eMagazine
Búp bê Kokeshi.
Búp bê Kokeshi. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Từ món đồ chơi trẻ em làm từ gỗ thừa vào thời Edo, Kokeshi dần trở thành quà lưu niệm nổi tiếng ở các thị trấn suối nước nóng của vùng Tohoku (phía Bắc Nhật Bản). Không chỉ đơn giản là búp bê dành cho thiếu nhi, Kokeshi còn là bùa may mắn cho mùa vụ bội thu, giúp xua đuổi tà ma và ngăn ngừa hỏa hoạn. Với dáng vẻ không tay không chân kỳ lạ, Kokeshi còn trở thành nguồn cảm hứng cho các câu chuyện bí ẩn, phim ảnh chủ đề sinh tồn hay trò chơi điện tử.

Búp bê Kokeshi.
Búp bê Kokeshi. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Kokeshi là gì?

Búp bê Kokeshi không tay, không chân.
Búp bê Kokeshi không tay, không chân. Ảnh: Wikipedia

Kokeshi (こけし) là búp bê dân gian bằng gỗ với thiết kế đặc trưng không tay chân, ra đời cách đây hơn 150 năm ở vùng Tohoku, nơi nổi tiếng với nhiều khu nghỉ mát suối nước nóng (Onsen).

Búp bê Kokeshi không tay, không chân.
Búp bê Kokeshi không tay, không chân. Ảnh: Wikipedia

Những chú búp bê Kokeshi truyền thống sở hữu hình dáng đơn giản - thân hình trụ và đầu tròn với khuôn mặt thanh tao, nhã nhặn. Phần thân của chúng thường được tô vẽ với hình hoa lá, đường sọc, vòng tròn bằng gam màu đen và đỏ đặc trưng, đôi khi là xanh lá, xanh da trời, tím hoặc vàng, sau cùng là phủ một lớp sáp bên ngoài.

Từ những năm 50, các nghệ nhân làm Kokeshi thường để lại chữ ký của mình ở chân búp bê hoặc thỉnh thoảng là phía sau lưng. Nếu có dịp ghé thăm vùng Tohoku, bạn sẽ bắt gặp búp bê Kokeshi xuất hiện ở khắp mọi nơi và đây cũng là món quà lưu niệm nổi tiếng của vùng.

Những bí ẩn xoay quanh Kokeshi

Búp bê Kokeshi khổng lồ ở chùa Kiyomizu, Kyoto.
Búp bê Kokeshi khổng lồ ở chùa Kiyomizu, Kyoto. Ảnh: tokyoartbeat.com

Nguồn gốc của tên gọi Kokeshi vẫn còn là dấu chấm hỏi khi chữ Kanji của từ này có khá nhiều cách ghi như 小芥子, 木牌子, 木形子 và 木芥子. Trong đó, từ “小芥子” hoặc “木芥子” dường như hợp lý hơn cả bởi “芥子 – Keshi” là viết tắt của "芥子人形 – Keshi-ningyo” (tên gọi loại búp bê bằng đất nung nhỏ ở vùng Sendai), và Kokeshi được làm từ gỗ (木 – Mộc), cũng có kích thước nhỏ (小 – Tiểu).

Búp bê Kokeshi khổng lồ ở chùa Kiyomizu, Kyoto.
Búp bê Kokeshi khổng lồ ở chùa Kiyomizu, Kyoto. Ảnh: tokyoartbeat.com

Tên của búp bê viết theo chữ Hiragana là “こけし” được đồng thuận sử dụng rộng rãi tại Đại hội Kokeshi toàn quốc diễn ra ở Onsen Naruko vào tháng 08/1939.

Giả thuyết nổi tiếng nhất về những chú búp bê không tay chân này là Kokeshi có thể là vật thế thân cho trẻ theo tục giết trẻ sơ sinh. Lúc này, chữ Kanji của Kokeshi là “子消し” trong đó, “子 – Ko – Tử” là trẻ em và “消し – Keshi” mang nghĩa “xóa bỏ, dập tắt”.

Kokeshi được xem như bùa bình an dành cho trẻ em.
Kokeshi được xem như bùa bình an dành cho trẻ em. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Việc bỏ mặc trẻ sơ sinh đến chết đã từng phổ biến tại Nhật mãi đến thế kỷ 20, tuy nhiên, có rất ít bằng chứng củng cố cho giả thuyết rằng Kokeshi có liên quan đến hủ tục này.

