Xã hội Nhật Bản hiện vẫn đang tồn tại cái gọi là “trần nhà thủy tinh” cản trở sự tiến thân của phụ nữ. Bà có thể chia sẻ những áp lực, kể cả thất bại đã vấp phải trong quá khứ? Bà đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy như thế nào?
Nhắc tới khoảng thời gian tôi rơi vào trạng thái chán nản, ấy là khi tôi bắt đầu xin việc làm.
Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự cách biệt về mặt “cơ hội” trong việc tìm kiếm việc làm giữa nam và nữ. Thế nhưng tại môi trường công sở, điều đó hiển hiện rõ nét như một hiện thực hiển nhiên mà những người lớn lẫn cả xã hội đều không thể thay đổi. Hơn cả cảm giác chán nản là sự thất vọng và chỉ muốn buông xuôi.
Có lẽ những độc giả Việt Nam khó mà tin được điều này. Vào thời đại của tôi, những rào cản không phải là “trần nhà thủy tinh” mà là cả một bức tường cao và dày. Số công ty thuê nữ giới vào làm nhân viên chính thức cực kì khan hiếm. Công việc mà nhân viên nữ thường đảm nhiệm chỉ là pha trà, photo tài liệu... Thậm chí những lời tỏ ý miệt thị như “Chúng tôi chỉ tuyển dụng nữ giới vào để làm đối tượng kết hôn cho nhân viên nam” không phải là hiếm. “Nếu muốn tìm được một công việc đàng hoàng nên ứng tuyển vào các công ty nhỏ”. Dù nghĩ điều đó quả thật thiếu công bằng, tôi vẫn không nản chí mà đầu quân vào một công ty quảng cáo nhỏ, chập chững dấn bước vào đời.
Tất nhiên trong khoảng thời gian đó, với những quan điểm lạc hậu về bình đẳng giới, nhiều người tỏ ra thiếu tôn trọng tôi. Không ít lần tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Từng bước vươn lên vị trí Giám đốc chi nhánh rồi đến thành viên Hội đồng Ban quản trị, tôi nhận ra rằng chức vị càng cao thì mình càng phải thận trọng hơn. Chỉ một phán quyết của bản thân có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến công ty thế nào, đó là một áp lực không hề nhỏ. Nhưng có lẽ nhờ tính cách lạc quan, bao giờ tôi cũng khích lệ bản thân phải cố gắng vượt qua.
Trong mắt nhân viên và nhiều người, bà là một người phụ nữ độc lập và giàu nghị lực. Trong khi đó, ở Nhật trước đây có nhiều phụ nữ sau khi kết hôn thường từ bỏ sự nghiệp và lệ thuộc vào chồng. Bà nghĩ sao trước ý kiến cho rằng phụ nữ nên tiếp tục xây dựng sự nghiệp và độc lập về kinh tế?
Tôi cho rằng người phụ nữ độc lập về kinh tế là những người có thể bảo vệ mái ấm gia đình mình. Có lẽ người đàn ông sẽ cảm thấy vui khi được trở thành trụ cột gia đình, nhưng nếu người vợ dựa dẫm quá mức sẽ dễ trở thành gánh nặng của chồng.
Các bạn có từng nghe câu khấn nguyện trong hôn lễ Kitô giáo chưa?“Tôi xin hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh/em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh/em mọi ngày suốt đời tôi”. Có nghĩa là dù cả hai rơi vào hoàn cảnh nào, sự “tự lập” ở mỗi cá nhân là cần thiết để có thể duy trì cuộc sống và nâng đỡ lẫn nhau. Dĩ nhiên dù chuyên tâm vào công việc nội trợ hay theo đuổi sự nghiệp ở bên ngoài, mỗi người đều có cách sống riêng, không có gì là ưu - khuyết hay tốt - xấu tuyệt đối.
Bất cứ ai cũng đều làm việc vì hạnh phúc của bản thân, của gia đình, rộng hơn nữa là vì những người quan trọng đối với mình. Có những người làm việc vì hạnh phúc của những ai đó ở quốc gia xa xôi mà mình chưa từng biết tới. Chỉ cần vừa nâng cao năng lực của bản thân vừa duy trì sự gắn kết với xã hội (hay với thế giới), tôi tin rằng chừng nào chúng ta còn sống thì sự nghiệp của chúng ta vẫn còn được tiếp nối và cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên phong phú hơn.
Nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn hình dung rằng những phụ nữ Nhật thành công trong sự nghiệp thường phải hi sinh thời gian bên gia đình, cũng có người chọn sống độc thân để theo đuổi công việc. Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này không?
Nếu xem xét từ góc độ gia đình, thời đại mà phụ nữ Nhật gắn liền với công việc nội trợ quả thật không hề ngắn (vì vậy mà người ta thường dùng cách gọi “yome” (嫁 – “giá”, Hán tự ghép từ chữ “nữ” và chữ “gia”) để gọi người vợ thay vì dùng cách gọi “tsuma” (妻 – “thê”). Trong khi đó, sự phân biệt giới tính tại môi trường công sở đã ăn sâu vào tận gốc rễ,khiến nhiều người dễ có hình dung như trên. Mãi đến năm 1986, những quy định pháp luật về sự bình đẳng cơ hội việc làm mới được chính phủ thông qua. Nói cách khác, sự bất bình đẳng trong cơ hội và cách đối xử giữa nam và nữ đã thật sự tồn tại ở Nhật trong quá khứ.
