Truyện ngắn trong lòng bàn tay

    Truyện cực ngắn đã thịnh hành trên thế giới từ lâu. Riêng ở Nhật Bản, thể loại này được gọi tên là “siêu đoản thiên tiểu thuyết” (cho tanpenshosetsu) hay “tiểu thuyết điện thoại” (keitai shosetsu) vì rất thịnh hành trên điện thoại cầm tay (keitai). Văn hào Kawabata Yasunari gọi 146 truyện cực ngắn mà ông sáng tác trong cuộc đời mình là “truyện ngắn trong lòng bàn tay” (Tenohira no shosetsu). Tại Việt Nam, tuy truyện cực ngắn chỉ mới phát triển trong khoảng hai mươi năm lại đây nhưng đã có nhiều đặc sắc đáng chú ý. Xin giới thiệu ba truyện cực ngắn của nhà văn - dịch giả Hoàng Long, người có rất nhiều duyên nợ với văn học và văn hóa Nhật Bản.

    TẬN HIẾN

    Khi cảm thấy cuộc rong chơi đã thật đầy đủ, anh quay về nhìn sâu vào trong bản thân mình, tìm năng lượng và sự dũng mãnh cho những ngày tháng sống sót kế tiếp. Anh tập làm quen và nhận chịu sự cô đơn thăm thẳm như lưỡi dao buốt giá thẳng thừng đâm xuyên thấu thân hình. Không một tiếng kêu than, anh âm thầm chịu đựng một cách kiên nhẫn và biết ơn. Anh thả mình trong sự im lặng tuyệt đối để tận hưởng vẻ đẹp mong manh trong suốt và thuần khiết của nỗi cô đơn. Và rồi anh biến cuộc sống của mình thành nghệ thuật mà mỗi hành vi anh làm đều là những nghi lễ tạ ơn cuộc sống. Anh thấy tất cả những việc mình làm hàng ngày đều trang trọng quý giá như nhau. Rửa chén bát, giặt đồ cũng quý phái sang trọng không khác gì việc làm thơ và viết thư pháp. Anh hết sức chú tâm và thận trọng tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi thực hành. Cũng như để viết thư pháp phải có nhiều loại bút, giấy, mực khác nhau tùy theo từng kiểu chữ thì việc rửa chén cũng y như vậy. Cần chuẩn bị bao nhiêu loại khăn lau, chọn nhãn hiệu nước rửa chén nào cho thích hợp, thứ tự rửa chén dĩa trước bát sau đều cần phải hình dung ra trước như một tác phẩm nghệ thuật. Và khi tất cả sẵn sàng, anh chuẩn bị tinh thần như bước vào trận chiến. Tay cầm miếng rửa chén thận trọng nhưng dứt khoát vung ra như hất lên nét bút, nghi lễ rửa chén bắt đầu. Điều quan trọng nhất là phải chú tâm hoàn toàn, không nghĩ đến bất cứ điều gì khác, chỉ rửa chén và rửa chén mà thôi. Trong trận quyết đấu, chỉ một chút phân tâm là ta có thể mất mạng. Chỉ một khoảnh khắc nghĩ sang điều gì khác là việc tiếp xúc với đời sống không còn trọn vẹn hoàn toàn. Vì thế anh thực hiện với tất cả sự trang trọng. Phơi quần áo cũng vậy. Làm sao có thể biến việc phơi quần áo trở thành một nghệ thuật, làm sao quần áo khô rồi lấy xuống vẫn phẳng phiu có thể mặc được ngay không cần phải dùng bàn ủi. Đó thật sự là một vấn đề không dễ dàng. Rồi uống trà, làm tình, lau nhà, tắm rửa, vệ sinh  cũng thế. Đạt được mức tinh túy của nghệ thuật lau nhà thôi nhiều khi phải mất cả cuộc đời. Vì thế anh luôn cảnh giác với sự lười biếng, buông xuôi của mình. Rửa chén một cách trang trọng ưu liệt, lau nhà một cách trang trọng ưu liệt, làm tình một cách trang trọng ưu liệt. Điều đó khiến anh thấu suốt sự hiện hữu của mình trong cuộc tiếp xúc hoàn toàn trọn vẹn với cuộc sống, ban cho anh một sự dũng mãnh sấm sét để đối mặt trực tiếp với vòng quay ngày càng điên loạn bất trắc của cả một kỷ nguyên.