Kokeshi được xem như bùa bình an dành cho trẻ em.
Kokeshi được xem như bùa bình an dành cho trẻ em. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Ban đầu, Kokeshi mang ý nghĩa như lời chúc sức khỏe cho trẻ em và cũng được xem là một loại bùa may mắn giúp ngăn ngừa hỏa hoạn hoặc thậm chí là xua đuổi ma quỷ. Bởi tên loại gỗ Mizuki (水木 – Thủy Mộc) dùng làm phần đầu của búp bê có nghĩa đen là “cây nước”, đây là một loại gỗ ẩm nên nhiều người Nhật tin rằng giữ một Kokeshi trong nhà sẽ giúp ngăn hỏa hoạn xảy đến.

Từ truyền thống đến đổi mới

Được sản xuất tại các thị trấn Onsen ở vùng Tohoku vào cuối thời Edo (1603 – 1868), Kokeshi ra đời khi các nghệ nhân làm bát và khay gỗ bắt đầu sử dụng gỗ thừa để làm đồ chơi trẻ em. Búp bê Kokeshi đầu tiên được làm ra bởi một người thợ mộc tại Shinchi Shuraku, gần Onsen Togatta ở Zao, tỉnh Miyagi.

Kokeshi khổng lồ trên đường phố ở suối nước nóng Naruko.
Kokeshi khổng lồ trên đường phố ở suối nước nóng Naruko. Ảnh: Nippon
Nghệ nhân chạm khắc Kokeshi tại xưởng Sakurai Kokeshi.
Nghệ nhân chạm khắc Kokeshi tại xưởng Sakurai Kokeshi. Ảnh: Nippon

Ban đầu, Kokeshi khá nhỏ để tiện cho trẻ em cầm chơi, nhưng kể từ khi được bán làm quà lưu niệm cho khách du lịch tại một suối nước nóng chữa bệnh thì bỗng chốc chúng lại trở nên phổ biến. Từ đó, các thị trấn suối nước nóng cũng bắt đầu sản xuất Kokeshi với đa dạng kích thước, hình dáng và tô điểm cho chúng thêm đặc biệt.

Nghệ nhân chạm khắc Kokeshi tại xưởng Sakurai Kokeshi.
Nghệ nhân chạm khắc Kokeshi tại xưởng Sakurai Kokeshi. Ảnh: Nippon

Trước độ nổi tiếng của Kokeshi, vào đầu thời Showa (1926 – 1989), cuốn tạp chí đầu tiên về búp bê truyền thống này đã được xuất bản. Lúc này, Kokeshi được công nhận là một loại hình thủ công truyền thống, cũng vừa là tác phẩm nghệ thuật. Tạp chí nhận được làn sóng yêu thích mạnh mẽ trong công chúng.

Lễ hội Kokeshi toàn quốc tại suối nước nóng Naruko.
Lễ hội Kokeshi toàn quốc tại suối nước nóng Naruko. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Đặc biệt, kể từ năm 1948, tại Onsen Naruko – vùng sản xuất Kokeshi nổi tiếng ở tỉnh Miyagi và được mệnh danh là “thị trấn Kokeshi”, Lễ hội Kokeshi Naruko (鳴子こけし祭り) đã được tổ chức, về sau đổi tên thành “Lễ hội Kokeshi toàn quốc” (全国こけし祭り).

Lễ hội Kokeshi toàn quốc tại suối nước nóng Naruko.
Lễ hội Kokeshi toàn quốc tại suối nước nóng Naruko. Ảnh: kokeshimatsuri.com

Hàng năm trong 3 ngày từ ngày 01/09 – 03/09, những người yêu thích Kokeshi sẽ được trải nghiệm nhiều sự kiện thú vị như lễ tưởng niệm, lễ diễu hành hoành tráng, hoạt động triển lãm, bày bán Kokeshi truyền thống từ khắp mọi miền hay tự tay hoàn thành một chú búp bê cho riêng mình.

Vào cuối những năm 60, Kokeshi đón nhận làn sóng bùng nổ tiếp theo khi kinh tế Nhật phát triển thịnh vượng, lúc này mọi người đổ ùn về các khu Onsen ở Tohoku và rời đi với quà lưu niệm là những chú búp bê.

