eMagazine
0%

Vào những năm 1990, thị trường Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ của những chiếc xe hơi thể thao chạy bằng xăng mạnh mẽ và tốc độ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, những chiếc xe “made in Japan” còn thu hút được sự chú ý của giới mộ điệu toàn cầu, thậm chí có đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu Châu Âu đắt tiền hơn. Ngày nay, xe hơi thể thao Nhật Bản vẫn cực kỳ phổ biến và được đánh giá cao trong giới sưu tập.

Xe hơi thể thao nhật bản
trước thời kỳ hoàng kim

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp xe hơi ở đất nước mặt trời mọc bắt đầu “cất cánh”. Tuy nhiên, thành công ban đầu của các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản chỉ mang tính chất nội địa, vì sự khác biệt về ý tưởng phát triển so với phần còn lại của thế giới.

So với châu Âu và Mỹ, Nhật Bản “nhảy” vào lĩnh vực xe hơi thể thao muộn hơn đến 60 năm. Vào thời điểm người Nhật chỉ mới sản xuất những chiếc xe hơi hàng ngày, các nước phương Tây đã “trình làng” những cỗ máy trong mơ như Mercedes Benz 300SL, Jaguar E-Type và Chevrolet Corvette.

Phải đến năm 1963, Nhật Bản mới tung ra thị trường chiếc xe thể thao đầu tiên mang tên Honda S500 – mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành xe hơi Nhật Bản.

Honda S500 ra đời năm 1963, chiếc xe thể thao đầu tiên của Nhật Bản
Honda S500 ra đời năm 1963, chiếc xe thể thao đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia Commons

Thời hoàng kim của
xe hơi Nhật Bản

Trong gần 3 thập kỷ kể từ khi chiếc Honda S500 ra đời, các công ty Nhật Bản đã tung ra thị trường không ít mẫu xe hơi nổi bật với vẻ ngoài thể thao và khả năng tiết kiệm nhiên liệu tuyệt vời. Tuy nhiên, phải đến những năm 1980 và đầu những năm 1990, xe hơi thể thao Nhật Bản mới thực sự phát triển rực rỡ và khẳng định được mình.

Sự bùng nổ của xe thể thao tại thị trường Nhật Bản vào thập niên 90 liên quan đến Thỏa ước Plaza năm 1985, một hiệp định nhằm điều chỉnh thâm hụt thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ.

Thỏa ước Plaza ký ngày 22/9/1985 tại khách sạn Plaza, New York, Mỹ
Thỏa ước Plaza ký ngày 22/9/1985 tại khách sạn Plaza, New York, Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Thỏa ước Plaza đã gây ra sự tăng giá đột ngột của đồng yên so với đồng đô la. Điều này cùng với chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương đã mang đến nguồn lợi khổng lồ cho nhiều công ty tại đất nước mặt trời mọc. Nền kinh tế Nhật Bản lúc bấy giờ đã vượt qua cơn suy thoái tạm thời, trở nên vô cùng năng động và đạt đến đỉnh cao năm 1991.

Bong bóng kinh tế Nhật Bản kéo dài từ năm 1986 đến 1991
Bong bóng kinh tế Nhật Bản kéo dài từ năm 1986 đến 1991. Ảnh: scmp.com

Trong bối cảnh lịch sử đó, các nhà sản xuất xe hơi xứ Phù Tang đã sử dụng nguồn vốn dồi dào để phát triển nên những mẫu xe thể thao đầy mê hoặc, từ đó mở ra thời kỳ hoàng kim của xe hơi Nhật Bản. Các mẫu xe được bán ra thị trường thời kỳ đó được cho là sánh ngang với Porsche hay các loại xe thể thao cao cấp khác của Châu Âu trong khi lại có giá thành rẻ hơn.

Bong bóng kinh tế Nhật Bản kéo dài từ năm 1986 đến 1991
Bong bóng kinh tế Nhật Bản kéo dài từ năm 1986 đến 1991. Ảnh: scmp.com

Khi quy định về khí thải ngày càng khắt khe hơn theo năm tháng và các nỗ lực trung hòa carbon đang tiến triển nhanh chóng, xe hơi thể thao với động cơ công suất cao đang dần đi đến bờ vực tuyệt chủng. Chính vì vậy, những chiếc xe Nhật tuyệt vời của những năm 90 đã trở thành mục tiêu săn tìm của những nhà sưu tập, đặc biệt là ở Mỹ.

Xu hướng xe thể thao
do Nissan tiên phong

Dẫn đầu xu hướng xe thể thao tại Nhật hơn ba mươi năm trước là Nissan với “Hoạt động 901”, dự án nhằm đạt đến kỹ thuật sản xuất xe hơi tốt nhất thế giới. Vào tháng 5 năm 1988, Nissan đã cho ra mắt chiếc Silvia - được giới trẻ chào đón như “chiếc xe hẹn hò” tuyệt đỉnh và Cima - chiếc sedan sang trọng với động cơ công suất cao với khả năng tăng tốc sánh ngang với một chiếc xe hơi thể thao.

Sở hữu vẻ đẹp thanh lịch, Nissan Silvia được mệnh danh là “chiếc xe hẹn hò”
Sở hữu vẻ đẹp thanh lịch, Nissan Silvia được mệnh danh là “chiếc xe hẹn hò”. Ảnh: Nippon

Một năm sau, Fairlady Z ra đời. Đây là chiếc Nissan đầu tiên đạt được giới hạn 280 mã lực đã tồn tại rất lâu ở Nhật Bản. Hãng cũng cho ra mắt Skyline GT-R, được phát triển với mục đích giành chức vô địch ở hạng A giải đua xe du lịch toàn Nhật Bản. Là một mẫu xe hoàn toàn dành cho thị trường nội địa, nhưng Skyline GT-R đã nhận được sự chú ý lớn từ giới mộ điệu quốc tế. Tại Mỹ, con xe này được xem như một “quái vật” do Nhật Bản tạo ra và thậm chí còn có biệt danh là “Godzilla”.

Skyline GT-R ra đời vào tháng 8 năm 1989. Tính đến cuối năm 1994, hơn 40.000 chiếc đã được bán ra
Skyline GT-R ra đời vào tháng 8 năm 1989. Tính đến cuối năm 1994, hơn 40.000 chiếc đã được bán ra. Ảnh: Nippon

Với nền tảng do Nissan tạo ra, những năm 90, các công ty xe hơi khác bắt đầu nghiêm túc trong việc phát triển và kinh doanh xe thể thao. Thập kỷ đó chứng kiến ​​sự ra đời của một loạt mẫu xe rất được ưa chuộng, như Toyota Supra, Mazda RX-7, Honda NSX/Civic/Integra, Mitsubishi Lancer Evolution/GTO/FTO và Subaru Impreza.

Honda NSX (tên Acura NSX tại thị trường Mỹ) ra mắt vào tháng 9 năm 1990
Honda NSX (tên Acura NSX tại thị trường Mỹ) ra mắt vào tháng 9 năm 1990. Ảnh: Nippon

Đầu năm 1992, bong bóng kinh tế vỡ, những năm suy thoái sau đó được gọi là “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với thị trường xe hơi nội địa, đây lại có thể xem là “thập kỷ kỳ diệu” với sự phát triển phong phú của dòng xe thể thao.

Subaru Impreza ra mắt vào tháng 11 năm 1992
Subaru Impreza ra mắt vào tháng 11 năm 1992. Ảnh: Nippon

Những chiếc xe hơi thể thao ra đời trong những năm 90 liên tục được áp dụng công nghệ mới nhất và cải tiến đến chất lượng tối đa, mang đậm nét tinh tế và thẩm mỹ độc đáo của Nhật Bản, được phản ánh trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Xe hơi thể thao Nhật Bản
được yêu thích tại Mỹ

Sức ảnh hưởng của trò chơi điện tử lái xe mô phỏng Gran Turismo và loạt phim Fast & the Furious đã tạo nên cơn sốt về xe thể thao Nhật Bản tại xứ cờ hoa.

Gran Turismo, phát hành năm 1997 là một siêu phẩm game đã bán được hơn 90 triệu bản trên toàn thế giới. Những chiếc xe xuất hiện trong Gran Turismo là bản sao chi tiết của xe hơi thể thao Nhật Bản ngoài đời. Thông qua game, người chơi có thể trải nghiệm cảm giác tương tự như điều khiển chúng ở đời thực và điều này đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của xe thể thao Nhật Bản.

Chiếc Subaru Impreza WRX STi xuất hiện trong game Gran Turismo
Chiếc Subaru Impreza WRX STi xuất hiện trong game Gran Turismo. Ảnh: gran-turismo.com
Cố diễn viên Paul Walker và mẫu xe Supra màu cam xuất hiện trong phần 1 Fast & Furious
Cố diễn viên Paul Walker và mẫu xe Supra màu cam xuất hiện trong phần 1 Fast & Furious. Ảnh: ourcommunitynow.com

Tiếp theo phải kể đến sự ảnh hưởng của bộ phim Fast & Furious ra mắt lần đầu năm 2001. Loạt phim xoay quanh các cuộc đua xe đường phố bất hợp pháp đã trở thành một trong những tựa phim được yêu thích nhất mọi thời đại, với 10 phần đã được phát hành cho tới nay. Trong Fast & Furious, thường có sự xuất hiện của những chiếc xe thể thao Nhật Bản được cải tiến và tùy biến cao. Chiếc xe yêu thích của nhân vật chính Brian O'Conner (Paul Walker) là Supra màu cam rực rỡ trong phần phim đầu tiên, chiếc Skyline GT-R màu bạc và Lancer Evolution màu vàng trong phần phim thứ hai. Còn cộng sự của anh, Dominic (Vin Diesel) đã lái chiếc RX-7 trong phần đầu tiên.

Cố diễn viên Paul Walker và mẫu xe Supra màu cam xuất hiện trong phần 1 Fast & Furious
Cố diễn viên Paul Walker và mẫu xe Supra màu cam xuất hiện trong phần 1 Fast & Furious. Ảnh: ourcommunitynow.com

Ảnh hưởng của Fast & Furious lớn đến mức đã tạo ra một thể loại “xe độ” mang tên “JDM” ở Mỹ. JDM là viết tắt của “Japanese domestic market” (thị trường nội địa Nhật Bản) nhưng trên thực tế, dòng xe “độ” này chủ yếu tập trung vào những chiếc xe thể thao Nhật Bản nhỏ gọn như Civic/Integra, nhập khẩu với thông số kỹ thuật Nhật sau đó được điều chỉnh theo kiểu Mỹ.