eMagazine
0%

Benkei và Yoshitsune là hai trong số những anh hùng được yêu mến nhất của Nhật Bản. Cuộc đời của họ đã tạo ra vô số huyền thoại, truyền thuyết và nguồn cảm hứng cho các vở kịch Kabuki và Noh. Trong đó, Benkei – vị phụ tá của Yoshitsune đã trở thành một biểu tượng của sự trung thành với vị tướng của mình đến hơi thở cuối cùng.

Benkei là ai?

Saito Musashibo Benkei (1155–1189), thường được gọi là Benkei, là một tu sĩ chiến binh Phật giáo của Nhật Bản (Sohei - 僧兵) sống vào những năm cuối của Thời Heian (794–1185).

Ban đầu, Benkei đi theo con đường tu hành, trở thành nhà sư và tu khổ hạnh trên núi. Về sau, ông trở nên kính trọng và đi theo phục vụ chiến binh Minamoto no Yoshitsune (Ushiwakamaru).

Saito Musashibo Benkei
Saito Musashibo Benkei. Ảnh: Wikipedia

Những dị bản khác nhau về cuộc đời của Benkei

Mặc dù hầu hết những câu chuyện liên quan đến Benkei đều được phóng đại đến tầm thần thoại và truyền thuyết, nhưng chắc chắn ông là một con người có thật. Cùng điểm qua một số câu chuyện khác nhau về cuộc đời ông.

Benkei có gương mặt hung ác nên bị nhiều người xem là đứa con của quỷ
Benkei có gương mặt hung ác nên bị nhiều người xem là đứa con của quỷ. Ảnh: Science Source

Con của một vị thần

900 năm trước, ở Nhật Bản, con gái một người thợ rèn đã sinh ra một bé trai. Một số người cho rằng cha của cậu bé là một vị thần, nhưng hầu hết đều cho rằng cha cậu là một ác thần. Duy chỉ có một điều mọi người đều đồng ý rằng, đứa bé này khác với những đứa trẻ loài người. Cậu bé to lớn bất thường, sinh ra với mái tóc dài và hàm răng to sắc nhọn.

Cậu sở hữu sức mạnh ngang với 12 người đàn ông và phát triển nhanh hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Chẳng bao lâu mọi người bắt đầu gọi cậu là Oniwaka, có nghĩa là “đứa con của quỷ”.

Benkei có gương mặt hung ác nên bị nhiều người xem là đứa con của quỷ
Benkei có gương mặt hung ác nên bị nhiều người xem là đứa con của quỷ. Ảnh: Science Source

Khi còn nhỏ, Oniwaka luôn gây rối, đánh nhau với những đứa trẻ trong làng. Người mẹ của cậu sau những nỗ lực kiểm soát, đã bất lực và quyết định gửi cậu đến tu viện. Bà nghĩ, sống trong bầu không khí yên tĩnh ở đó sẽ giúp con trai bà thay đổi tâm tính.

Nhưng dù vậy, Oniwaka vẫn gặp rắc rối và bị đuổi từ tu viện này đến tu viện khác, từ chùa này sang chùa khác. Cuối cùng, khi được mười bảy tuổi, Oniwaka rời tu viện và trở thành Yamabushi - Ẩn sĩ khổ hạnh. Từ đó ông bắt đầu gọi mình là Saito Musashibo Benkei.

Đứa trẻ bị từ chối trong gia đình

Benkei là con trai của một linh mục Phật giáo tên là Bensho, Quản lý cấp cao của Đền Gongen ở Kumano, một ngôi đền nổi tiếng từ thời cổ đại, và mẹ ông là con gái của một quan chức Tòa án cấp cao.

Ngay từ khi chào đời, Benkei đã khác những đứa trẻ bình thường. Hầu hết trẻ em chào đời trong vòng mười tháng, nhưng Benkei đã bắt mẹ phải đợi cậu một năm sáu tháng. Khi mới sinh ra, cậu bé đã có răng và tóc mọc rậm rạp, khỏe mạnh và to lớn đến mức có thể đi lại giống như hầu hết những đứa trẻ hai hoặc ba tuổi.