Kokeshi máy bay.
Kokeshi máy bay. Ảnh: Nippon

Ngày nay, Kokeshi tiếp tục nhận được làn sóng yêu thích mới chủ yếu đến từ các phụ nữ trẻ. Những “こけし女子 – Kokeshi Joshi” (cô gái Kokeshi, biệt danh của họ), dành tình yêu cuồng nhiệt cho loại búp bê gỗ này và say mê sưu tầm chúng. Trong đó, kiểu búp bê Kokeshi mới nhất và phổ biến hơn cả sở hữu kiểu tóc bob giống như Kappa, ngoài ra, Kokeshi mang hình dáng động vật hoặc nhân vật anime cũng rất được ưa chuộng.

Kokeshi máy bay.
Kokeshi máy bay. Ảnh: Nippon

Nổi bật hơn cả trong vũ trụ Kokeshi hiện nay là máy bay Kokeshi, phiên bản búp bê ra đời vào năm 2015. Được miêu tả là mang vẻ đẹp Kimokawaii (vừa dễ thương vừa gây khó chịu), máy bay Kokeshi đã được công nhận chính thức bởi Sở Du lịch tỉnh Miyagi và từng nhiều lần xuất hiện trên các poster quảng bá hãng máy bay nội địa.

Du khách nước ngoài, đặc biệt là châu Âu cũng góp phần tạo nên sự nổi tiếng của Kokeshi bên ngoài nước Nhật. Tại phương Tây, ngày càng nhiều người đánh giá cao đường nét đơn giản và họa tiết kiểu Nhật của chúng.

Thế giới Kokeshi với 12 kiểu đặc trưng

Búp bê Kokeshi Naruko Onsen nổi bật với họa tiết hoa cúc.
Búp bê Kokeshi Naruko Onsen nổi bật với họa tiết hoa cúc. Ảnh: Nippon

Vào cuối thời Edo, suối nước nóng ở vùng Tohoku được các nông dân ưa chuộng. Họ ghé thăm nơi đây vào mùa vắng khách để thư giãn sau vụ mùa bận rộn. Hiểu được nhu cầu của những vị khách này, các nghệ nhân sản xuất Kokeshi đã sơn thêm màu cho Kokeshi vốn chỉ làm bằng gỗ mộc. Đỏ được sử dụng làm màu chủ đạo bởi niềm tin màu đỏ mang sức mạnh xua đuổi tà ma, chống lại bệnh đậu mùa và các bệnh phổ biến lúc bấy giờ.

Búp bê Kokeshi Naruko Onsen nổi bật với họa tiết hoa cúc.
Búp bê Kokeshi Naruko Onsen nổi bật với họa tiết hoa cúc. Ảnh: Nippon

Cùng với sự hồi phục thể chất nhờ nguồn nước nóng tại Onsen trị liệu, các nông dân đã mang Kokeshi tại những nơi này về làng mình và xem chúng như bùa may mắn cho một vụ mùa bội thu. Kokeshi được tặng cho trẻ em như những món đồ chơi mang theo bên mình với hy vọng trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh.

Kokeshi được sản xuất khắp vùng Tohoku, trong đó ba vùng chủ lực là Naruko, Togatta ở tỉnh Miyagi và Tsuchiyu ở tỉnh Fukushima. Búp bê truyền thống này được chia thành từ 10 đến 12 loại khác nhau theo hình dáng, cách trang trí, kỹ thuật sản xuất. Nghệ thuật truyền thống này được gìn giữ qua nhiều thế hệ ở từng khu vực. Dưới đây là 12 kiểu búp bê Kokeshi điển hình:

Kiểu Tsugaru, tỉnh Aomori

1/ Kiểu Tsugaru, tỉnh Aomori

Búp bê Kokeshi Tsugaru được sản xuất chủ yếu ở Onsen Nuruyu và Owani tại quận Tsugaru, tỉnh Aomori. Cả đầu và phần thân của búp bê được chạm khắc từ cùng một miếng gỗ. Chúng nổi bật với mái tóc ngắn, eo thon thả, phần chân hơi loe ra giống một chiếc đầm. Các hình vẽ trên búp bê thường là Daruma và hoa mẫu đơn – loại hoa trên gia huy của gia tộc Tsugaru.

