eMagazine
0%
Kewpie - キユーピー, phát âm là kyupi, là thương hiệu mayonnaise không quá xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt Nam với biểu tượng cậu bé phía ngoài bao bì. Cùng khám phá bí quyết khiến thương hiệu này được người dân xứ Phù Tang yêu thích từ năm 1925 cho đến nay.

Loại mayonnaise đầu tiên của Nhật Bản

Vào khoảng năm 1910, Toichiro Nakashima khi ấy là thực tập sinh ở nước ngoài cho Bộ Nông nghiệp và Thương mại Nhật Bản đã có cơ hội đến Anh, Mỹ trong ba năm và được thưởng thức nền ẩm thực nơi đây.

Người sáng lập Kewpie - Tochiro Nakashima.
Người sáng lập Kewpie - Tochiro Nakashima. Ảnh: Kewpie

Khi trở về Nhật, Nakashima luôn nhớ về hương vị của loại xốt có tên gọi mayonnaise dùng trong món salad khoai tây, không chỉ có thể trộn vào nhiều món ăn khác nhau, mà còn cung cấp cho mọi người vitamin và protein.

Ban đầu, Kewpie được đựng trong hũ thủy tinh.
Ban đầu, Kewpie được đựng trong hũ thủy tinh.
Ảnh: kewpie

Năm 1919, ông thành lập công ty Shokuhin Kogyo Co. Ltd phân phối thực phẩm đóng hộp (sau này đổi tên thành Kewpie Corporation). Đến năm 1925, công ty đã cho ra mắt xốt mayonnaise Kewpie có giá trị dinh dưỡng cao.

Trước khi Kewpie được ra mắt, loại xốt này hầu như không được biết đến ở Nhật Bản. Nakashima đã dùng sự độc đáo và khéo léo để phổ biến sản phẩm mới: ví dụ, trong quảng cáo, ông đã sử dụng những bức tranh vẽ đẹp mắt trong đó xốt mayonnaise Kewpie được đặt một cách ngẫu nhiên trên bàn ăn để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Đến năm 1941, khoảng 500 tấn mayonnaise Kewpie đã được sản xuất. Năm 1943 sản xuất mayonnaise tạm ngưng do chiến tranh khiến nguồn nguyên liệu chất lượng trở nên bất khả thi.

Ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, hàng hóa vẫn tiếp tục khan hiếm và cách duy nhất để sản xuất mayonnaise là sử dụng các nguyên liệu có được thông qua thị trường chợ đen. Tuy nhiên, Nakashima cảm thấy điều đó trái với quan điểm kinh doanh của mình và kiên quyết từ chối. Do đó, hoạt động sản xuất cuối cùng chỉ được tiếp tục vào năm 1948, khi các nguyên liệu chất lượng đáng tin cậy bắt đầu có sẵn trở lại.

Bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng của mayonnaise Kewpie

Kewpie là thương hiệu mayonnaise hàng đầu tại Nhật Bản kể từ khi ra mắt. Nhưng điều gì làm cho sản phẩm này hấp dẫn đến vậy?

Bắt đầu với trứng, Kewpie sử dụng khoảng 4 tỷ quả trứng mỗi năm. Trong khi công thức mayonnaise thường sử dụng toàn bộ trứng, Kewpie chỉ sử dụng lòng đỏ để tạo ra kết cấu kem và béo ngậy. Ngoài ra, trong khi các công ty sản xuất khác thường sử dụng giấm trắng, Kewpie sử dụng hỗn hợp giấm bao gồm giấm gạo và giấm táo để tạo nên vị chua. Nếu đã thử nhiều loại mayonnaise khác nhau, bạn sẽ nhận thấy vị của Kewpie sẽ thanh, ngọt nhẹ và đậm vị umami.

Kewpie đã có sự thay đổi ở nguyên liệu so với phiên bản gốc để tạo nên sự đặc trưng trong hương vị.
Kewpie đã có sự thay đổi ở nguyên liệu so với phiên bản gốc để tạo nên sự đặc trưng
trong hương vị. Ảnh: kewpie

Từ đó đến nay, Kewpie đã trở thành “người bạn” trong nhiều hộ gia đình Nhật Bản. Nó kết hợp hoàn hảo với takoyaki hoặc tonkatsu, là món ăn lý tưởng cho bánh sandwich trứng, onigiri cá ngừ mayo và nhiều món khác.

Nhận ra tiềm năng của trứng, tập đoàn Kewpie đã quyết định mở rộng danh mục sản phẩm của mình từ thực phẩm sang mỹ phẩm và thậm chí cả dược phẩm.

Em bé Kewpie

Phiên bản đầu tiên của xốt mayonnaise Kewpie được đựng trong lọ thủy tinh nhỏ và hình ảnh em bé dễ thương đã xuất hiện ngay từ đầu. Theo thời gian, bao bì của sản phẩm cũng đã thay đổi sang dạng chai nhựa có nắp đỏ, mềm và có thể bóp được, bọc bên ngoài chai là túi nhựa và vẫn có hình một em bé. Nhưng tại sao lại sử dụng một thiên thần làm logo cho một thương hiệu xốt mayonnaise?