Nhìn thấy cậu bé to lớn và khỏe mạnh lạ thường, cả nhà đều không khỏi kinh ngạc. Nhưng niềm vui chưa dứt thì mẹ cậu đã qua đời ngay sau khi sinh. Người cha rất tức giận về điều này và có ác cảm với đứa trẻ đã mang lại bất hạnh lớn lao cho ông. Ông thậm chí còn muốn bỏ rơi cậu bé hoàn toàn vì tin rằng, vì sự ra đời của Benkei đã phải trả giá bằng mạng sống của mẹ cậu, nên cậu sẽ là lời nguyền đối với gia đình.

Benkei
Ảnh: Fujiarts

Lúc này, dì của cậu bé nghe thấy điều này, thương hại đứa cháu trai bé nhỏ nên bà đến gặp Bensho và nói: “Nếu anh định đối xử tàn nhẫn với đứa trẻ đến mức bỏ rơi nó thì tôi sẽ nuôi nó như con đẻ của mình. Đứa bé không đáng phải chịu trách nhiệm về cái chết của mẹ mình. Đó là số phận!”.

Bensho đồng ý để bà đưa đứa trẻ đi, nói rằng ông không quan tâm đến chuyện gì xảy ra, miễn là không còn nhìn thấy Benkei. Vì vậy Benkei được dì nhận nuôi và đưa đến Kyoto

Benkei
Ảnh: Fujiarts

Đáp lại sự chăm sóc của dì, Benkei lớn lên trở thành một cậu bé ngoan ngoãn. Cậu cực kỳ khỏe mạnh, lúc năm hoặc sáu tuổi, cậu bé có kích thước và sức khỏe ngang bằng với những cậu bé mười hoặc mười hai tuổi, đồng thời sở hữu trí thông minh nổi trội. Trái ngược với tính cách, khuôn mặt của Benkei lại trông khá hung dữ đến nỗi dần dần có biệt danh là Oniwaka.

Vài năm sau, chú của Benkei nghĩ rằng đã đến lúc Benkei cần phải đến trường. Vì thế ông đã gửi Benkei đến tu viện Eizan và đặt cậu dưới sự giám hộ của nhà sư nổi tiếng. Ở Nhật Bản vào thời đó, mọi việc học tập đều nằm trong tay các tu sĩ, và các ngôi chùa là trường học duy nhất.

Khi Benkei đến chùa, cậu được dạy đọc và viết chữ Hán, vì lúc đầu cậu ngoan ngoãn, siêng năng và vâng lời mọi người nên cậu tiến bộ nhanh chóng, làm hài lòng giáo viên của mình. Nhưng sau một thời gian, cậu cảm thấy khó chịu trước sự hạn chế của môi trường xung quanh và bắt đầu gây rắc rối.

Về bản chất, cậu mạnh mẽ và to lớn hơn bất kỳ ai trong số những đứa trẻ trong chùa nên không ai có thể chống lại cậu. Trong mọi cuộc thi, Benkei luôn giành được chiến thắng, và điều này làm cậu phấn chấn đến mức không nghĩ gì khác ngoài thể thao, chiến thắng và hoàn toàn bỏ bê việc học.

Benkei và chiếc chuông lớn của Miidera
Benkei và chiếc chuông lớn của Miidera. Ảnh: fujiarts

Vị sư sau khi biết đến những hành động ngông cuồng của chàng trai trẻ đã coi chúng là một điều rất vô lễ, nên quyết định gọi Benkei đến để răn dạy. Ông nói rằng hành vi đó không chỉ khiến những người thân của cậu đau buồn mà còn mang lại ô nhục cho ngôi chùa.

