thưởng hấp dẫn lên tới 10 triệu yên.