Kewpie là một búp bê xuất hiện trong truyện tranh được xuất bản trên Ladies' Home Journal của họa sĩ truyện tranh người Mỹ Rose O'Neill vào năm 1909. Từ đó, nhân vật này trở nên nổi tiếng và có nhiều sản phẩm khác nhau được ra đời. Đây cũng được xem là nguồn cảm hứng cho búp bê Sonny Angel do nhà sản xuất đồ chơi Nhật Bản Toru Soeya tạo ra.

Một mẫu búp bê Kewpie.
Một mẫu búp bê Kewpie.
Ảnh: monmouthhistory.emuseum

Những con búp bê đã thu hút sự chú ý của Nakashima. Bằng cách đưa hình thiên thần dễ thương vào quảng cáo, xốt mayonnaise Kewpie đã trở nên dễ nhận biết ngay lập tức. Em bé Kewpie đã trở thành biểu tượng của xốt mayonnaise Nhật Bản kể từ đó.

Hình ảnh em bé trở thành biểu tượng của Kewpie.
Hình ảnh em bé trở thành biểu tượng của Kewpie.
Ảnh: Chowhound

Năm 1927, công ty Kewpie đã mua lại bản quyền độc quyền sản xuất và phân phối búp bê Kewpie tại Nhật Bản cùng các thị trường châu Á khác. Kewpie Corporation đã trở thành chủ sở hữu duy nhất đối với búp bê Kewpie và tiếp tục sử dụng búp bê Kewpie như một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực xây dựng thương hiệu và marketing của mình.

Một chặng đường 100 năm

Năm nay Kewpie đang kỷ niệm 100 năm thành lập và công ty vẫn nhấn mạnh mục tiêu của mình là không ngừng đổi mới.

Xốt mayonnaise Kewpie ra mắt vào tháng 3/1925, ngày 1 tháng 3 hàng năm đã được chỉ định là Ngày mayonnaise.

Năm 2010, Kewpie chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm khác nhau, khiến thị trường thực phẩm trở nên sôi động hơn.

Khi nhu cầu về xốt mayonnaise Kewpie tăng nhanh chóng, Kewpie bắt tay vào phát triển các sản phẩm khác ngoài xốt mayonnaise, như xốt trộn salad, xốt chấm… đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Từ một sản phẩm là mayonnaise, Kewpie liên tục cho ra mắt nhiều loại xốt khác nhau.
Từ một sản phẩm là mayonnaise, Kewpie liên tục cho ra mắt nhiều loại xốt khác nhau. Ảnh: Kewpie

Để tạo nên nguồn nguyên liệu chất lượng nhất cho mayonnaise, Kewpie đã quyết định tự sản xuất giấm cũng như trứng.

Giấm là chìa khóa tạo nên hương vị của xốt mayonnaise. Đối với xốt mayonnaise Kewpie, công ty sử dụng giấm có hương vị đậm đà được lên men từ các thành phần như nước táo và mạch nha bằng công nghệ độc quyền. Tuy nhiên, khi Nakashima lần đầu tiên tung ra xốt mayonnaise, loại giấm lý tưởng của ông không có sẵn ở Nhật Bản. Vì vậy, để đảm bảo, Nakashima đã hợp tác cùng các nhà sản xuất bia Nhật Bản và bắt đầu phát triển giấm. Năm 1962, ông thành lập Nishifu Industries Co., Ltd. sản xuất giấm chỉ để sử dụng trong mayonnaise.

Mayonnaise khiến hương vị Takoyaki trở nên thơm béo hơn.
Mayonnaise khiến hương vị Takoyaki trở nên thơm béo hơn.

Bên cạnh đó, từ khi bắt đầu sản xuất mayonnaise, Kewpie đã nỗ lực tận dụng lòng trắng trứng không sử dụng làm sản phẩm phụ. Từ nền tảng đó, năm 1977, Kewpie Egg Corporation được thành lập với mục tiêu chuyên sâu hơn các dòng sản phẩm trứng như: trứng nguyên quả, lòng đỏ, lòng trắng, trứng đông lạnh…

2025 là năm đánh dấu 100 năm Kewpie mayonnaise được ra mắt, để kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này, Kewpie cũng có những hoạt động thú vị. Có thể kể đến Mayo Terrace - bảo tàng riêng của Kewpie tọa lạc tại thành phố Chofu, đang tổ chức trải nghiệm làm xốt mayonnaise đặc biệt.

Sự kiện ra mắt World Mayo Kitchen.
Sự kiện ra mắt World Mayo Kitchen. Ảnh: metropolitana

Kewpie cũng thực hiện chiến dịch xe tải thực phẩm lưu động khắp Nhật Bản - World Mayo Kitchen để giới thiệu nhiều món ăn trên thế giới sử dụng mayonnaise theo những cách sáng tạo. Sự kiện này sẽ dừng chân đầu tiên tại Tokyo, cụ thể là Roppongi Hills.

Từ ngày 28/02 - ngày 02/03, du khách có thể thử 22 món ăn khác nhau làm từ xốt mayonnaise, chẳng hạn như laksa khô từ Singapore, gà Milanese của Ý với xốt mayonnaise húng quế, nasi lemak của Malaysia, xốt mayonnaise Nhật Bản và tôm mật ong, rillettes cá hồi Pháp và adobo của Philippines. Tất cả các món trong thực đơn có thể được gọi với giá 300 yên hoặc 600 yên.

Sự kiện này cũng tiếp tục di chuyển đến những địa điểm khác ở Fukuoka, Nagoya, Osaka, Sendai, Sapporo và Hiroshima.