Trong khi bị mắng, Benkei vẫn kính trọng lắng nghe, nhưng khi không có mặt vị thầy đáng kính, cậu sẽ lập tức trở nên hoang dã, nếu không muốn nói là hung hãn hơn bao giờ hết. Hành vi của cậu ngày càng tệ hơn, cho đến khi mọi người mất hết kiên nhẫn, họ không còn bao dung cho cậu nữa và quyết định cấm túc Benkei.

Hình phạt này khiến Benkei vô cùng phẫn nộ, và một đêm nọ, tranh thủ sự mất cảnh giác của những lính canh, cậu lặng lẽ lẻn ra ngoài và nhặt một khúc gỗ lớn bắt đầu phá hủy mọi thứ. Đầu tiên cậu đập vỡ cánh cổng, rồi hàng rào bao quanh chùa, sau đó đập vỡ cửa trượt bên trong. Gần như mọi thứ trong tầm tay đều bị Benkei phá hủy.

Các tu sĩ bị đánh thức khỏi giấc ngủ bởi tiếng động bất ngờ, tất cả đều sợ hãi đến mức không thể làm gì để ngăn chặn cơn thịnh nộ này. Khi làm những điều này thì Benkei biết rằng, chùa Eizan không còn là nơi dành cho cậu ấy nữa, vì vậy cậu ấy đã bỏ trốn khỏi nơi đó mãi mãi. Lúc này cậu mới mười bảy tuổi và tự gọi mình là Musashi Bo Benkei.

Benkei
Ảnh: Wikipedia

Sau khi rời khỏi chùa, Benkei trở thành một Yamabushi - thành viên của giáo phái khổ hạnh trên núi. Benkei thường được miêu tả là luôn đội một chiếc mũ đen đặc trưng của những người tu khổ hạnh.

Benkei
Ảnh: Wikipedia

Cuộc gặp gỡ tình cờ với Yoshitsune

Quá mệt mỏi với cuộc sống buồn tẻ của một tu sĩ, Benkei quyết định trở thành Samurai - trung thành với lãnh chúa và chiến đấu vì đất nước. Nhưng để làm được điều này, Benkei muốn tìm được một người đàn ông mạnh hơn mình và sẽ trở thành phụ tá của người đàn ông đó.

Việc này được thực hiện như thế nào? Cuối cùng anh chợt nảy ra một ý tưởng là chiến đấu với những Samurai khác. Để thực hiện kế hoạch của mình, hàng đêm anh đến cầu Gojo, và khi những người đàn ông đeo kiếm đi ngang qua, anh ta sẽ bất ngờ lao ra, tấn công, ai thua, Benkei sẽ giữ kiếm của họ.

Bằng cách này, Benki đã tấn công 999 người và lấy đi 999 thanh kiếm, mỗi lần anh đều hy vọng gặp được đối thủ xứng tấm nhưng không thể. Điều này đồng nghĩa với việc những thanh kiếm mà Benkei thu thập được đều là những vũ khí kém chất lượng. Trong cơn tuyệt vọng, anh quyết tâm kiếm thêm một thanh kiếm nữa và như vậy ít ra sẽ đạt được 1000 thanh kiếm.

Vào đêm đó, Benki đã gặp một chàng trai trẻ đang thổi sáo tại chùa Gojotenjin ở Kyoto. Người đàn ông có vẻ nhỏ con, đang đeo một thanh kiếm mạ vàng quanh eo. Thay vì đấu tay đôi tại chùa, cả hai đi bộ đến cầu Gojo để giao đấu.

Trận đấu giữa Benkei và Yoshitsune tại cầu Gojo
Trận đấu giữa Benkei và Yoshitsune tại cầu Gojo. Ảnh: Wikimedia

Thật bất ngờ, Benki đã phải thua trước đối thủ nhỏ hơn mình, và đó chính là Minamoto no Yoshitsune, con trai của Minamoto no Yoshitomo. Một số nguồn tin cho rằng cuộc chiến diễn ra không phải ở cầu Gojo mà thay vào đó là ở cầu Matsubara.

