TTS Việt bị các tổ chức giám sát và hỗ trợ ngó lơ

Bài: Rin
Oct 9, 2022

Nguồn: Mainichi

Thực tập sinh Việt Nam tiếp tục bị đối xử bất công khi đến Nhật Bản làm việc theo diện chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài.  

Nhiều vụ việc xâm phạm quyền con người trong chương trình đào tạo thực tập sinh (TTS) kỹ thuật nước ngoài đã được ghi nhận trên khắp nước Nhật. Vào tháng 7 vừa qua, cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp Yoshihisa Furukawa thông báo Chính phủ Nhật Bản dự định thực hiện một cuộc đánh giá toàn diện về hệ thống thực tập sinh kỹ thuật. Tuy nhiên, các câu hỏi vẫn xoay quanh vấn đề liệu chương trình này có thật sự hỗ trợ cho người nước ngoài mới đến Nhật hay không. 

Ngo Dang Toan, 22 tuổi là một TTS kỹ thuật từng làm công việc thợ mộc tại thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa trước khi trở thành người vô gia cư vào năm 2021. Trong suốt kỳ nghỉ lễ Obon vào tháng 8/2021, anh đã đến chơi và ở lại nhà của một người bạn ở Tokyo nhưng không may bị nhiễm COVID-19 và nằm liệt gường vì bị sốt đến hơn 39°C.

thực tập sinh Ngo Dang Toan
Thực tập sinh Ngo Dang Toan. Ảnh: Mainichi 

Tuy nhiên, anh đã không thể báo cáo với công ty về sự vắng mặt của mình do thiếu thông dịch viên ở bộ phận giám sát tại chỗ làm. Hai tuần sau đó, anh trở về ký túc xá của công ty ở Takamatsu. Chủ tịch công ty trách mắng anh vì đã không liên hệ với công ty và nói rằng: “Chúng tôi không cần người như vậy. Hãy dọn khỏi ký túc xá đi”. 

Sau đó, anh đã đến cơ quan giám sát của mình để báo cáo rằng mình không có nơi nào để trú ngụ, nhưng nhân viên nói với anh rằng: “Đó không phải việc của tôi”. Chính thức từ đây, anh trở thành người vô gia cư. Anh đã dùng điện thoại công cộng để gọi đến văn phòng của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (Organization for Technical Intern Training – OTIT) chịu trách nhiệm hỗ trợ cho TTS ở chi nhánh Takamatsu nhưng cũng bị phớt lờ: “Nếu không có chỗ nào đi thì hãy đến đồn cảnh sát”. 

Thông qua sự sắp xếp của một người bạn, anh cuối cùng cũng đã được công đoàn lao động Fukuyama Union Tampopo ở tỉnh Hiroshima bảo trợ. Nhớ lại những gì đã trải qua, anh chia sẻ rằng đã không một ai giúp mình cả. 

Xem thêm: Quấy rối thai sản gây áp lực lên các nữ thực tập sinh Việt

Trước vụ việc trên, Mainichi Shimbun đã liên hệ với trụ sở chính của OTIT và đơn vị này thừa nhận: “Trong trường hợp TTS không có nơi nào để ở do những vấn đề tại các tổ chức, đơn vị giám sát TTS thì OTIT có nhiệm vụ cung cấp chỗ ở cho các cá nhân này trong một khoảng thời gian nhất định”. Tuy nhiên, họ không đưa ra lời giải thích nào liên quan đến các vụ việc như của TTS Toan. 

Gần đây, vào tháng 4/2022, tổ chức OTIT cũng vướng phải một vụ việc tương tự khi phớt lờ những trường hợp TTS gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở. Ba nữ TTS kỹ thuật Việt Nam chia sẻ việc bị buộc thôi làm ở một công ty chế biến hải sản tại Ishinomaki, tỉnh Miyagi, họ đã tham gia công đoàn nhưng OTIT lại hối thúc họ rút khỏi công đoàn. 

ba thực tập sinh Việt tại tỉnh Miyagi
Ba thực tập sinh Việt tại tỉnh Miyagi. Ảnh: Mainichi 

Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, OTIT đã thừa nhận hành động của mình là không phù hợp. Tổ chức này nói rằng họ sẽ hỗ trợ cho ba TTS thay đổi nơi làm việc, nhưng thực tế, cả ba vẫn thất nghiệp hơn nửa năm nay. Các nữ TTS Việt Nam bày tỏ sự thất vọng bởi tổ chức này chưa bảo trợ được cho TTS đúng như nhiệm vụ của mình. 

