Bối cảnh lịch sử
Sau khi chế độ Mạc phủ Tokugawa kết thúc, Nhật Bản chứng kiến một cuộc Duy Tân toàn diện và mạnh mẽ dưới thời Minh Trị. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa nông nghiệp đã đẩy hàng nghìn nông dân lâm vào cảnh thất nghiệp, nợ nần hoặc mất đất vì không thể gánh vác các loại thuế cao trong thời kỳ này.
Những người nông dân gần như không có cách nào để nuôi sống gia đình ở nông thôn, họ buộc phải chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm công ăn việc làm. Tuy nhiên, những nơi này rồi cũng trở nên đông đúc và ngày càng khan hiếm cơ hội.
Nhằm xoa dịu căng thẳng xã hội phát sinh từ vấn đề không có đất canh tác và nợ nần của lao động nông thôn, chính phủ Nhật Bản đã thi hành chính sách di dân. Từ những năm 1880, Nhật Bản đã khuyến khích người dân di cư thông qua thỏa thuận với chính phủ các nước.
Trong khi đó, tại Brazil, việc mở rộng các đồn điền cà phê – động lực chính của nền kinh tế quốc gia từ nửa sau thế kỷ 19 đến những năm 1920 đã làm nảy sinh nhu cầu về lực lượng lao động giá rẻ ở vùng nông thôn São Paulo. Tuy nhiên, với việc chế độ nô lệ được bãi bỏ hoàn toàn vào năm 1888, Brazil cần một lực lượng lao động mới nhằm thay thế những người nhập cư châu Phi, vốn là lực lượng lao động chính cho đến thời điểm đó. Lúc này, Brazil chấp nhận sử dụng lao động nhập cư từ châu Âu, bao gồm người Ý. Nhưng sau đó, dòng người nhập cư châu Âu ngày càng ít, chính quyền São Paulo đã đàm phán với Nhật Bản, ký kết một thỏa thuận xuyên quốc gia: tiếp nhận người lao động đến từ đất nước mặt trời mọc.
Những người Nhật đầu tiên đặt chân đến Brazil
Cuộc di cư đến Brazil của người Nhật chính thức bắt đầu vào năm 1908. Vào ngày 28 tháng 4 năm 1908, con tàu Kasato Maru khởi hành từ Cảng Kobe, chở 781 người Nhật di cư đến Brazil theo hợp đồng lao động. Sau 52 ngày lênh đênh trên biển, nhóm người đã cập Cảng Santos ở Brazil, nơi cách São Paulo khoảng 60km về phía nam vào ngày 18 tháng 6 (về sau ngày 18/6 được lấy làm “Ngày nhập cư của người Nhật” ở Brazil với nhiều sự kiện kỷ niệm khác nhau được tổ chức).
Được biết, hầu hết những người theo tàu Kasato Maru đến Brazil là nông dân đến từ các tỉnh như Okinawa, Kagoshima và Kumamoto, trong đó có 186 phụ nữ, gồm 165 gia đình.
Khó khăn thuở ban đầu
Ôm theo giấc mộng về một cuộc sống mới đỡ cơ cực hơn, những người Nhật lên tàu, vượt trùng khơi để đến với một quốc gia xa lạ bên kia bờ đại đương. Thế nhưng hiện thực chẳng bao giờ tốt đẹp như trong tưởng tượng. Những người Nhật Bản nhập cư cảm thấy rất khó thích nghi ở Brazil. Sự khác biệt về ngôn ngữ, thói quen ăn uống, lối sống và khí hậu khiến họ phải đối diện với cú sốc văn hóa dữ dội.
Ngôn ngữ chính thức của Brazil là tiếng Bồ Đào Nha, một ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh, hoàn toàn khác xa với tiếng Nhật. Ngoại trừ một số ít người xuất thân từ giới trí thức, hầu hết người Nhật nhập cư vào Brazil không thể nói được tiếng Bồ Đào Nha.
Những người Nhật di cư kỳ vọng có thể nhanh chóng tích lũy đủ tiền bạc và trở về quê hương sau vài năm thay vì định cư lâu dài ở Brazil, tuy nhiên, sự thật là đồng lương họ kiếm được rất ít ỏi. Phần lớn những người nhập cư đầu tiên được gửi đến các trang trại cà phê và phải ở lại đây trong 5 năm, nhưng điều kiện làm việc tồi tệ đến mức nhiều người không thể tiếp tục mà đã trốn đi trong năm đầu.
Vượt qua nghịch cảnh và thành công trên xứ sở Samba
Trong nhiều thập kỷ, nhóm người Brazil gốc Nhật bị cho là dân tộc không thể hòa nhập, còn người Nhật nhập cư chỉ là nguồn lao động dự trữ giá rẻ, được sử dụng trên các đồn điền cà phê. Người dân địa phương thậm chí còn tránh hết sức để không tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa của cộng đồng Nikkei-jin.
Tuy nhiên, người Nhật trên đất Brazil đã có thể vượt qua những khó khăn trong nhiều năm và cải thiện đáng kể cuộc sống của mình nhờ chăm chỉ học tập và làm việc, điều này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ sự tham gia của chính phủ Nhật Bản vào quá trình di cư. Cùng với đó, hình ảnh những người nông dân cần cù đến giúp Brazil phát triển đất nước và ngành nông nghiệp đã góp phần xóa đi sự thiếu tin tưởng của người dân bản địa và tạo dựng hình ảnh tích cực về người Nhật.
Vào những năm 1970, Nhật Bản vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu có, hiện đại và tiến bộ nhất thế giới. Trong cùng thời kỳ, người Brazil gốc Nhật cũng đạt được những thành công to lớn về mặt văn hóa, kinh tế và có lẽ là nhóm người nhập cư đạt được tiến bộ nhanh nhất ở Brazil. Những thành tựu trên đã mang lại uy tín trong xã hội Brazil cho những người gốc Nhật thế hệ tiếp theo, trái ngược hoàn toàn với sự phân biệt đối xử mà những người nhập cư đầu tiên phải chịu đựng.
Tờ báo địa phương Gazeta do Povo cho biết, hậu duệ của người Nhật ở Brazil thường chăm học, kỷ luật, học giỏi, có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học và có niềm đam mê lớn với ngành khoa học. Theo một cuộc khảo sát năm 2009 được thực hiện dựa trên dữ liệu từ Đại học São Paulo và Đại học Quốc gia Paulista, mặc dù người Brazil gốc Nhật thế hệ sau chỉ chiếm 1,2% dân số thành phố São Paulo và chiếm chưa đến 4% số người đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh nhưng khoảng 15% trong số họ được chấp thuận vào trường. Một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy người Brazil gốc Nhật là nhóm giàu có nhất ở Brazil.
Sự hình thành khu phố Nhật ở São Paulo
Vào những năm 1910, những người rời bỏ trang trại ở nhiều vùng khác nhau của bang São Paulo đã tập trung và định cư trên con dốc dài có tên Calle Conde de Sarzedas, hình thành nên thị trấn Nhật Bản đầu tiên ở Brazil. Sau đó, khi kinh tế được cải thiện, họ di chuyển lên phía trên con dốc và “khu phố Nhật” dần mở rộng ra các khu vực lân cận. Vào những năm 1930, số lượng cư dân tăng lên và khu phố Conde ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, người Nhật bị xem là “kẻ thù ngoại quốc” và khu phố dường như đã bị “xóa sổ”.
Sau chiến tranh, khu vực xung quanh Phố Galvão Bueno nằm trên đỉnh đồi đã phát triển thành khu phố Nhật, thay thế khu Conde. Điều này bắt nguồn từ việc Cine Niterói, rạp chiếu phim Nhật Bản đầu tiên ở Brazil được khai trương vào tháng 7 năm 1953.