Tính đến nay, những người ra trường vào năm mà quy định trên được ban hành đều đã trên dưới 54 tuổi. Chắc hẳn họ đều đang giữ quyền hạn quyết định trong công ty, và con cái của họ hiện đã trở thành những nhân viên trẻ hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đó chính là diện mạo của xã hội Nhật Bản ngày nay. Là nhân vật đóng vai trò trung tâm trong sự biến đổi của xã hội qua các thế hệ, khi ngành dịch vụ tăng tưởng mạnh mẽ và mức tiêu thụ sản phẩm gia tăng, phụ nữ Nhật Bản đang dần ý thức rõ hơn về sự tồn tại của mình, qua đó góp phần mở ra nhiều cơ hội và khả năng để người phụ nữ có thể tham gia vào các công việc xã hội.
Khó có thể nói rằng việc chọn lựa cuộc sống độc thân đều là công việc. Các thể chế trong doanh nghiệp ngày nay đang dần nới lỏng hơn để nhân viên có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình. Phía nam giới cũng muốn dành nhiều thời gian hơn để ở bên vợ và con cái. Được biết ở Việt Nam ngày nay có nhiều người đàn ông rất coi trọng gia đình và dành thời gian cho gia đình, đó sẽ là tấm gương để cho người Nhật chúng tôi noi theo.
Để phụ nữ Nhật Bản có thể đảm đương cả công việc lẫn gia đình mà không phải là chọn một trong hai, bà nghĩ cần những chính sách gì?
Tôi rất kì vọng vào các chính sách hỗ trợ cho nhân viên điều chỉnh thời gian và không gian làm việc một cách tự do. Tuy pháp luật có những điều khoản bảo hộ cho người lao động tại Nhật, nhưng đối với những thay đổi trong môi trường làm việc do sự phát triển của kỹ thuật số, những nội dung đi chậm so với thời đại sẽ dần bộc lộ một cách rõ nét hơn.
Chẳng hạn, có những nhân viên muốn chọn làm việc vào buổi sáng, 4 tiếng trong ngày sẽ chơi cùng con, 4 tiếng làm việc vào buổi tối. Cũng có những người muốn làm việc ở chi nhánh công ty hoặc tại quê nhà. Khi những lựa chọn mang tính khả thi của người lao động tăng lên, pháp luật cũng phải nhanh chóng đổi mới để cải tổ vấn đề quản lý thời gian.
Chỉ trong độ chừng vài năm tương ứng với một giai đoạn đời người, những điều kiện và quy định để người lao động có thể xin nghỉ phép vào những cột mốc quan trọng của đời mình mà vẫn có thể tiếp tục làm việc, như được giảm giờ làm, được điều về vị trí cũ sau thời gian tạm nghỉ... đang dần tăng lên. Tuy nhiên những quy định đó chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người dân xây dựng cuộc sống gia đình tốt hơn, chứ không nhắc tới vấn đề “làm việc”.
Các chính sách hiện nay đều đang được điều chỉnh để người lao động có thể tiết giảm giờ làm mà không phải hi sinh gia đình của mình. Vì lẽ đó mà con đường hướng đến sự hoàn thiện vẫn còn rất xa xôi. Để hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân viêncùng lúc được cải thiện, tôi cho rằng cả nhân viên lẫn doanh nghiệp cần phải cùng nhau suy nghĩ và thử nghiệm nhiều phương án khác nhau. Và trong những chính sách đề ra không thể thiếu ý tưởng cơ bản là thiết kế thời gian làm việc tự do để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Bà có lời khuyên nào dành cho những phụ nữ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp?
Mỗi quốc gia đều có luật pháp và quy định khác nhau, vì vậy những lời khuyên chỉ mang tính tương đối. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho rằng, muốn khởi nghiệp, các bạn cần tìm được cho mình những đối tác đáng tin cậy và không ngại tranh luận cùng nhau.
Dĩ nhiên nếu có thể khởi nghiệp độc lập thì đơn giản hơn nhiều, bởi khi bạn bắt tay với một ai đó để thực hiện một kế hoạch chung thì sẽ nảy sinh rất nhiều khó khăn. Nhưng một khi đã có thể đồng cam cộng khổ cùng nhau, chắc chắn các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui lớn hơn gấp nhiều lần.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 25% trong số các Giám đốc điều hành (CEO) và thành viên Ban Giám đốc của các doanh nghiệp là phụ nữ. Chắc chắn trong tương lai con số này sẽ ngày càng gia tăng. Hãy hoàn thành giấc mơ của mình và đừng bao giờ bỏ cuộc!
Bà có thể chia sẻ với độc giả Kilala những sở thích và hoạt động cá nhân của mình không?
Tôi rất thích được trải nghiệm cuộc sống tự do ở những hòn đảo phương Nam. Trong số đó, nơi tôi thích nhất là đảo Iriomote ở Okinawa. Khi bình minh lên thì thức dậy, khi hoàng hôn xuống thì vừa uống rượu vừa ngắm sao cho đến khi ngủ say. Thỉnh thoảng tôi sẽ đi lặn để khám phá biển khơi. Giữa lòng biển, chỉ cần dùng động tác của cơ thể mà không cần phải giao tiếp với ai, tôi có thể tĩnh tâm để đắm mình giữa thiên nhiên.