Xu hướng hôn nhân này ngày càng phổ biến ở các cặp đôi Nhật Bản, cho phép họ tiếp tục lối sống như lúc độc thân đồng thời duy trì mối quan hệ với người bạn đời của mình.
Mất tự do là một trong vô số lý do khiến thế hệ trẻ chọn cách không dấn thân vào hôn nhân hoặc tiếp tục trì hoãn kế hoạch kết hôn của mình. Khi bước vào hôn nhân, bất kỳ ai cũng đều phải điều chỉnh lối sống của bản thân sao cho phù hợp với đối phương để rồi có thể không hài lòng với cuộc sống hậu kết hôn. Có lẽ vì thế người ta mới ví rằng “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Một cặp đôi có thể yêu nhau sâu sắc nhưng lối sống hoàn toàn khác nhau, từ thời gian khởi đầu một ngày mới đến thói quen giao tiếp xã hội – điều này có thể sẽ tạo ra sự rạn vỡ trong mối quan hệ.
Để cân bằng giữa hôn nhân và tự do cá nhân, không ít cặp đôi ở đất nước mặt trời mọc đã chọn lựa một hình thức đặc biệt: “hôn nhân cuối tuần”.
Khái niệm “hôn nhân cuối tuần” (tiếng Nhật: 週末婚 – shuumatsukon, tiếng Anh: weekend marriage) đề cập đến mối quan hệ trong đó cặp đôi chỉ ở chung với nhau trong một căn nhà vào những ngày cuối tuần thay vì hàng ngày, ngay cả sau khi kết hôn và đăng ký cùng hộ khẩu. Vào những ngày còn lại trong tuần, mỗi người sẽ sinh hoạt theo lối sống của riêng mình.
Một số tài liệu tiếng Anh khi đề cập đến xu hướng này thường sử dụng cụm từ “separation marriage”, tạm dịch là “hôn nhân ly thân”, tiếng Nhật là “別居婚” (betsukyokon). Những cặp đôi trong mối quan hệ hôn nhân cuối tuần không dành toàn thời gian cho nhau nên có thể coi là một kiểu hôn nhân ly thân. Tuy nhiên, về cơ bản, hôn nhân ly thân khác với hôn nhân cuối tuần ở chỗ, cặp vợ chồng thường sống xa nhau trong một thời gian dài và không gặp nhau kể cả vào cuối tuần.
Ngoài ra, hôn nhân ly thân mang ý nghĩa tiêu cực hơn so với hôn nhân cuối tuần, thường xảy ra khi cặp đôi đang trong quá trình bàn bạc về việc ly hôn hoặc duy trì tình trạng ly thân vì một lý do nào đó chẳng hạn như cần có quốc tịch...
Phong cách hôn nhân kỳ lạ “nảy nở” từ đất nước mặt trời mọc đã thu hút sự chú ý vào đầu năm nay khi kênh truyền hình BBC của Anh đăng tải một video với tiêu đề “Is ‘separation marriage’ key to a healthy relationship?” (tạm dịch: Liệu “hôn nhân ly thân” có phải chìa khóa cho một mối quan hệ lành mạnh?)
Đoạn video dài 8 phút giới thiệu về gia đình Takeda, với người chồng là anh Hidekazu, người vợ là chị Hiromi và đứa con mới biết đi của họ. Mặc dù là vợ chồng nhưng hai người sống ở những căn hộ riêng biệt, cách nhau khoảng một tiếng lái xe và đứa bé sống cùng chị Hiromi.
Hiromi Takeda tự mô tả mình là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, đang làm huấn luyện viên và quản lý phòng tập thể hình. Trong khi chồng cô, Hidekazu, là một nhà tư vấn kinh doanh, dành phần lớn thời gian trước máy tính trả lời email và viết báo cáo. Họ có lối sống khác nhau nhưng lại yêu thương và tôn trọng nhau nên không muốn can thiệp vào cuộc sống của đối phương. Và thế là giải pháp được đưa ra - sống ở nhà riêng, cách nhau khoảng một giờ.
