
Den Fujita sinh vào ngày 03/03/1926 tại một gia đình giàu có và hạnh phúc ở Osaka. Cha ông là một kỹ sư tại công ty của Anh nên từ nhỏ Fujita đã được học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Ông cũng được cha khuyến khích đưa ra những tranh luận trong các vấn đề xã hội và chính trị, có lẽ nhờ thế mà đã hun đúc cho ông tính cách thẳng thắn, quyết đoán trong kinh doanh.
Nhưng khi Thế chiến II nổ ra, một phần ba Osaka đã bị phá hủy, cha và hai chị gái của Fujita cũng thiệt mạng. Khi chiến tranh qua đi, để thoát khỏi mất mát cùng sự tuyệt vọng, mẹ của Fujita đã xây dựng nhà thờ Giám lý đầu tiên của đức tin này tại Nhật. "Nếu một người phụ nữ có thể làm được điều này, tôi cảm thấy rằng với ý chí mạnh mẽ, tôi có thể làm bất cứ điều gì", Fujita được truyền cảm hứng từ chính người mẹ của mình về việc không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại trường trung học Matsue, Fujita đã trở thành sinh viên khoa Luật tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản - Đại học Tokyo.
Trong những năm đại học, ông phát hiện ra rằng một trong những nghề được trả lương cao nhất là làm phiên dịch tiếng Anh cho lính Mỹ tại Nhật. Có sẵn vốn tiếng Anh, Fujita đã được tuyển dụng làm việc tại trụ sở của Tướng MacArthur, hay còn gọi là GHQ, ở trung tâm thành phố Tokyo. Den Fujita hoàn thành chương trình học tại khoa luật của Đại học Tokyo vào năm 1951.
Trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật Bản để dân chủ hóa thì hàng nhập khẩu chịu sự quản lý chặt chẽ, dẫn đến nhu cầu lớn về các mặt hàng xa xỉ. Nhận thấy điều đó, Fujita bắt đầu bán hàng hóa cho lính Mỹ vào năm 1950, khi ông vẫn còn là sinh viên. Đó là khởi đầu của Fujita & Company, một công ty thương mại độc lập, vào năm 1950 (thậm chí trước khi tốt nghiệp).
Sau khi tốt nghiệp, Fujita dành toàn bộ thời gian cho việc kinh doanh. Theo góc nhìn của mình, ông tin rằng sản phẩm của Nhật Bản sau chiến tranh đã lỗi thời so với các nước phương Tây. Chính vì thế, công ty của ông mở rộng nhập khẩu trực tiếp và bán những mặt hàng xa xỉ như Christian Dior. Vào thời điểm đó, hàng nhập khẩu bị hạn chế, vì vậy có rất ít sự cạnh tranh, nên nhu cầu của khách hàng đối với những mặt hàng này rất lớn.
Công ty là nhà nhập khẩu túi xách Dior duy nhất ở Nhật thời điểm ấy và là khách hàng lớn nhất trong lịch sử của Dior. Năm 1960, Fujita & Company đạt doanh thu 40 triệu yên, với chỉ 15 nhân viên.
Tham vọng của Fujita chưa dừng lại ở đó khi năm 1971, Fujita & Co. quyết định mở rộng sang ngành công nghiệp thức ăn nhanh.
Lùi lại về năm 1967, khi Fujita đến Mỹ để họp kinh doanh, ông đã có dịp thưởng thức McDonald's lần đầu tiên và rất thích hương vị cũng như bất ngờ trước sự sạch sẽ, tốc độ phục vụ của nhà hàng. Ba năm sau, Steven Barnes - Chủ tịch của McDonald's International, đã đến Tokyo để tìm đối tác Nhật Bản cho việc mở rộng thị trường. Ông đã nói chuyện với một số công ty thương mại lớn nhưng ấn tượng nhất với Fujita vì "tư duy cởi mở và nhiệt huyết 100%" của ông đối với dự án này, khiến ông trở thành cộng sự hoàn hảo, không giống như những ứng viên khác chỉ coi việc mở rộng là cơ hội kinh doanh.
Vào tháng 5/1971, McDonald's đã đầu tư 150.000 đô la. Tuy nhiên, việc bắt đầu kinh doanh nhượng quyền tại Nhật Bản rất khó khăn do sự khác biệt lớn về văn hóa.