    Sài Gòn, ngày 24/8/2014

    NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

    Biết bao nhiêu người đã nói cuộc đời là mộng ảo, là phù vân thoáng qua nhưng vẫn tranh giành đẫm máu. Chiến trường dù lặng yên tiếng súng nhưng máu vẫn không ngừng chảy trong bóng tối, sau tấm màn nhung. Những xác chết phục vụ cho một mưu đồ bất chính, mang lại thỏa mãn riêng cho một kẻ giật dây sau cùng. Như con thú say mồi chỉ lao đi chém giết, mùi máu càng làm tăng ý chí chinh phạt, ta cứ lao đi không cần biết đến ngày mai, chỉ biết có đồng quy ư tận, lưỡng bại câu thương. Nhưng khi đã giết sạch kẻ thù và bước lên ngôi báu, nhìn xung quanh mình ta còn lại gì? Chỉ là một sự trống rỗng và nghi ngờ khắp nơi. Chính lúc đó ta mới thấy cuộc đời là phù du mộng ảo. Khoảnh khắc thực nhất chính là ngồi đối diện với ấm trà, trở lại chính mình của ngày xưa. Khi ấy ta mới thấu hiểu được làm người bình thường là hạnh phúc. Nhưng tại sao máu vẫn đổ cả ngàn năm?
    Để biết được mộng ảo ta phải đi đến cùng mộng ảo, để hiểu được phù vân ta phải kinh qua hết những phù vân. Không còn con đường nào khác. Phần thưởng lớn nhất của cuộc phinh phạt chính là những giây phút thức tỉnh bình yên sau chiến thắng huy hoàng. Lúc đó ta không còn mong cầu điều gì khác cả. Ta bình thường, bình dị sống những ngày lặng lẽ an vui. Lúc nào cũng an định nên mới nhìn đời được trọn vẹn bây giờ hôm nay. Một bóng chim đậu trên cành phi lao cao vút hót thảnh thơi một mình. Một cơn mưa rào gõ vào khung cửa kính chảy xuống những giọt nước dài nhìn kỹ như một khu rừng giá băng. Một cuốc dạo bộ trong rừng cây buổi chiều râm mát. Tất cả đều đổ vào hồn ta trọn vẹn ân tình. Vì ta không mong cầu điều gì khác cả nên ta chấp nhận và tương giao với ngoại giới hoàn toàn. Ta là một người bình thường. Và trong câu nói thức tỉnh ấy, niềm vui chảy tràn ra bát ngát mênh mông. Cánh cò trắng bay về nhà buổi chiều tối, ta trở về chính mình trong thầm lặng. Hoàn toàn nương tựa vào chính mình nên ta không còn sự bất an khi kỳ vọng vào kẻ khác, không bị kẻ khác làm một chút gì tổn thương. Bởi vậy cho nên gửi những người đang chiến đấu. Hãy chiến đấu hết mình đi, hãy sống cuộc đời của mình, hãy đi đến cùng mộng ảo để thức dậy sống những tháng ngày bình an. Hãy thức tỉnh ngay trên đầu lưỡi kiếm sắc. Phải như con phượng hoàng tái sinh từ tro tàn để tắm lượn trong ánh sáng hạo nhiên. Và khi ấy nhớ đến uống trà với ta nhé. Trong khoảnh khắc đối diện uống trà trong im lặng, tất cả bụi trần sẽ lắng xuống và thế giới sẽ tươi mát hân hoan.

    Sài Gòn, ngày 7/8/2014

    TIẾNG VỌNG

    Tặng ta ngày xưa cũ

    Thời gian đối với anh không phải mang ý nghĩa trừu tượng mà là một người bạn thiết thân. Mười mấy năm thoáng qua như chớp mắt, đã có bao nhiêu chuyện xảy ra, bao nhiêu nỗi niềm được kể lại. Anh đã nhờ thời gian mà khôn lớn thêm, trưởng thành hơn. Người bạn này đã chữa lành cho anh nhiều vết thương, vạch ra cho anh thấy bộ mặt thật của một vài người anh từng kính trọng. Một cách vô cùng kiên nhẫn, thời gian rạch một nhát dao chầm chậm lên mọi mặt nạ và những vũ đài để từ từ làm rơi xuống những thứ xấu xa kinh tởm. Nỗi đau đớn làm anh tỉnh ngộ.  Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Anh chín chắn hơn nhưng già nua đi. Thời gian cũng khắc lên mặt anh những vết nhăn tuổi tác, lấy đi những cử động nhanh nhẹn và hoạt bát của ngày xưa. Những điều thiết thân và tốt đẹp nhất với anh cũng dần nhạt phai đi và biến mất. Anh có chút tiếc nuối nhưng mãn nguyện vì thấy mình đã sống thật đẹp đẽ cho đến tận bây giờ. Tuy trải qua bao nhiêu biến cố nhưng anh không hề thay đổi bản chất. Anh vẫn là anh của ngày xưa, chưa bao giờ bán linh hồn mình cho quỷ dữ. Anh vẫn cảnh tỉnh mình thường xuyên. Mỗi lần có dịp về quê, anh lại đi thăm căn nhà cũ thuở nhỏ, mái trường rêu phong ngày xưa để nhớ mình từng có một tâm hồn thơ ngây tinh khiết. Tất cả đều chảy trôi đi mãi. Anh chỉ còn lại chính bản thân mình. Những bước chân anh đi hôm nay đạp lên những vết chân ngày cũ tạo ra một tiếng vọng cho riêng anh. Thanh âm đó nhắc nhở cho anh thấy được ý nghĩa thực sự của cuộc đời là trở về chính mình trong mọi khoảnh khắc. Một mình riêng biệt bất động giữa sự chảy trôi. Trở về chính mình trong yên lặng giúp anh tạo ra những tiếng vọng mênh mang. Anh đóng băng những tiếng vọng đó bằng ngôn ngữ rồi cất vào sâu trong căn phòng tâm tư sâu kín nhất. Đôi khi trong đêm vắng, anh ngồi yên trong bóng tối, lặng lẽ rã đông những nỗi niềm tiếng vọng để nghe ra chính bản thân mình. Cứ như thế, anh đi qua hỗn loạn dòng đời, một mình một cõi. Không biết đến khi nào tiếng vọng cuộc đời anh mới được nhân gian hiểu thấu và nghe ra?


    Sài Gòn, ngày 18/9/2014

    nhà văn Hoàng LongNhà văn - dịch giả Hoàng Long

    01/01/2015

    HOÀNG LONG

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!