Kiểu Nanbu, tỉnh Iwate
Kiểu Nanbu, tỉnh Iwate

2/ Kiểu Nanbu, tỉnh Iwate

Ở kiểu Nanbu, đầu và thân Kokeshi được nối với nhau bằng một khớp lỏng, tạo ra âm thanh lốc cốc khi búp bê di chuyển. Ban đầu, các nghệ nhân không sơn màu để làm nổi bật những thớ gỗ, nhưng sau đó chịu ảnh hưởng của kiểu Naruko và Togatta nên chúng cũng được vẽ thêm màu. Loại này được sản xuất chủ yếu ở thành phố Hanamaki và Moroka ở tỉnh Iwate.

Kiểu Kijiyama, tỉnh Akita

3/ Kiểu Kijiyama, tỉnh Akita

Được làm từ duy nhất một thanh gỗ, Kokeshi kiểu Kijiyama sở hữu đầu nhỏ, mặt hơi dài với mái tóc ngắn và thường được vẽ thêm chiếc ruy băng đỏ ở trên đỉnh đầu. Điểm nổi bật là phần thân được vẽ hình bộ Kimono sọc, đôi khi, chúng cũng được tô điểm bằng họa tiết hoa cúc hoặc hoa mận.

Kiểu Naruko, tỉnh Miyagi

4/ Kiểu Naruko, tỉnh Miyagi

Phần đầu của Kokeshi ở kiểu Naruko được gắn vào thân bằng chốt gỗ và khi xoay, nó tạo nên tiếng cót két vui tai. Phần thân cong nhẹ được trang trí với hoa cúc rực rỡ hoặc lá đỏ Momiji giúp làm nổi bật thêm biểu cảm dễ thương trên gương mặt búp bê.

Kiểu Sakunami, tỉnh Miyagi

5/ Kiểu Sakunami, tỉnh Miyagi

Kokeshi kiểu Sakunami được giữ nguyên chức năng ban đầu của búp bê - một món đồ chơi dễ cầm cho trẻ em với phần thân được gắn vào đế và có thể xoay. Ở giữa thân, búp bê được trang trí với họa tiết hoa cúc cánh dài và mỏng. Hiện nay, chỉ còn duy nhất một nhà sản xuất vẫn tiếp tục làm ra loại búp bê này, chính là cửa hàng Hiraga Kokeshi.

Kiểu Togatta, tỉnh Miyagi

6/ Kiểu Togatta, tỉnh Miyagi

Ở kiểu Kokeshi này, phần đầu có kích thước tương đối lớn so với phần thân và gây ấn tượng với hình vẽ đồng tâm tỏa ra từ đỉnh đầu. Kokeshi Togatta được trang trí bắt mắt với họa tiết hoa cúc, hoa mận hoặc hoa anh đào. Thêm vào đó, đôi mắt hình lưỡi liềm hoặc hình quả hạnh nhân cũng mang đến nụ cười nhẹ nhàng cho búp bê.

Kiểu Yajiro, tỉnh Miyagi

7/ Kiểu Yajiro, tỉnh Miyagi

Phần đầu của Kokeshi kiểu Yajiro lớn hơn một chút so với phần thân và các nét vẽ tròn bao quanh đầu trông giống như chiếc mũ nồi. Phần thân cong nhẹ cùng các nét vẽ lớn làm viền cổ và chân của bộ Kimono là những đặc trưng riêng của kiểu búp bê Yajiro.

Kiểu Hijiori, tỉnh Yamagata

8/ Kiểu Hijiori, tỉnh Yamagata

Bên cạnh ảnh hưởng từ phong cách Naruko và Togatta, Kokeshi kiểu Hijiori được biết đến với đôi mắt hình lưỡi liềm tạo nên nét mặt hiền từ. Vai của búp bê vuông vắn và phần thân được sơn màu vàng mang họa tiết hoa cúc. Đối với một số búp bê Hijiori có kích thước lớn, phần đầu của chúng thường chứa những hạt đậu đỏ bên trong để tạo nên tiếng lách cách vui tai.