Từ đó trở đi, Benki trở thành thuộc hạ của Yoshitsune và chiến đấu cùng vị thủ lĩnh này trong Chiến tranh Genpei chống lại gia tộc Taira trong các trận chiến nổi tiếng Ichi-no-tani và Dan-no-Ura.

Benkei trang bị cho mình bảy loại vũ khí và đeo trên lưng. Ngoài thanh kiếm của mình, anh còn mang theo một chiếc rìu bản rộng (Masakari), một cái cào (Kumade), một cái liềm (Nagigama), một cái búa gỗ (Hizuchi), một cái cưa (Nokogiri), một cây gậy sắt (Tetsubo).

Lòng trung thành của Benkei

Sau những thành công vang dội của mình, Yoshitsune không những không được trọng dụng mà còn bị anh trai mình - Yoritomo ghen ghét, xem như một mối đe dọa.

Khi trại của Yoshitsune đang đóng quân bên cạnh sông Koromo, quân đội của Yoritomo từ Kamakura tụ tập với số lượng hàng ngàn người ở bờ đối diện, bắn hàng loạt mũi tên vào quân đội Yoshitsune. Lượng quân ít ỏi này không kịp trở tay, họ bối rối và tìm nơi trú ẩn trong các khu rừng, thung lũng lân cận hoặc ẩn mình trong núi.

Bức tượng miêu tả cảnh Benkei chắn mũi tên cho Yoshitsune
Bức tượng miêu tả cảnh Benkei chắn mũi tên cho Yoshitsune. Ảnh: toshidama

Nhưng Benkei không hề nao núng, vẫn đứng im đó chắn mũi tên cho Yoshitsune. Sau loạt tấn công, bên phía Yoritomo nhìn thấy Benkei đứng bất động với bảy vũ khí trên lưng, nắm chặt cây kích lớn của mình bằng cả hai tay. Tò mò trước cảnh tượng đó, họ tiến lại gần và nhìn thấy cảnh tượng bất ngờ khi mặc cho hàng chục mũi tên cắm trên người, Benkei vẫn đứng vững như một ngọn núi, đôi mắt mở to, nhìn trừng trừng về phía quân địch.

Bức tượng miêu tả cảnh Benkei chắn mũi tên cho Yoshitsune
Bức tượng miêu tả cảnh Benkei chắn mũi tên cho Yoshitsune. Ảnh: toshidama
Tượng Benkei
Tượng Benkei. Ảnh: Unseen Japan

Để tưởng nhớ cũng như gợi nhắc cho hậu thế về lòng trung thành của Benkei, người ta đã dựng một bức tượng có tên là Benkei-do, mô phỏng lại tư thế Benkei đứng khi qua đời tại Koromogawa. Nó được xây dựng vào thời Shotoku (1711–1716).

Tồn tại trong văn hóa đại chúng

Những câu chuyện về lòng trung thành và danh dự của Benkei đã khiến ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận của văn hóa dân gian Nhật Bản, đồng thời là chủ đề phổ biến cho văn học và giải trí.

Một vở kịch Kabuki khai thác sâu tâm lý của Benkei khi bảo vệ lãnh chúa của mình. Trong một vở kịch khác, Benkei phải giết chính đứa con của mình để cứu con gái của lãnh chúa.

Vở diễn Kanjincho (1920)
Vở diễn Kanjincho (1920). Ảnh: Flickr

Trong vở kịch Noh Ataka, Benkei phải đánh bại chính chủ nhân của mình để không bị lộ tẩy thân phận. Ataka sau đó được chuyển thể thành vở kịch Kabuki Kanjincho, vở kịch này đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng và được trình diễn rộng rãi nhất trong sân khấu Nhật Bản.

Ngoài ra, một bộ phim câm, đen trắng chuyển thể từ câu chuyện của Benkei, có tựa đề đơn giản là Benkei cũng được phát hành vào năm 1912.

Benkei và Yoshitsune là nhân vật chính của trò chơi điện tử Genji: Dawn of the Samurai năm 2005 và phần tiếp theo năm 2006 của nó, Genji: Days of the Blade.