Ở Việt Nam chúng ta có tò he, loại đồ chơi dân gian được chạm khắc thành những hình thù đẹp đẽ từ bột gạo. Tò he là thức quà của tuổi thơ, gắn liền với thời niên thiếu đẹp đẽ của bao người. Tại xứ Phù Tang cũng có tò he phiên bản Nhật được gọi với cái tên Amezaiku - ngọt ngào và đẹp tựa như một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật sống động.
Amezaiku là gì?
Amezaiku (飴 細工) là từ ghép bởi ame (kẹo) và zaiku (thủ công), có nghĩa là kẹo được làm thủ công một cách công phu. Nguyên liệu chính của Amezaiku là mizuame, một chất lỏng ngọt từ tinh bột, tương tự như siro ngô.
Đồ làm kẹo Amezaiku chủ yếu là dao hoặc kéo có kích thước nhỏ. Trong quá trình tạo nên thành phẩm thì đòi hỏi nghệ nhân phải khéo tay, thao tác nhanh trên phần nguyên liệu có nhiệt độ cao.
Amezaiku được coi là một nét đặc sắc về nghệ thuật ẩm thực dân gian của đất nước mặt trời mọc.
Loại hình thủ công kẹo có từ thuở xa xưa
Theo ghi chép cổ xưa, Amezaiku xuất hiện từ thời Heian (794 - 1185) và được nghệ nhân làm thành đồ lễ để dâng lên các đền thờ ở Kyoto. Thời điểm này, Amezaiku được tạo hình đơn giản với hai màu chủ đạo là đỏ và trắng cho mục đích tôn giáo.
Phải đến thời Edo (1603 - 1868) với sự phát triển hưng thịnh về văn hóa nghệ thuật, cùng sự bùng nổ của nhiều hình thức biểu diễn đường phố thì Amezaiku mới dễ tiếp cận với đại bộ phận người dân Nhật Bản và trở nên phổ biến hơn.
Thời điểm đó, các nghệ sĩ Amezaiku mang theo gánh hàng rong, biến kẹo thành những tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, họ cũng kiêm luôn vai trò là nghệ sĩ biểu diễn đường phố, đi từ thị trấn này sang thị trấn khác và lễ hội này sang lễ hội khác, biểu diễn các trò ảo thuật.
Những người bán hàng dùng một cái ống để thổi kẹo, cụ thể, họ sẽ thổi không khí qua ống vào kẹo đang nóng chảy, giống như thổi thủy tinh, sau đó họ chế tác khối kẹo dẻo đó thành nhiều hình dạng khác nhau.
Các gánh hàng có Amezaiku thường được bày bán dọc theo những con phố dẫn đến những ngôi đền hay miếu thờ. Một số người vừa kể chuyện vừa làm kẹo để thu hút nhiều khách hàng ghé đến. Amezaiku xuất hiện khắp mọi miền ở nước Nhật, trở thành một loại kẹo quốc dân thuở ấy.
Thời đó Amezaiku được gọi là "amenotori" nghĩa là "những chú chim kẹo". Cái tên này được cho là bắt nguồn từ hình dạng thường thấy của Amezaiku thời Edo là những chú chim.
Trong thời kỳ này, những người bán Amezaiku đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc với hình dạng phức tạp, màu sắc rực rỡ và được công nhận cho đến ngày nay. Các tác phẩm điêu khắc này bao gồm các thiết kế cổ điển như sếu, rồng và nhiều hình dạng động vật khác nhau.
Đến giữa thế kỷ 20, những lo ngại về vấn đề vệ sinh, lây lan vi khuẩn qua đường miệng đã dẫn đến việc thổi kẹo tại các gánh hàng rong bị cấm. Amezaiku gần như trở thành một loại hình nghệ thuật bị thất truyền.
Chính vì thế, dù từng là một nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản nhưng Amezaiku hiện đang ở bên bờ vực tuyệt chủng, với ước tính rằng hiện tại chỉ có chưa đến 100 nghệ nhân thực hành nghệ thuật này ở Nhật Bản.