Nhiệm vụ đầu tiên là làm cho McDonald's có vẻ giống một thương hiệu Nhật Bản để thu hút thực khách trong nước. Để cung cấp trải nghiệm McDonald's mà không khiến thực khách nghĩ đó là một thương hiệu Mỹ, Fujita đã đổi tên của thương hiệu McDonald's thành “Makudonarudo” để phù hợp với phương ngữ Nhật Bản. Ronald McDonald, linh vật của công ty đã trở thành Donald McDonald.
Trong cuộc họp của Fujita với các giám đốc điều hành McDonald's tại trụ sở công ty ở Illinois, một cuộc tranh cãi nổ ra về địa điểm của cửa hàng đầu tiên. Các giám đốc điều hành đề xuất mô hình của Mỹ, đó là xây dựng cửa hàng ở các khu vực ngoại ô.
Mặc dù Fujita không thích ý tưởng này, vì theo ông việc xây dựng các cửa hàng ở những khu vực đô thị đông đúc sẽ thu hút những người trẻ tuổi, đối tượng dễ tiếp nhận và cởi mở với những điều mới mẻ hơn, nhưng ông vẫn đồng ý. McDonald's đầu tiên của Nhật Bản đã được lên kế hoạch ra mắt tại ngoại ô Chigasaki, Kanagawa vào tháng 7/1971.
Tổng giám đốc điều hành của McDonald's, Ray Kroc đã đến Nhật Bản vào ngày 18/07, với kỳ vọng sẽ thấy cửa hàng Chigasaki mở cửa. Tuy nhiên, một vấn đề về giấy phép quy hoạch đã khiến kế hoạch không thể thực hiện, vì vậy Fujita quyết định mở cửa hàng McDonald's đầu tiên tại nơi mà ông “nhắm” từ trước là cửa hàng bách hóa Mitsukoshi lâu đời ở Ginza. Đây cũng là đối tác của Fujita & Company nên việc có được mặt bằng trong thời gian gấp rút trở nên dễ dàng hơn.
Đội xây dựng của ông chỉ có 39 giờ, từ 6 giờ chiều Chủ Nhật đến 9 giờ sáng Thứ Ba (Mitsukoshi đóng cửa vào Thứ Hai), để xây dựng cửa hàng. Làm việc cật lực, họ đã hoàn thành nó trước ba giờ.
Ngay từ ngày đầu mở bán, người người đã xếp hàng dài bên ngoài nhà hàng. Trong vòng một tháng, kỷ lục doanh số hằng ngày ở quốc tế đã bị phá vỡ tại cửa hàng ở Tokyo-Ginza, khiến mọi người, bao gồm cả Kroc, phải sửng sốt. Thời điểm ấy, tờ rơi là hình thức quảng cáo duy nhất của cửa hàng vì quảng cáo trên TV và radio chỉ được ra mắt vào năm 1973.
Hình ảnh những người đi dạo ở khu Ginza, trên tay cầm hamburger và ly nước đã dần trở nên quen thuộc. Sau thành công của cửa hàng đầu tiên, cửa hàng thứ hai nằm gần ga Shinjuku đông đúc đã mở cửa sau ba ngày, và một nhà hàng khác sẵn sàng đón khách vào ngày kế tiếp. Fujita thậm chí thành lập “Đại học Hamburger” để đào tạo các nhà quản lý và chủ sở hữu/người điều hành chuỗi cửa hàng.
Đến 1982, McDonald's trở thành chuỗi nhà hàng số một tại Nhật. Vài năm sau, một số món ăn Nhật Bản được yêu thích đã được thêm vào thực đơn, bao gồm Teriyaki McBurger (1989) và Tsukimi Burger theo mùa (1991), cùng với đó là sự kết hợp các món ăn địa phương.
Fujita nhận ra rằng ông không cần phải thay đổi toàn bộ mô hình của McDonald's để thành công ở Nhật Bản, chỉ cần thay đổi bối cảnh và thích nghi với khẩu vị của người châu Á.