Bắt đầu từ năm 1993, chương trình TTS kỹ thuật nước ngoài bị chỉ trích là hình thức “lao động nô lệ” bởi tuyển TTS để trở thành lực lượng lao động chân tay với mức lương thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố ban đầu của chương trình là mong muốn đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, công nghiệp, thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng, kiến thức về các lĩnh vực sản xuất của Nhật cho các nước đang phát triển. 

Xem thêm: Hơn 50% thực tập sinh kỹ thuật vay nợ để đến Nhật

Đến cuối năm 2021, có khoảng 276.000 TTS kỹ thuật tại Nhật. Theo chương trình, có khoảng 86 loại công việc bao gồm xây dựng, sản xuất thực phẩm, may vá, trồng trọt và TTS có thể làm việc tối đa trong 5 năm. Các tổ chức giám sát thu phí từ các công ty Nhật nơi TTS làm việc và có nghĩa vụ phải kiểm tra các công ty này, tư vấn cho thực tập sinh khi họ gặp vấn đề. 

chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại nhật bản
Chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại Nhật vướng phải nhiều chỉ trích. Ảnh: Mainichi 

Tuy nhiên, về sau có rất nhiều trường hợp TTS nước ngoài không được trả lương, bị bạo hành, quấy rối và nhiều vấn đề khác nảy sinh. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập tổ chức OTIT vào năm 2017 để hướng dẫn cho các công ty nhận thực tập sinh và các tổ chức giám sát, cũng như hỗ trợ công việc, đời sống, bảo vệ sự an toàn và công bằng cho các TTS.

Thực tập sinh có thể liên hệ trực tiếp với quầy tư vấn của OTIT, nhưng nhân viên của POSSE, một tổ chức phi lợi nhuận tại Tokyo chuyên hỗ trợ giải quyết vấn đề việc làm và nghèo đói của lao động trẻ lại chỉ ra rằng: “Có nhiều trường hợp OTIT không hỗ trợ giải đáp cho TTS không được báo cáo. Trường hợp của ba nữ TTS tại tỉnh Miyagi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. 

Theo kế hoạch của OTIT trong năm tài chính 2022, nhân viên hợp đồng chỉ chiếm 60% số lượng nhân viên của tổ chức, còn nhiệm vụ trực nhận điện thoại bằng tiếng nước ngoài đã được giao cho các đơn vị bên ngoài. 

Xem thêm: Tâm sự của một cựu TTS Việt: Khi giấc mơ hóa cơn ác mộng

Ippei Torii, 69 tuổi, Giám đốc đại diện của Mạng lưới đoàn kết với người nhập cư Nhật Bản (Solidarity Network with Migrants Japan – SMJ) nhận xét, trong khi có những nhân viên của OTIT đang "làm việc một cách chăm chỉ" thì tổ chức lại "đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực".

Ông đề xuất rằng các tổ chức giám sát nên hợp tác với các cơ quan kiểm tra tiêu chuẩn lao động và cơ quan an ninh việc làm công cộng trong việc phê duyệt cho thực tập sinh vào Nhật hay hỗ trợ thực tập sinh thay đổi công việc.

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch thành lập một hội đồng chuyên gia sớm nhất vào mùa thu năm nay để bắt đầu thảo luận về việc xem xét lại hệ thống thực tập sinh. Tuy nhiên, một đại diện ở Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi chưa thể thông tin về thời điểm cuộc họp được diễn ra cũng như thành viên bao gồm những ai”. 

Giữa bối cảnh đáng lo ngại khi ngày càng nhiều TTS nước ngoài rời khỏi Nhật Bản, cùng với tình trạng thiếu hụt lao động và đồng yên suy yếu, nhiều người cho rằng Nhật Bản cần hành động quyết liệt để tránh việc bị các thực tập sinh “bỏ rơi”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU