eMagazine
Ẩm thực truyền thống Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế.
Ẩm thực truyền thống Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế. Ảnh: Alamy Stock Photo

“Nấu ăn là một nghệ thuật, và người đầu bếp là một nghệ sĩ”. Quả thực là như vậy bởi công việc của người đầu bếp không chỉ là tạo ra một món ăn, mà món ăn ấy phải vừa ngon lại vừa đẹp.

Ẩm thực truyền thống Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế.
Ẩm thực truyền thống Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế. Ảnh: Alamy Stock Photo

Với ẩm thực Nhật Bản, mọi thứ thậm chí còn được nâng lên một tầm cao mới. Nhắc đến “和食 – Washoku”, người ta hẳn sẽ nghĩ đến sự tinh tế, tỉ mỉ của người nấu được thể hiện trong từng món ăn: không chỉ chuẩn xác về hương vị, đẹp mắt ở phần nhìn mà còn đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng đồng thời thể hiện nhiều triết lý trong văn hóa xứ sở.

Tinh thần ấy của ẩm thực Nhật Bản được thể hiện ngay cả trong những bữa ăn hằng ngày của người dân. Theo đó, một bữa ăn truyền thống của người Nhật luôn đảm bảo chất lượng với một món canh và ba món ăn kèm theo nguyên tắc “一汁三菜 – Ichiju sansai”.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, việc mỗi bữa ăn đều phải đủ đầy cơm, canh cùng nhiều món ăn kèm là điều không hề dễ dàng. Vậy nên nhiều người đã nghĩ đến và ủng hộ nguyên tắc “一汁一菜 – Ichiju issai”, để giải phóng bản thân khỏi “nỗi thống khổ của nấu nướng”.

“Ichiju issai” là gì?

Ichiju issai: bữa ăn bao gồm một món canh, một món ăn kèm.
Ichiju issai: bữa ăn bao gồm một món canh, một món ăn kèm. Ảnh: ouchi-gohan.jp

“一汁一菜 – Ichiju issai” được dùng để đề cập đến bữa ăn chỉ bao gồm một món canh (thường là canh Miso) và một món ăn kèm. Tức là ngoài lương thực chính (cơm gạo), bữa ăn chỉ bao gồm hai món (canh, đồ mặn) và đôi lúc có kèm thêm một chút “漬物 – Tsukemono” (rau củ ngâm kiểu Nhật).

Ichiju issai: bữa ăn bao gồm một món canh, một món ăn kèm.
Ichiju issai: bữa ăn bao gồm một món canh, một món ăn kèm. Ảnh: ouchi-gohan.jp

Thuật ngữ này ban đầu được tạo ra bởi những nhà sư tu tập tại các ngôi chùa theo giáo phái Zen (Thiền Tông) dưới thời Kamakura (1185-1333) để chỉ phong cách ăn uống đơn giản, thanh đạm với bữa ăn chỉ có cơm, canh và rau, đồng thời những bữa ăn xa hoa là điều cấm kỵ.

“Ichiju issai” sau đó đã lan rộng ra đại chúng, tuy nhiên lúc bấy giờ, đa số dân thường ở Nhật đều trải qua cuộc sống với bữa ăn đạm bạc tương tự, thậm chí “một món canh và một món mặn” còn là điều xa vời đối với nhiều người (chỉ ăn cơm với canh và rau ngâm, không có món mặn).

“Ichiju issai” được ủng hộ trong xã hội hiện đại

Chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi.
Chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi. Ảnh: koshien.ac.jp

Mặc dù ban đầu được dùng để chỉ những bữa ăn đạm bạc thậm chí có phần khắc khổ nhưng trong vài thập kỷ gần đây, “Ichiju issai” đã khoác lên mình những ý nghĩa tích cực như một nguyên tắc ẩm thực chi phối việc ăn uống điều độ, lành mạnh.

Chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi.
Chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi. Ảnh: koshien.ac.jp

Chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi có lẽ là người ủng hộ “Ichiju issai” đương thời nổi tiếng nhất ở Nhật Bản.

Yoshiharu Doi sinh ngày 8/2/1957 tại Osaka, ông từng có thời gian theo học ẩm thực Pháp ở Pháp và Thụy Sĩ. Sau khi trở về nước, ông tiếp tục được đào tạo về ẩm thực Nhật Bản. Trong lĩnh vực ẩm thực, Yoshiharu được biết đến với vai trò là giảng viên của các chương trình nấu ăn như "Okazu no Cooking", "Kyo no Ryori", đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “一汁一菜でよいという提案 – Ichiju issai de yoi to iu teian” (tạm dịch: Gợi ý bữa ăn một canh, một mặn là đủ).

Cuốn sách “Ichiju issai de yoi to iu teian” của Yoshiharu Doi.
Cuốn sách “Ichiju issai de yoi to iu teian” của Yoshiharu Doi.
Ảnh: sakudoku.com
Gợi ý về bữa ăn theo nguyên tắc “Ichiju issai” nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.
Gợi ý về bữa ăn theo nguyên tắc “Ichiju issai” nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Ảnh: slowinternet.jp

Những gợi ý về bữa ăn theo nguyên tắc “Ichiju issai” của Yoshiharu đã trở thành cuốn sách bán chạy trong một thời gian dài và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng.

Giải phóng người Nhật khỏi nỗi thống khổ mang tên nấu ăn

Bữa ăn chỉ “một canh, một mặn” được nhiều người hưởng ứng.
Bữa ăn chỉ “một canh, một mặn” được nhiều người hưởng ứng. Ảnh: Twitter @TintsF

Những đề xuất về “Ichiju issai” trong cuốn sách của Yoshiharu được cho là đã đem đến một sự thay đổi mang tính cách mạng trong việc bếp núc gia đình và trở thành nguồn động viên to lớn cho những ai cảm thấy áp lực với việc phải nấu ăn mỗi ngày.

Bữa ăn chỉ “một canh, một mặn” được nhiều người hưởng ứng.
Bữa ăn chỉ “một canh, một mặn” được nhiều người hưởng ứng. Ảnh: Twitter @TintsF

Trước đây, phụ nữ Nhật Bản phần lớn sau khi kết hôn sẽ dành toàn bộ thời gian của mình để phục vụ gia đình, chăm sóc chồng con. Hơn thế nữa, phụ nữ xứ sở hoa anh đào đặc biệt coi trọng nấu ăn. Việc tự tay chuẩn bị những bữa cơm nhiều món với tiêu chuẩn “một canh, ba món” truyền thống cho gia đình là điều hiển nhiên không thể làm khó được họ.

Tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội có sự thay đổi, giờ đây phụ nữ Nhật không chỉ là “những bà nội trợ toàn thời gian” mà cũng ra ngoài làm việc với thời gian tương đương như phái mạnh.

Những hộ gia đình có cả hai vợ chồng đều đi làm ngày càng phổ biến trong xã hội, do đó chuyện bếp núc bắt đầu trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, những bữa ăn cầu kỳ, nhiều món cũng trở nên xa xỉ. Chính điều này đã khiến “Ichiju issai” với bữa ăn chỉ “một canh, một mặn” được nhiều người hưởng ứng nhiệt tình.

“Một canh, một mặn” vẫn đủ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống cân bằng là chế độ đảm bảo cung cấp đủ lượng các chất cần thiết cho cơ thể.
Chế độ ăn uống cân bằng là chế độ đảm bảo cung cấp đủ lượng các chất cần thiết cho cơ thể. Ảnh: toremo.jp

Bên cạnh làn sóng hưởng ứng nhiệt tình đối với “Ichiju issai” cũng có không ít người vẫn cảm thấy e ngại về nguyên tắc này. Bữa ăn chỉ với “một canh, một mặn” liệu rằng có đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thế?