Với sự tham gia sâu rộng của Fujita vào McDonald's, công ty đã phát triển thành một gã khổng lồ thức ăn nhanh tại Nhật Bản. Chi nhánh đầu tiên vào năm 1971 đã tạo ra 205 triệu Yên. Năm 1980, công ty đã thu được lợi nhuận 50 tỷ Yên. Khoảng mười một năm sau khi khai trương, McDonald's đã trở thành thương hiệu nhượng quyền thức ăn nhanh lớn nhất tại Nhật Bản. Từ năm 1971 đến năm 1999, có hơn 3.000 cơ sở trên khắp Nhật Bản với hai cửa hàng mở cửa mỗi tuần. Năm 2003, Fujita & Co., LTD đạt giá trị tài sản ròng là 1 tỷ đô la.
Trong thời gian làm phiên dịch tại Trụ sở của Tướng Macarthur, Den Fujita đã tiếp xúc với nhiều binh lính Do Thái-Mỹ. Hơn nữa, nhiều thập kỷ trước ở Osaka, cộng đồng Do Thái đã tự khẳng định mình trong công việc kinh doanh. Đối với Fujita, những người Do Thái đại diện cho những doanh nhân cực kỳ tài năng trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
Fujita đã viết cuốn tự truyện kinh doanh đầu tiên của mình có tựa đề The Jewish Way of Doing Business vào năm 1972. Trong tháng đầu tiên, hơn 200.000 bản đã được bán ra và nhà xuất bản đã phải tái bản cuốn sách 63 lần. Tổng cộng, The Jewish Way of Doing Business đã bán được hơn một triệu bản.
Sau này, trong sự nghiệp viết lách của mình, Fujita đã xuất bản thêm bảy tác phẩm nữa, chẳng hạn như How to Blow the Rich Man's Bugle Like the Jews Do, Stupid People Lose Money và Using Super-Commonsense in Your Money-Making Strategies.
Đằng sau hậu trường, Fujita được coi là một người đàn ông của gia đình. Ông đã kết hôn với vợ mình, Etsuko, người mà ông thầm thương trộm nhớ thời trung học. Họ có hai người con trai tên là Gen và Kan, sau này làm việc tại công ty của Fujita. Fujita và gia đình ông sống yên bình trong một khu phố thượng lưu.
Ngay cả khi ông là ông trùm Dior của Nhật Bản, ông vẫn thường đeo một chiếc đồng hồ Casio giá 6 đô la. Fujita được biết đến là con người của công việc khi luôn làm 12 giờ một ngày, thậm chí khi di chuyển bằng ô tô. Fujita cũng rất sợ động đất, đó là lý do tại sao ông luôn đội chiếc mũ bảo hiểm đặc trưng.
Khi Masayoshi Son là một học sinh trung học 16 tuổi thì Fujita đang mở rộng McDonald's trên khắp Nhật Bản. Masayoshi hâm mộ cuồng nhiệt Fujita và luôn mong ước được trò chuyện cùng thần tượng của mình, thậm chí ông đã gọi hơn 60 cuộc điện thoại (tất nhiên chúng đều bị từ chối).
Son quyết định bay đến Tokyo và đến văn phòng của Fujita mà không báo trước để thỉnh cầu rằng chỉ cần nhìn Fujita làm việc. Thật kì lạ, Fujita đã chấp nhận lời đề nghị và họ đã có cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút về việc tập trung vào ngành công nghiệp máy tính.
Son đã hỏi xin lời khuyên về sự nghiệp của mình, Fujita trả lời: “Máy tính! Đừng nhìn vào quá khứ, hãy nhìn vào tương lai. Ngành máy tính, đó là ngành nên tập trung vào”. Và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này đã thay đổi cuộc đời của Masayoshi Son - Người sáng lập SoftBank.
Fujita nghỉ hưu tại McDonald's Nhật Bản vào ngày 23/03/2003, sau đó qua đời ở tuổi 78 do bệnh tim vào năm 2004. Năm sau, gia đình ông đã bán 25% cổ phần của McDonald's Holdings Japan với giá 668 triệu đô la cho công ty cổ phần tư nhân Longreach (theo WSJ).
Một trong những thành tựu lớn nhất của Fujita là McDonald's Nhật Bản và di sản của ông là những phương pháp luận mang tính cách mạng, làm thay đổi môi trường kinh doanh của Nhật Bản.