Cách để làm ra kẹo Amezaiku
Quá trình làm Amezaiku đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo, nhanh nhẹn, có tay nghề cao để hoàn thành sản phẩm trong thời gian ngắn. Theo thống kê ước tính thời gian để tạo hình một cây Amezaiku phải cần đến ít nhất ba phút. Sau đó người thợ sẽ đi màu để hoàn thiện sản phẩm, quá trình này lâu hay mau tùy thuộc vào độ tỉ mỉ của từng mẫu.
Trước đây nguyên liệu làm Amezaiku là một hỗn hợp bột nếp và mật đường hòa trộn lại với nhau. Sau đó nghệ nhân sẽ vo tròn hỗn hợp này rồi luộc chín, đợi nguội bớt rồi chia thành từng phần nhỏ. Mỗi phần này sau đó được nghệ nhân dùng dao hoặc kéo để tạo hình một cách tỉ mỉ, công phu.
Bên cạnh cách nặn kẹo bằng tay thì vào khoảng thời kỳ đầu, Amezaiku được tạo thành khi nghệ nhân bôi chút mạch nha bên dưới một ống thổi nhỏ, rồi dùng miệng thổi phồng kẹo lên theo kích cỡ mong muốn.
Tuy nhiên, phương thức này ngày nay ít được sử dụng nữa vì vấn đề vệ sinh và chỉ còn được áp dụng tại một số địa phương.
Hiện nay, Amezaiku chủ yếu được tạo thành với nguyên liệu chính là đường và siro ngô, hỗn hợp này được trộn với nhau rồi đem đi đun nóng đến 80-90°C và gắn vào một cái que.
Sau đó, nghệ nhân sẽ dùng tay kéo, nhào nặn hỗn hợp thành một hình khối theo mong muốn rồi dùng kéo hoặc dao nhỏ tạo hình, chạm khắc ra những hình động vật như thỏ, cá vàng, ếch... Sau khi hoàn tất quá trình điêu khắc, thì nghệ nhân tạo màu cho tác phẩm với hỗn hợp màu thực phẩm được bôi lên.
Nghệ nhân làm Amezaiku đòi hỏi phải có tính sáng tạo nghệ thuật cùng kỹ năng điêu khắc, kinh nghiệm trong nghề và nhạy bén, nhanh nhẹn để tạo nên một tác phẩm trong khoảng thời gian nhất định với nhiệt độ cao.
Bảo tồn nghệ thuật Amezaiku
Khi những gánh hàng rong Amezaiku dần biến mất thì Amezaiku cũng không còn xuất hiện tràn lan. Ngày nay người ta cho rằng chỉ còn khoảng 100 nghệ nhân Amezaiku tại Nhật Bản, họ thường xuất hiện tại các sự kiện, lễ hội đặc biệt.
Tuy số lượng nghệ nhân Amezaiku ngày càng ít dần, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự hồi sinh trong các nỗ lực bảo tồn nghề thủ công, với sự ra đời của Amezaiku Ameshin, một nhóm nghệ nhân Amezaiku có trụ sở tại Tokyo. Nhóm này được thành lập bởi nghệ nhân Shinri Tezuka – người dành cả đời cho nghệ thuật kẹo Amezaiku bằng cách hiện đại hóa các sản phẩm truyền thống và đào tạo những nghệ nhân mới trong nghề thủ công. Đồng thời ông cũng duy trì và mở rộng những cửa hàng bánh kẹo truyền thống.
Tại đó, khi khách hàng ghé đến sẽ được tìm hiểu, chiêm ngưỡng những chiếc kẹo Amezaiku tuyệt đẹp và một số nơi còn cho khách thử nghiệm quá trình làm kẹo theo hướng dẫn của nghệ nhân.
Những địa điểm mua sắm và trải nghiệm quá trình tạo ra Amezaiku
Suzuki's Amezaiku ở Saitama
Nếu bạn muốn trải nghiệm quá trình tạo nên Amezaiku bằng kỹ thuật thổi kẹo truyền thống của người xưa thì hãy đến cửa hàng cổ Suzuki's Amezaiku ở Saitama.
2 Chome−7, Motomachi, Kawagoe, Saitama.
Asakusa Amezaiku Ameshin
Tại xưởng Hanakawado của cửa hàng Amezaiku Ameshin ở Asakusa, bạn sẽ có cơ hội tự mình làm kẹo Amezaiku với hình dáng ưa thích như kẹo thỏ trắng dễ thương.
Hoặc có thể ghé đến một chi nhánh khác của Amezaiku Ameshin tọa lạc tại Solamachi, khu trung tâm mua sắm ở chân tháp Tokyo Sky Tree.
Tại đây bạn được xem quá trình làm kẹo và được trực tiếp tham gia vào quá trình tạo nên chiếc kẹo truyền thống dưới sự chỉ dẫn của Shinri Tezuka, người sáng lập nên Amezaiku Ameshin.
Hanakawado Studio: Tầng 2 Tòa nhà Hori, 2-9-1 Hanakawado, Taito-ku, Tokyo.
Tokyo Skytree Town Solamachi Store: Tầng 4 Tokyo Skytree town Solamachi, 1-1-2 Oshiage, Sumida-ku, Tokyo.
Có một cửa hàng truyền thống khác cũng thu hút nhiều du khách ghé đến là Amezaiku Amenotori ở Osaka. Ở đây thường bày bán những chiếc kẹo có hình thù các loại cá, sinh vật biển và còn có sách tranh gồm dòng mô tả và hình chụp các tác phẩm kẹo của Yoshiki Yamamoto - nghệ nhân chính của cửa hàng.
1-1-10 Kaigan-dori, Minato-ku, Osaka.
Ngoài ra còn có những cửa hàng kẹo Amezaiku ở khu vực Hokkaido liên kết với nhau thành một hiệp hội gọi là Suzumeya.
Hiệp hội này thường mở các cuộc triển lãm, hội thảo trong các sự kiện hội chợ, lễ hội lớn của địa phương để quảng bá, phổ biến Amezaiku hơn đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Cách bảo quản kẹo Amezaiku
Việc chăm sóc các tác phẩm điêu khắc kẹo Amezaiku rất quan trọng để duy trì vẻ ngoài của chúng và tránh hư hỏng. Sau đây là một số hướng dẫn giúp bạn có thể bảo quản kẹo thời gian lâu nhất có thể:
Các tác phẩm điêu khắc Amezaiku rất mỏng manh, vì vậy trong quá trình vận chuyển, cố gắng tránh sự va chạm.
Để giữ nguyên hình dạng và tránh biến dạng, hãy bảo quản kẹo Amezaiku ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ cao có thể khiến kẹo tan chảy hoặc cong vênh, vì vậy tránh để kẹo tiếp xúc với nguồn nhiệt cao.
Độ ẩm quá cao có thể làm siro đường mềm và mất hình dạng. Bảo quản tác phẩm Amezaiku ở môi trường có độ ẩm thấp để tránh hư hỏng. Cân nhắc sử dụng hộp kín hoặc túi ziplock có gói hút ẩm để bảo vệ tác phẩm.
Không nên chạm quá nhiều vào kẹo Amezaiku bằng tay vì dầu từ da có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài của kẹo và dẫn đến đổi màu. Nếu cần, hãy sử dụng nhíp hoặc dụng cụ sạch, khô để xử lý tác phẩm điêu khắc.
Không nên vệ sinh kẹo vì siro đường rất nhạy cảm với độ ẩm. Nếu có bụi hoặc mảnh vụn trên tác phẩm điêu khắc, hãy sử dụng bàn chải mềm hoặc bình khí nén để nhẹ nhàng loại bỏ bụi hoặc mảnh vụn. Tránh sử dụng nước hoặc bất kỳ dung dịch vệ sinh nào.