Hiromi thường tỉnh giấc vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để thiền, lên lịch trình trên máy tính, cập nhật các bài đăng trên mạng xã hội, viết blog và kiểm tra email. Trong khi mọi người vẫn đang yên giấc, cô đã hoàn thành hầu hết công việc nhà, bao gồm ủi đồng phục, chuẩn bị hộp cơm trưa cho con, dọn dẹp nhà cửa. Về phần Hidekazu, anh thức dậy lúc 7 giờ sáng, đi thẳng đến bàn và bắt đầu làm việc với bộ đồ ngủ vẫn còn mặc trên người.
“Tôi hiếm khi qua đêm ở nhà vợ. Sự nghiệp mang rất nhiều sức nặng và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi. Trong cuộc hôn nhân trước, tôi bận rộn với công việc đến mức có khi nhiều ngày liền không về nhà. Tôi nghĩ điều đó đã khiến vợ cũ không hài lòng. Bài học lớn nhất tôi rút ra từ cuộc hôn nhân trước là phụ nữ cần độc lập tài chính”, anh Hidekazu chia sẻ.
Trong khi đó, Hiromi nói rằng cô không thoải mái làm một số việc và cảm thấy căng thẳng khi có mặt chồng ở nhà. Do vậy, họ thích sự sắp xếp mà cả hai đã thiết lập, theo đó Hidekazu đến thăm Hiromi hai đến ba lần một tuần chủ yếu là khi Hiromi cần giúp đỡ việc chăm sóc con cái.
Cuộc hôn nhân kỳ lạ giữa Hiromi và Hidekazu khiến một số hàng xóm thực sự nghĩ rằng hai người đã ly thân hoặc ly hôn. Tuy nhiên, cả hai đều tin rằng “sống chung không phải là điều cần thiết cho hôn nhân” và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
“Chúng tôi chọn kết hôn theo cách này để có thể cảm thấy an toàn vì có người hỗ trợ về mặt tinh thần mà vẫn có thể duy trì lối sống cá nhân. Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn lối sống của riêng mình”, Hiromi chia sẻ.
Được biết, cặp đôi Hiromi và Hidekazu quyết định chọn mô hình hôn nhân cuối tuần là vì những trải nghiệm của bản thân trong quá khứ. Trong trường hợp Hidekazu là cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa anh với người vợ đầu tiên, còn đối với Hiromi, đó là việc phải chứng kiến sự căng thẳng giữa cha mẹ trong quá trình lớn lên, khiến cô tự vấn rằng liệu những cặp đôi không hạnh phúc khi sống chung có nên tiếp tục như vậy chỉ vì đó là điều xã hội chấp nhận.
Sự gia tăng các cuộc hôn nhân cuối tuần ở Nhật Bản có thể là do một số yếu tố xã hội và văn hóa. Việc ngày càng có nhiều hộ gia đình có thu nhập kép và phụ nữ lựa chọn tiếp tục sự nghiệp sau khi kết hôn đã thúc đẩy xu hướng trên trở nên phổ biến hơn.
Mặt khác, các cặp đôi lựa chọn kiểu hôn nhân này vì không muốn từ bỏ lối sống cá nhân đã định hình hàng chục năm và cảm thấy khó khăn khi đột nhiên phải chung sống với bạn đời.
Một lý do khác là nhiều người bắt đầu ưu tiên mong muốn giảm bớt xung đột và căng thẳng trong mối quan hệ. Bằng cách sống riêng, các cặp vợ chồng có thể dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để tập trung vào bản thân, khiến mối quan hệ lành mạnh và hài hòa hơn.
Phong cách hôn nhân này được cho là thu hút nhiều phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là ở một quốc gia mà phụ nữ dành thời gian làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn nam giới gần gấp 5 lần như Nhật Bản.
Trong khảo sát được thực hiện bởi Zexy, một đơn vị cung cấp dịch vụ đám cưới ở Nhật, có đến 86,7% phụ nữ được hỏi trong độ tuổi từ 20 đến 30 biết đến hôn nhân cuối tuần, con số này ở nam giới chỉ là 23,3%.