Cine Niterói là một khu phức hợp 5 tầng xây dựng dọc theo Phố Galvão Bueno, ngay bên dưới Liberdade Plaza, nơi có cầu Osaka ngày nay. Đây là một trung tâm văn hóa và giải trí cho cộng đồng người Nhật với tầng một là rạp chiếu phim có sức chứa 1.500 khán giả và các tầng trên bao gồm nhà hàng, hội trường, khách sạn. Lúc bấy giờ, cứ vào dịp cuối tuần, khu vực này lại đông đúc người tìm đến để giải trí. Sau đó, ba rạp chiếu phim khác là Nanbei Gekijo, Cine Tokyo, Cine Nippon lần lượt ra đời. Các nhà hàng và cửa hàng khác cũng mọc lên để phục vụ nhu cầu của cộng đồng Nikkei-jin, tạo nên một khu mua sắm gợi nhớ đến Nhật Bản.
Vào tháng 4 năm 1964, ở phía nam Phố Galvão Bueno, tại giao lộ với Phố São Joaquim, Tòa nhà Trung tâm São Paulo Nihon Bunka Kyokai (Hiệp hội Văn hóa Nhật Bản São Paulo), sau này là Brazil Nihon Bunka Fukushi Kyokai (Hiệp hội Văn hóa và Hỗ trợ Xã hội Nhật Bản tại Brazil) đã được xây dựng.
Rạp chiếu phim, khu mua sắm, kết hợp với trung tâm văn hóa đậm chất Nhật Bản là nền tảng để hình thành nên khu phố Nhật Liberdade sau này.
Liberdade là tên gọi theo tên ga tàu điện ngầm ở địa phương, ngoài ra khu phố còn có tên gọi khác là Bairro Oriental theo tiếng Bồ Đào Nha. Ngày nay, khu phố Nhật này tọa lạc ở trung tâm São Paulo với chiều dài khoảng 500m theo hướng từ đông sang tây và 1,5km theo hướng bắc – nam, là một trong những điểm thu hút khách du lịch quan trọng của thành phố đông dân nhất Nam Mỹ.
Những điểm tham quan nổi bật ở Liberdade
Oriental Garden (Vườn Phương Đông)
Oriental Garden of Liberdade (Jardim Oriental Liberdade) là một công viên công cộng khánh thành năm 1995, đóng vai trò như một ốc đảo xinh đẹp, biểu tượng cho mối quan hệ bền chặt giữa Brazil và Nhật Bản. Thiết kế của công viên được lấy cảm hứng từ những khu vườn truyền thống của Nhật Bản, kết hợp các yếu tố hài hòa, thanh bình và vẻ đẹp tự nhiên; nổi bật là ao nước đẹp như tranh vẽ, nơi có những chú cá koi đầy màu sắc và được trang trí bằng những cây cầu cùng bậc đá trang nhã.
Cổng Torii
Kể từ năm 1974, lối vào Liberdade được tô điểm bằng chiếc cổng Torii đỏ cao 9m, một biểu tượng thường thấy ở lối vào của các đền thờ Thần đạo. Tọa lạc trên Phố Galvão Bueno, công trình kiến trúc cao chót vót này đóng vai trò là biểu tượng đặc trưng của khu phố.
Phố Galvão Bueno
Phố Galvão Bueno ở Liberdade là hình ảnh thu nhỏ của không gian văn hóa châu Á. Không chỉ có người Nhật, con phố này còn là “ngôi nhà chung” của người Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc từ những năm 1950. Là con đường chính của Liberdade, Phố Galvão Bueno nhộn nhịp hoạt động từ sáng sớm đến tối muộn, nổi bật là các quầy hàng ẩm thực châu Á, các cửa hàng đồ cổ và Trung tâm mua sắm SoGo Plaza – trung tâm mua sắm mọi sản phẩm phương Đông, bao gồm các mặt hàng anime và manga.