Chế độ ăn uống cân bằng là chế độ đảm bảo cung cấp đủ lượng các chất cần thiết cho cơ thể.
Chế độ ăn uống cân bằng là chế độ đảm bảo cung cấp đủ lượng các chất cần thiết cho cơ thể. Ảnh: toremo.jp

Trước hết, cần hiểu rằng một chế độ ăn uống cân bằng là chế độ đảm bảo cung cấp đủ lượng tinh bột, protein, lipid, chất xơ và các vitamin, khoáng chất... cần thiết cho cơ thể. Mà điều này vốn dĩ không phụ thuộc vào số lượng món ăn trong một bữa ăn, vì vậy cho dù là “Ichiju sansai” với “một canh, ba mặn” hay “Ichiju issai” chỉ “một canh, một mặn” thì chỉ cần các chất dinh dưỡng vẫn đảm bảo là được.

Lợi ích khi thực hành “Ichiju issai”

“Ichiju issai” giải phóng chúng ta khỏi “nỗi thống khổ mang tên nấu nướng”.
“Ichiju issai” giải phóng chúng ta khỏi “nỗi thống khổ mang tên nấu nướng”. Ảnh: Freepik

Điều tuyệt vời đầu tiên mà “Ichiju issai” mang lại cho chúng ta chắc chắn là tiết kiệm được kha khá thời gian dành cho công cuộc bếp núc, bao gồm việc suy nghĩ về thực đơn mỗi ngày, đi chợ, chế biến và dọn dẹp. “Ichiju issai” giúp chúng ta đơn giản hóa bữa ăn, giải phóng bản thân để không cảm thấy tồi tệ khi nấu nướng.

“Ichiju issai” giải phóng chúng ta khỏi “nỗi thống khổ mang tên nấu nướng”.
“Ichiju issai” giải phóng chúng ta khỏi “nỗi thống khổ mang tên nấu nướng”. Ảnh: Freepik

Mặt khác, “một canh, một mặn” cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng thức ăn nạp vào dễ dàng hơn mà không cần phải đau đầu tính toán lượng calo phức tạp.

Ngoài ra, nhiều người Nhật cũng chia sẻ rằng “Ichiju issai” đã cho họ cơ hội có thể thưởng thức các loại rau, cá... theo mùa vì món canh Miso (theo thực đơn một canh, một mặn) có thể kết hợp với hầu hết mọi thứ.

Kết

Người Nhật vốn nổi tiếng chú trọng đến ăn uống, mỗi bữa ăn, mỗi món ăn được làm ra đều phản ánh sự tỉ mỉ, chu đáo và tận tâm của người đầu bếp. Tuy nhiên, khi xã hội đổi khác, nhiều nguyên tắc không thể nhất nhất tuân theo mà cần có sự biến đổi cho phù hợp.

Ý tưởng về “Ichiju issai” của chuyên gia ẩm thực Yoshiharu Doi đã mang đến một góc nhìn khác về bữa ăn hằng ngày, thổi một luồng gió mới cổ vũ nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ Nhật Bản giải phóng bản thân khỏi “nỗi thống khổ nấu nướng”.

Tuy nhiên theo đuổi “Ichiju issai” không có nghĩa là bạn ép mình vào một chế độ ăn uống khắc khổ, chỉ được ăn một món canh và một món mặn cho mỗi bữa ăn. “Ichiju issai” hay “Ichiju sansai”, “một món” hay “ba món” đều tùy thuộc vào mỗi chúng ta.

Bên cạnh đó, ngày nay “Ichiju issai” cũng không nhất thiết phải là cơm, canh Miso mà tùy thuộc từng người có thể thoải mái kết hợp các món như mì ống, cơm chiên cùng canh, súp, bánh mì và món hầm... miễn là bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Dẫu có giỏi nấu ăn hay không, dẫu có thích nấu ăn hay không, hãy ghi nhớ “Ichiju issai - một canh, một mặn là đủ".

“Ichiju issai” không nhất thiết phải là cơm mà có thể thoải mái kết hợp các món ăn.
“Ichiju issai” không nhất thiết phải là cơm mà có thể thoải mái kết hợp các món ăn. Ảnh: Twitter @chiyuki20220901