Hôn nhân cuối tuần cho phép các cặp đôi duy trì cuộc sống độc lập vào các ngày trong tuần mà không cảm thấy bị cô lập hay cô đơn. Trong tuần, mỗi người có thể theo đuổi công việc và sở thích của riêng mình mà không bị người kia can thiệp – mang đến cho họ không gian tự do để phát triển bản thân.
Tiền bạc là vấn đề quan trọng trong hôn nhân. Ngay cả trong một gia đình có nguồn thu nhập kép, vợ chồng vẫn cần cân nhắc về các chi phí sinh hoạt chung, khoản tiết kiệm mỗi tháng cho tương lai...
Trong trường hợp cả hai có tư duy, thói quen khác nhau về cách chi tiêu và không thể thống nhất ý kiến, rất dễ dẫn đến tranh cãi thậm chí ly hôn. Trong khi đó, lựa chọn hôn nhân cuối tuần, cả hai bên đều độc lập về tài chính, tự do kiếm và tiêu tiền nên không phải lo lắng về việc đối phương chi tiêu như thế nào.
Những cặp đôi luôn gắn bó với nhau thường không có nhiều điều để trò chuyện. Dù bạn có yêu ai đó đến đâu, nếu ở cạnh họ mỗi ngày, những điều nhỏ nhặt cũng sẽ trở nên đáng chú ý. Với hình thức hôn nhân xa nhau trong tuần, chỉ gặp nhau cuối tuần, cả hai sẽ có cảm giác muốn chia sẻ và kết nối với nhau nhiều hơn, tránh được những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật.
Hôn nhân cuối tuần cũng mang lại nhiều thời gian chất lượng hơn vì cả hai người đều tràn đầy năng lượng và ít bận tâm đến công việc hoặc những trách nhiệm khác vào cuối tuần. Hai ngày ở cùng nhau được cho là có giá trị hơn bảy ngày chung một mái nhà nhưng không thể kết nối do không có thời gian dành cho nhau.
Nhà trị liệu tâm lí, life coach người Ấn Độ - Tiến sĩ Chandni Tugnail cho rằng hôn nhân vào cuối tuần có thể mang lại lợi ích cho các cặp đôi có lịch trình làm việc phức tạp (như làm việc nhiều giờ hoặc làm theo ca) vì cho phép họ dành thời gian cho nhau vào cuối tuần khi đã bớt bận rộn hơn mà không phải lo lắng về việc cắt giảm ca làm hoặc tăng thời gian làm việc, làm thêm giờ trong tuần để phù hợp với lịch trình của đối phương.
Khi sống cùng nhau, vợ chồng có thể chia sẻ sinh hoạt phí như tiền thuê nhà, tiền điện nước, chi phí ăn uống... nhưng nếu mỗi người một nơi thì chí phí sinh hoạt có thể tăng gấp đôi.
Nếu thiết lập mối quan hệ hôn nhân cuối tuần, bạn sẽ sống như người độc thân vào những ngày thường. Điều đó có thể khiến vợ chồng thiếu giao tiếp trực tiếp với nhau như không thể chia sẻ ngay lập tức về những thay đổi nhỏ trong cảm xúc của cả hai. Cảm giác cô đơn, lẻ loi do không thể gặp nhau thường xuyên có thể là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng đối với một số người.
Mặc dù có thể duy trì sự tươi mới trong mối quan hệ nhưng một trong những hạn chế của hôn nhân cuối tuần là khó tạo được cảm giác gắn kết như một cặp đôi, chẳng hạn như cùng nhau vượt qua khó khăn, chấp nhận con người thật của đối phương và tiếp tục chung sống.
Mỗi cặp đôi tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân cuối tuần ngay cả sau khi có con, một trong hai (trong hầu hết các trường hợp là phụ nữ) phải chăm sóc, nuôi dạy con cái mà không có sự đồng hành, hỗ trợ thường xuyên của nửa kia. Nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải việc đơn giản và là trách nhiệm, nghĩa vụ chung của hai vợ chồng; mặt khác, một đứa trẻ cần được lớn lên trong tình cảm yêu thương của cả bố và mẹ. Vì vậy, có lẽ các cặp đôi sẽ phải cân nhắc lại về việc có nên duy trì hôn nhân cuối tuần sau khi có con.