Kiểu Yamagata, tỉnh Yamagata

9/ Kiểu Yamagata, tỉnh Yamagata

Được làm ra bởi những nghệ nhân đã qua quá trình đào tạo ở Sakunami, Kokeshi Yamagata được sản xuất ở trung tâm thành phố Yamagata thay vì tại thị trấn suối nước nóng như các Kokeshi khác. Với chiếc đầu không quá lớn và phần thân nhỏ nhắn, chúng thường được vẽ hình hoa mận, hoa anh đào hay hoa cúc, đôi khi là nghệ tây – loài hoa đại diện cho tỉnh Yamagata.

Kiểu Zao Takayu

10/ Kiểu Zao Takayu

Được phát triển từ kiểu Togatta, búp bê Kokeshi Zao Takayu sản xuất ở một số thành phố như Yamagata, Yonezawa và Tendo tại tỉnh Yamagata, bên cạnh Onsen Zao. Phần thân của búp bê dày dặn, hơi thon vào ở phần dưới và được trang trí bằng họa tiết hoa cúc hoặc hoa anh đào, hoa mẫu đơn xếp chồng lên nhau. Mái tóc của búp bê được tô điểm bằng cài tóc Tegara.

Kiểu Tsuchiyu, tỉnh Fukushima
Kiểu Tsuchiyu, tỉnh Fukushima

11/ Kiểu Tsuchiyu, tỉnh Fukushima

Kokeshi Tsuchiyu có phần đầu nhỏ và phần thân mảnh mai. Phần tóc mái khác biệt với cài tóc Kase màu đỏ. Chiếc mũi thon và môi đỏ chúm chím tạo nên sức hút cho búp bê. Nét vẽ thanh mảnh, màu sắc tươi sáng và những đường lượn sóng trên thân là các nét đặc trưng của kiểu búp bê này.

Kiểu Nakanosawa, tỉnh Fukushima

12/ Kiểu Nakanosawa, tỉnh Fukushima

Được sản xuất tại Onsen Nakanosawa ở chân núi Bandai, búp bê Kokeshi kiểu này trông rất bắt mắt với đôi mắt to viền đỏ, mũi phình to và thân được trang trí hình hoa mẫu đơn, hoa anh đào. Mặc dù có biệt danh là Tako-bouzu với Bouzu có nghĩa là “con trai”, búp bê thực chất là nữ.

Cảm hứng cho văn hóa đại chúng

Thí sinh Ruri Saji mặc trang phục lấy cảm hứng từ Kokeshi.
Thí sinh Ruri Saji mặc trang phục lấy cảm hứng từ Kokeshi. Ảnh: nickverrreos.blogspot.com
4 con Kokeshi biết nói với tính cách quái đản trong As the Gods Will.
4 con Kokeshi biết nói với tính cách quái đản trong As the Gods Will. Ảnh: Evolution Guy

Nhiều khán giả nước ngoài không khỏi ấn tượng với hình ảnh Kokeshi xuất hiện khá rùng rợn trong bộ phim "Kamisama no iu toori" (神さまの言うとおり, 2014) hay được biết đến với tựa đề "As the Gods Will", một tượng đài của thể loại phim trò chơi sinh tồn ở Nhật Bản.

4 con Kokeshi biết nói với tính cách quái đản trong As the Gods Will.
4 con Kokeshi biết nói với tính cách quái đản trong As the Gods Will. Ảnh: Evolution Guy
Thí sinh Ruri Saji mặc trang phục lấy cảm hứng từ Kokeshi.
Thí sinh Ruri Saji mặc trang phục lấy cảm hứng từ Kokeshi. Ảnh: nickverrreos.blogspot.com

Đặc biệt, trong cuộc thi sắc đẹp “Miss Grand Japan” năm 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, thí sinh Ruri Saji của Nhật đã diện bộ trang phục lấy cảm hứng từ búp bê Kokeshi có thể biến hóa thành người máy, đã xuất sắc giành chiến thắng ở hạng mục “Best in National Costume”.

Thêm vào đó, Kokeshi còn trở thành nguồn cảm hứng cho thế giới game, điển hình như tạo hình của avatar nhà Nintendo, gọi là “Miis”, được tạo ra và tùy chỉnh theo ý muốn của người chơi. Hay trong loạt game PlayStation “LittleBigPlanet” nổi tiếng, một búp bê Kokeshi đã xuất hiện trong trò chơi và được sử dụng như một vật phẩm để thăng cấp.